UBND tỉnh Bình Phước vừa có công văn số 324/BC – UBND gửi Thủ tướng Chính phủ để báo cáo về tình hình chuẩn bị đầu tư Dự án đường cao tốc TTP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành.
Tại công văn này, UBND tỉnh Bình Phước kiến nghị Thủ tướng thống nhất giao UBND tỉnh Bình Dương là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền triển khai Dự án khi xem xét quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư.
Lý do được đưa ra là phần lớn chiều dài tuyến Dự án đi qua tỉnh Bình Dương (60/68,7 km) nên việc giao UBND tỉnh Bình Dương làm cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ tạo thuận lợi trong quá trình triển khai công trình.
“Đối với đoạn tuyến qua địa bàn tỉnh Bình Phước dài khoảng 7 km với chi phí GPMB và đầu tư xây dựng công trình khoảng 1.300 tỷ đồng, UBND tỉnh Bình Phước kiến nghị Thủ tướng giao Bình Phước đầu tư bằng ngân sách tỉnh”, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền đề xuất.
Theo lãnh đạo tỉnh Bình Phước, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian qua, UBND tỉnh Bình Phước đã khẩn trương tổ chức, phối hợp hoàn thiện các thủ tục pháp lý có liên quan để hoàn thiện, thống nhất nội dung Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành để trình cấp có thẩm quyền tổ chức thẩm định, thông qua chủ trương đầu tư.
Ngày 13/10/2921, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với UBND tỉnh Bình Phước, UBND tỉnh Bình Dương yêu cầu đẩy nhnh tiến độ chuẩn bị đầu tư Dự án, kịp trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.
Thực hiện yêu cầu này, ngày 14/11, UBND tỉnh Bình Dương đã có công văn số 3486/UBND – KT đề nghị UBND Tp HCM, UBND tỉnh Bình Dương xem xét nội dung Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đã được Bộ GTVT nghiên cứu thống nhất; sớm báo cáo HĐND cùng cấp xem xét, có ý kiến thống nhất để làm cơ sở cho UBND tỉnh Bình Phước tổng hợp trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Tuy nhiên, đến ngày 6/11, UBND tỉnh Bình Phước vẫn chưa nhận được phúc đáp từ UBND tỉnh Bình Dương nên không có cơ sở hoàn thiện trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.
Trong khi đó, ngày 19/10, UBND Tp HCM đã có công văn số 3485/UBND – DA về việc triển khai thực hiện Dự án, trong đó thống nhất về nội dng hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án.
Trước đó, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ về việc giao UBND tỉnh Bình Phước là cơ quan có thẩm quyền triển khai đầu tư Dự án đường cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành theo phương thức PPP, Bộ GTVT đã bàn giao kết quả nghiên cứu kèm theo toàn bộ hồ sơ, tài liệu để UBND tỉnh Bình Phước tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện.
Theo nghiên cứu của Bộ GTVT, tuyến cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành có tổng chiều dài 68,7 km, bao gồm hai đoạn tuyến: đoạn tuyến nối cao tốc có điểm đầu (Km0+00 tại nút giao Gò Dưa (vành đai 2 TP.HCM), điểm cuối (Km8+600) tại nút giao An Phú (vành đai 3 TP.HCM) và đoạn tuyến cao tốc có điểm đầu (Km8+600, tại nút giao An Phú (vành đai 3 TP.HCM), điểm cuối (Km68 +700 giao Quốc lộ 14 tại Chơn Thành (Bình Phước).
Trong giai đoạn hoàn chỉnh, Dự án sẽ được đầu tư với quy mô 6 làn xe chạy suốt và 4 làn xe đô thị hai bên. Trong giai đoạn phân kỳ, Dự án sẽ đầu tư 8,6 km từ nút giao Gò Dưa đến nút giao An Phú (Tp HCM) theo quy mô 10 làn xe, nền đường rộng 64 m; đoạn còn lại sẽ đầu tư với quy mô 4 làn xe, nền đường rộng 17 m.
Tổng mức đầu tư Dự án giai đoạn 1 là 24.274 tỷ đồng (chưa tính lãi vay), trong đó vốn Nhà nước tham gia 12.137 tỷ đồng, vốn nhà đầu tư tư nhân là 12.138 tỷ đồng. Nếu được thông qua, Dự án sẽ được triển khai trong giai đoạn 2021 – 2025.
Khi hoàn thành, Dự án sẽ từng bước hoàn thiện quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam và quy hoạch chi tiết đường Hồ Chí Minh, kết nối TP.HCM với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Tây Nguyên, đáp ứng nhu cầu vận tải khu vực cửa ngõ Tp.HCM, chia sẻ lưu lượng các phương tiện lưu thông trên Quốc lộ 13, phục vụ phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng trong khu vực dự án nói chung và TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Bình Phước nói riêng.