Lỗ nặng năm 2023 và cổ phiếu phải vào diện hạn chế giao dịch, PXS lên kế hoạch lãi hơn 10 tỷ đồng năm 2024

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Năm 2023, CTCP Kết cấu Kim loại và Lắp máy Dầu khí (mã PXS) lỗ tới 159 tỷ đồng do lợi nhuận các dự án không bù đắp được các chi phí cố định. Năm 2024, PXS đặt mục tiêu lãi trước thuế đạt 10,16 tỷ đồng, kỳ vọng đến từ các dự án đang có và dự án mới. 
Lỗ nặng năm 2023 và cổ phiếu phải vào diện hạn chế giao dịch, PXS lên kế hoạch lãi hơn 10 tỷ đồng năm 2024

PXS bước qua năm 2023 không mấy tích cực khi giá trị sản lượng chỉ đạt 408,5 tỷ đồng, giảm 29% so với năm 2022; doanh thu giảm 25% xuống còn 417,7 tỷ đồng và lỗ 159 tỷ đồng. PXS cho biết nguyên nhân do lợi nhuận từ các dự án trong năm không đủ bù đắp hết được chi phí cố định của Công ty.

Sang năm 2024, PXS đặt mục tiêu giá trị sản lượng đạt 542 tỷ đồng, tăng 33% so với năm 2023. Theo đó, mục tiêu doanh thu đạt 547 tỷ đồng, tăng 31% và lợi nhuận trước thuế đạt 10,16 tỷ đồng.

PXS cho rằng, trong năm nay Công ty có lợi thế bãi cảng 23 ha đã được đầu tư hệ thống nhà xưởng, bến bãi, cầu cảng và các thiết bị chuyên dùng đủ năng lực đáp ứng các dự án/công trình dầu khí và được các khách hàng như: VSP, PTSC, PTSC M&C, JOC, NOC, FOCUS, APHA-ECC.... đánh giá rất cao về năng lực thi công.

Bên cạnh đó, ngoài các dự án đang thi công chuyển tiếp từ năm 2023 như: Đại Hùng Phase 3, Điện gió Orsted, Chế tạo Extenal Platform,…thì các dự án mới cũng nằm trong kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024 của đơn vị như: Lô B - Ô Môn, Dự án DKI, dự án Lạc Đà vàng…

Riêng đối với dự án Lô B - Ô Môn, PXS đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ cùng Tổng công ty PetroCons và các đối tác khác tham gia vào các công trình hạ nguồn thuộc chuỗi dự án Lô B – Ô Môn như đường ống dẫn khí trên bờ, các trạm valve, trạm phân phối khí và Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn 4 theo tiến độ thực hiện của từng dự án.

Nhưng PXS cũng thận trọng với sự tham gia của các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài, cùng sự lớn mạnh của một số doanh nghiệp tư nhân trong nước có vốn đầu tư lớn những năm gần đây làm cho thị trường xây lắp và gia công cơ khí ngày càng có xu thế giảm giá và cạnh tranh gay gắt về giá thành. Điều này có thể khiến PXS giảm cơ hội trúng thầu và giảm quy mô, phạm vi gói thầu nếu được trao thầu.

Đồng thời nhiều đơn vị hoạt động trong cùng lĩnh vực xây lắp do thiếu việc làm, vẫn phải chấp nhận rủi ro tham gia thực hiện để duy trì hoạt động sản xuất nên có sự cạnh tranh rất khốc liệt về giá.

Cổ phiếu vào diện hạn chế giao dịch do kiểm toán từ chối ý kiến

Từ ngày 17/04, PXS chính thức bị HNX đưa vào danh sách cổ phiếu bị hạn chế giao dịch (chỉ được giao dịch vào phiên thứ Sáu hàng tuần) do Công ty kiểm toán AASC từ chối cho ý kiến đối với BCTC năm 2023 của PXS.

Theo báo cáo của PXS, kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến dựa trên ba cơ sở.

Thứ nhất, PXS chưa tính giá trị quyền sử dụng khu đất số 02 Nguyễn Hữu Cảnh, phường Thắng Nhất, TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vào giá thành của dự án Khu phức hợp Chung cư cao ốc - Văn phòng. Kiểm toán cho biết đã thực hiện đầy đủ các thủ tục kiểm toán cần thiết nhưng vẫn không thể đánh giá được ảnh hưởng của vấn đề này đến BCTC.

Thứ hai, đến thời điểm kết thúc kiểm toán, AASC vẫn chưa thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp liên quan đến các dự án: Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, Tổ hợp hóa dầu Miền Nam Việt Nam và Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1, do đó không thể đánh giá được sự phù hợp của doanh thu, giá vốn và dự phòng giảm giá hàng tồn kho mà Công ty ghi nhận từ các dự án này cũng như ảnh hưởng của các số liệu đó tới BCTC.

Thứ ba, tại thời điểm 31/12/2023, các khoản nợ phải trả ngắn hạn của Công ty đang vượt quá tài sản ngắn hạn gần 403 tỷ đồng; tổng tài sản giảm hơn 245 tỷ đồng so với đầu năm; lỗ lũy kế gần 587 tỷ đồng; lỗ gộp hơn 129 tỷ đồng; nợ phải trả quá hạn thanh toán cuối năm gần 309 tỷ đồng… cùng với các vấn đề nêu tại thuyết minh 01 trên BCTC cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Công ty.

PXS cho biết, Ban giám đốc Công ty đã nhận biết được vấn đề này và sẽ tiếp tục trao đổi với chủ nợ để gia hạn các khoản nợ tới hạn trả trong năm tiếp theo. Ngoài ra, Công ty cũng đã dự báo đủ dòng tiền chi tiêu cho kỳ kế toán tiếp theo. Do đó, vấn đề mất cân đối khả năng thanh toán tại ngày 31/12/2023 (nếu có) sẽ không ảnh hưởng đến tình hình hoạt động liên tục của Công ty trong năm kế toán tiếp theo.

PXS từng niêm yết trên HOSE từ năm 2010, nhưng đã bị hủy niêm yết từ ngày 24/06/2022 do vướng phải các ý kiến ngoại trừ của kiểm toán trên BCTC năm 2019, 2020 và 2021. Hiện tại, cổ phiếu đang được giao dịch trên UPCoM. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 16/04, PXS chỉ có giá 4.000 đồng/CP.

Tin bài liên quan