Lo lắng bao trùm giới đầu tư

Lo lắng bao trùm giới đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Với tâm lý thận trọng bao trùm, Phố Wall trải qua phiên giao dịch ngày thứ Ba (26/1) ảm đạm.

Thứ Ba, các nhà đầu tư tập trung theo dõi báo cáo kết quả kinh doanh quý IV/2020. Với việc S&P 500 và Nasdaq Composite liên tiếp đạt đỉnh trong những phiên gần đây, thị trường ngày càng lo ngại, bong bóng chứng khoán trên Phố Wall đang bị thổi phồng quá mức và có thể sẽ “vỡ” trong thời gian tới. Bởi vậy vậy, các nhà đầu tư kỳ vọng vào báo cáo từ các tập đoàn Mỹ để "biện minh" cho việc thị trường đang được định giá cao hơn giá trị.

Trong số 84 công ty S&P 500 đã công bố báo cáo cho đến sáng thứ Ba, 86,9% vượt kỳ vọng của các nhà phân tích, theo dữ liệu của Refinitiv.

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp chưa thể vực dậy với những thiệt hại mà đại dịch Covid-19 đã và đang gây ra. Cổ phiếu American Express giảm 4,13% và là lực cản lớn nhất đối với chỉ số Dow Jones trong phiên đêm qua sau khi công ty này công bố lợi nhuận quý IV giảm 15% do các đợt đóng cửa và các hạn chế kinh doanh khiến hoạt động du lịch, ăn uống ngưng trệ.

Tại Washington, tiến bộ trong các cuộc đàm phán về gói kích thích kinh tế đang được chú trọng. Lãnh đạo phe Dân chủ chiếm đa số số tại Thượng viện Mỹ Chuck Schumer cho biết, trong trường hợp cần thiết, đảng Dân chủ sẽ tiếp tục kế hoạch cứu trợ trị giá 1.900 tỷ USD của Tổng thống Joe Biden mà không có sự ủng hộ của đảng Cộng hòa.

Nhà đầu tư cũng đang chờ một tuyên bố chính sách mới từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khi cơ quan này bắt đầu cuộc họp chính sách 2 ngày vào ngày thứ Ba. Tuy nhiên, nhiều khả sẽ không có hoặc có rất ít thay đổi sẽ diễn ra.

Bà Janet Yellen được chính thức xác nhận là Bộ trưởng Tài chính Mỹ, trở thành người phụ nữ đầu tiên nắm giữ vị trí này.

Kết thúc phiên 26/1, chỉ số Dow Jones giảm 22,96 điểm (-0,07%), xuống 30.937,04 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 5,74 điểm (-0,0,15%), xuống 3.849,62 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 9,93 điểm (-0,07%), xuống 13.626,07 điểm.

Chứng khoán châu Âu có phiên hồi phục vào hôm thứ Ba khi đón nhận báo cáo kết quả kinh doanh mạnh mẽ từ ngân hàng quả lý tài sản lớn nhất thế giới UBS và nhà sản xuất phụ tùng ô tô Autoliv, trong khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nâng dự báo tăng trưởng toàn cầu vào năm 2021.

Cụ thể, IMF đã nâng dự báo về tăng trưởng kinh tế toàn cầu vào năm 2021 lên 5,5% từ mức sụt giảm 3,5% dự báo trước đó, viện dẫn sự lạc quan rằng vắc-xin ngừa Covid-19 sẽ giúp kiểm soát đại dịch và khôi phục hoạt động kinh tế, bên cạnh các gói kích thích tại các nền kinh tế lớn.

Kết thúc phiên 26/1, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 15,16 điểm (+0,23%), lên 6.654,01 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 227,04 điểm (+1,66%), lên 13.870,99 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 51,16 điểm (+0,93%), lên 5.523,52 điểm.

Chứng khoán châu Á nhuốm sắc đỏ trong phiên giao dịch hôm thứ Ba. Chứng khoán Nhật Bản lao dốc khi đứng trước những lo lắng về sự chậm trễ trong việc phân phối vắc-xin Covid-19 và gói kích thích tại Mỹ, đồng thời tâm lý bất an trước mùa báo cáo kết quả kinh doanh đã thúc đẩy động thái chốt lời.

Chứng khoán Trung Quốc giảm trong bối cảnh điều kiện thanh khoản thắt chặt khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) rút 12 tỷ USD khỏi thị trường vào ngày 26/1 thông qua các nghiệp vụ trên thị trường mở.

Chứng khoán Hồng Kông giảm khá sâu khi các nhà đầu tư toàn cầu lo ngại về thời điểm gói kích thích của Mỹ được tung ra và động thái thắt chặt thanh khoản từ Đại lục.

Chứng khoán Hàn Quốc trượt dốc khi các nhà đầu tư nước ngoài chuyển sang bán ròng, do lo ngại về thanh khoản sau PBOC rút tiền khỏi hệ thống ngân hang, bên cạnh sự bấp bênh của một gói kích cầu tại Mỹ.

Kết thúc phiên 26/1, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 276,11 điểm (-0,96%), xuống 28.546,18 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 54,81 điểm (-1,51%), xuống 3.569,43 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 767,75 điểm (-2,55%), xuống 29.391,26 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 68,68 điểm (-2,14%), xuống 3.140,31 điểm.

Giá vàng giảm trong phiên ngày thứ ba trong bối cảnh giới đầu tư lo ngại khả năng gói kích thích kinh tế khổng lồ do Tổng thống Biden đề xuất sẽ không dễ dàng được thông qua. Tuy nhiên, sự suy yếu của USD đã phần nào kìm hãm đà giảm của vàng.

Hiện nhiều nhà đầu tư đã tỏ ra thận trọng với khả năng “tuần trăng mật” của Tổng thống Biden có thể sẽ không kéo dài. Quốc hội Mỹ cũng như giới truyền thông có thể sẽ xem xét thận trọng các chính sách mới của ông Biden.

Kết thúc phiên 26/1, giá vàng giao ngay giảm, 5,60 USD (-0,30%), xuống 1.850,60 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2 giảm 4,30 USD (-0,23%), xuống 1.850,90 USD/ounce.

Giá dầu đi ngang trong phiên giao dịch hôm thứ Ba khi số lượng tử vong do dịch bệnh gia tăng gây lo ngại về triển vọng nhu cầu toàn cầu, song đà giảm được hạn chết bớt bởi tin tức về vụ nổ ở thủ đô Riyadh của Ả Rập Xê-út.

Kết thúc phiên 26/1, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI giảm 0,16USD (-0,3%), lên 52,61 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,03 USD (+0,05%), lên 55,91 USD/thùng.

Tin bài liên quan