Lo lắng với dữ liệu kinh tế, giới đầu tư ồ ạt bán tháo

Lo lắng với dữ liệu kinh tế, giới đầu tư ồ ạt bán tháo

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall có phiên giảm mạnh nhất kể từ phiên 11/6 sau khi những dữ liệu kém khả quan được công bố. Giới đầu tư lo ngại nền kinh tế Mỹ sẽ phải trải qua một quá trình phục hồi khó khăn và kéo dài.

Theo báo cáo được Bộ Lao động Mỹ công bố vào hôm thứ Năm (3/9), số người lần đầu nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại nước này đã giảm 130.000 người xuống còn 881.000 người trong tuần cuối cùng của tháng 8.

Đây là lần thứ hai kể từ khi đại dịch bắt đầu, số người đăng ký thất nghiệp trong một tuân của Mỹ giảm xuống dưới 1 triệu người. Tuy nhiên, theo giới phân tích, điều này không đồng nghĩa với việc thị trường lao động sẽ phục hồi mạnh mẽ.

Trong khi đó, dữ liệu từ Chính phủ cho thấy thâm hụt thương mại đã tăng vọt 18,9% trong tháng 7.

Viện Quản lý cung ứng (ISM) công bố chỉ số PMI phi sản xuất của Mỹ tháng 8 giảm xuống còn 56,9 điểm từ mức 58,1 điểm trong tháng trước. Các chuyên gia cho rằng, từ dữ liệu mới kém khả quan có thể thấy, ảnh hưởng từ chính sách tài khóa và mở cửa trở lại các doanh nghiệp đã phai nhạt.

Dữ liệu kinh tế mới khiến các chỉ số chứng khoán Mỹ giảm mạnh, xóa sạch đà tăng trước đó trong tuần.

Kết thúc phiên 3/9, chỉ số Dow Jones giảm 807,77 điểm (-2,78%), xuống 28.292,73 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 125,78 điểm (-3,51%), xuống 3.455,06 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 3.455,06 điểm (-4,96%), xuống 11,458.10 điểm.

Trong khi đó, chứng khoán châu Âu tiếp tục có phiên giảm mạnh sau khi Văn phòng Thống kê Liên minh Châu Âu (Eurostat) cho biết, doanh số bán lẻ của khu vực này giảm 1,3% trong tháng 7 sau khi tăng liên tiếp 17,8% trong tháng 5 và 5,3% trong tháng 6. Kết quả này cũng trái với dự báo trước đó của các chuyên gia.

Kết thúc phiên 3/9, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 0,09 điểm (-1,52%), xuống 5.850,86 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 155,66 điểm (-1,40%), xuống 13.057,77 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 22,22 điểm (-0,44%), xuống 5.009,52 điểm.

Các thị trường chứng khoán châu Á diễn biến trái chiều trong phiên 3/9. Chứng khoán Nhật Bản tăng lên mức cao nhất trong hơn 6, khi kỳ vọng có thêm nhiều biện pháp kích thích kinh tế toàn cầu và trong nước thúc đẩy tâm lý thị trường. Chứng khoán Trung Quốc giảm do hầu hết các nhóm ngành đểu chịu áp lực bán chốt lời.

Kết thúc phiên 3/9, Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 218,38 điểm (+0,94%), lên 23.465,53 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 19,82 điểm (-0,58%), xuống 3.384,98 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 112,49 điểm (-0,45%), xuống 25.007,60 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 31,53 điểm (+1,33%), lên 2.395,90 điểm.

Bất chấp chứng khoán bị bán tháo, vàng không thể trở thành một kênh thay thế khi giá kim loại quý này cũng giảm trong phiên thứ Năm. Trong đó, các hợp đồng vàng tương lai tiếp tục giảm xuống mức đóng cửa thấp nhất trong vòng một tuần.

Kết thúc phiên 3/9, giá vàng giao ngay giảm 11,90 USD (-0,6%), xuống 1.930,58 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 10 giảm 6,7 USD (-0,35%), xuống 1.930,2 USD/ounce.

Giá dầu cũng điều chỉnh giảm trong phiên thứ Năm khi kỳ vọng về gói kích thích kinh tế mới của Mỹ mờ nhạt dần khi vẫn còn những bất đồng giữ Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ.

Kết thúc phiên 3/9, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,14 USD (-0,34%), xuống 41,37 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,36 USD (-0,82%), xuống 44,07 USD/thùng.

Tin bài liên quan