Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) cấm các ngân hàng bán bảo hiểm kèm dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức

Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) cấm các ngân hàng bán bảo hiểm kèm dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức

Lo mất doanh thu kênh bancassurance

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Doanh thu bán bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) sụt giảm sau khi pháp luật nghiêm cấm ngân hàng “ép” khách hàng đến vay vốn phải mua bảo hiểm. Bên cạnh đó, việc điều tra ngân hàng bán bảo hiểm đã “lan” sang công ty bảo hiểm.

Mạnh tay chấn chỉnh

Giai đoạn 2018 - 2022, thu nhập từ việc làm đại lý bảo hiểm nhân thọ của không ít ngân hàng thương mại chiếm tỷ trọng lớn trong tổng lợi nhuận. Ngân hàng lãi lớn nhờ bán chéo sản phẩm bảo hiểm nhân thọ bởi mức hoa hồng chiết khấu cao, nhưng nhiều khách hàng chịu thiệt hại vì bị “ép” mua. Vì thế, Luật Kinh doanh bảo hiểm đã được sửa đổi, có hiệu lực từ 1/1/2023, trong đó có các quy định mới nhằm chấn chỉnh tình trạng này và được Nghị định 46/2023/NÐ-CP của Chính phủ, Thông tư 67/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết, cụ thể là cấm các ngân hàng tư vấn, chào bán sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư trước và sau 60 ngày giải ngân khoản vay.

Đặc biệt, trung tuần tháng 1/2024, Quốc hội thông qua Luật Các tổ chức tín dụng 2024 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, một số điều khoản có hiệu lực từ 1/1/2025), trong đó nghiêm cấm hành vi “gán việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng”.

Ngoài ra, cuối tháng 3/2024 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước xây dựng dự thảo quy định, không cho phép ngân hàng thương mại bán sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư, vì dễ gây nhầm lẫn cho khách hàng với các sản phẩm huy động vốn, ủy thác đầu tư.

Để tăng tính răn đe với những vi phạm, Bộ Tài chính đang hoàn thiện dự thảo Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm để trình Chính phủ ban hành, theo hướng cụ thể hóa các hành vi vi phạm và tăng cường biện pháp xử phạt.

Thực tế, trước việc siết lại hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng và động thái đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý, doanh thu kênh bancassurance giảm mạnh.

Cụ thể, thu nhập từ hoa hồng bảo hiểm trong năm 2023 của VIB giảm 32%, SeA Bank giảm 73%, Techcombank giảm 62%, TPBank giảm 57%, MB giảm 19%... so với năm 2022.

Về phía doanh nghiệp bảo hiểm, doanh thu phí bảo hiểm quy năm của kênh bancassurance trong năm 2023 giảm 47%, phí thực thu năm đầu 2023 giảm 54% so với năm 2022. Trong 2 tháng đầu năm 2024, thống kê sơ bộ của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cho thấy, doanh thu phí bảo hiểm quy năm của kênh bancassurance giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Doanh nghiệp tìm hướng bù đắp

Tác động của kênh bancassurance ở mảng bảo hiểm nhân thọ ảnh hưởng lớn đến niềm tin của khách hàng đối với ngân hàng và lan sang cả doanh nghiệp bảo hiểm.

Tại đại hội cổ đông thường niên 2024 của Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm BIDV (BIC) tổ chức đầu tháng 4, cổ đông Đinh Quang Hùng đặt câu hỏi, BIC có giải pháp nào để vượt qua khó khăn đến từ các quy định mới về kênh bancassurance?

Ông Trần Xuân Hoàng, Chủ tịch Hội đồng quản trị BIC cho biết, việc cấm bán bảo hiểm kèm theo các khoản cho vay của ngân hàng là cần thiết để chấn chỉnh hoạt động bảo hiểm. Tuy nhiên, việc cấm này chỉ áp dụng đối với các sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc (tức không áp dụng với bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng).

“Chúng tôi luôn đề cao chất lượng của sản phẩm, dịch vụ làm yếu tố thu hút khách hàng. Việc khách hàng vay vốn và tham gia mua bảo hiểm là lợi ích của khách hàng, để khách hàng đảm bảo khả năng trả nợ khi không may gặp rủi ro. BIC luôn phối hợp chặt chẽ với BIDV từ khâu tư vấn ban đầu để khách hàng hiểu rõ về sản phẩm”, ông Trần Xuân Hoàng nói.

Tại Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Hàng không (VNI, mã chứng khoán AIC), doanh thu từ sản phẩm bảo hiểm Bảo an tín dụng năm 2023 giảm 345 tỷ đồng (giảm gần 65%) so với năm 2022. Nhằm bù đắp phần thiếu hụt từ sản phẩm liên kết với ngân hàng, VNI tập trung khai thác mảng chính là bảo hiểm xe cơ giới, vốn chiếm tỷ trọng gần 70% trong cơ cấu tổng doanh thu, nhất là bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe.

Đồng thời, VNI triển khai bán bảo hiểm qua kênh đối tác mới như Global Care, Igloo, Ezin, Wini, năm 2023 mang lại doanh thu gần 40 tỷ đồng, còn kênh khách hàng Hàn Quốc mang về 29 tỷ đồng doanh thu. Cùng với đó, doanh nghiệp phát triển các sản mới như bảo hiểm sức khỏe toàn diện Family qua SHBFC (doanh thu năm 2023 đạt gần 51 tỷ đồng), bảo hiểm ô nhiễm môi trường, bảo hiểm cước phí hoàn trả Shipping return, bảo hiểm chủ thẻ ngân hàng.

Với Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI), doanh thu sản phẩm Bảo an tín dụng năm 2023 giảm 193 tỷ đồng (giảm 45,6%), khiến doanh thu nghiệp vụ bảo hiểm con người giảm gần 20% so với năm 2022.

Lãnh đạo PTI cho hay, tác động của kênh bancassurance ở mảng bảo hiểm nhân thọ ảnh hưởng lớn đến niềm tin của khách hàng đối với ngân hàng và lan sang cả mảng bảo hiểm phi nhân thọ nên doanh nghiệp đã chủ động cắt giảm các sản phẩm không còn mang lại hiệu quả, sản phẩm Vững tâm an cũng ngừng bán (trước đó, doanh thu năm 2022 đạt 118 tỷ đồng).

Cơ quan điều tra vào cuộc

Liên quan đến việc bán bảo hiểm qua ngân hàng nói chung, gói sản phẩm Bảo an tín dụng nói riêng, ngày 1/4/2024, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường, Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã có Công văn số 260/CSKT-Đ4 gửi Công ty Bảo hiểm Bưu điện Vĩnh Phúc (trực thuộc PTI).

Theo đó, cơ quan cảnh sát điều tra đang tiến hành xác minh việc triển khai loại hình bảo hiểm tính mạng người và doanh nghiệp vay tín dụng (gói bảo hiểm Bảo an tín dụng) trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, đề nghị PTI Vĩnh Phúc cung cấp các thông tin, tài liệu sau: danh sách và hợp đồng liên kết bán bảo hiểm với ngân hàng và các tổ chức tín dụng đã phát sinh doanh thu; doanh thu chi tiết (theo từng nghiệp vụ) loại hình bảo hiểm tính mạng người và doanh nghiệp vay tín dụng với ngân hàng (gói bảo hiểm tín dụng); danh sách đại lý và các công ty môi giới, tư vấn bảo hiểm đã thực hiện các dịch vụ môi giới, tư vấn đối với gói bảo an tín dụng từ năm 2020 đến nay.

Ngoài ra, PTI Vĩnh Phúc cần cung cấp thông tin về tất cả các chi phí đã thanh toán trực tiếp cho cán bộ khai thác, đại lý và các công ty môi giới tư vấn bảo hiểm được thực hiện bằng hình thức nào, theo định mức nào? Cung cấp chi tiết chi phí (theo từng nghiệp vụ) đã thanh toán cho đại lý, công ty môi giới, tư vấn bảo hiểm từ năm 2020 đến nay; cung cấp báo cáo tài chính từ năm 2020 đến nay và các sổ sách, chứng từ có liên quan đến các nội dung trên.

Phó tổng giám đốc một công ty bảo hiểm phi nhân thọ có thị phần thuộc Top 5 nhận xét, việc điều tra các ngân hàng bán bảo hiểm đã “lan” sang các công ty bảo hiểm. Riêng với khối bảo hiểm phi nhân thọ, ngoài PTI, có 2 doanh nghiệp đang được cơ quan chức năng đề nghị cung cấp thông tin, tài liệu.

Tin bài liên quan