Lỗ - lãi và kế sách vượt khủng hoảng

Lỗ - lãi và kế sách vượt khủng hoảng

Trong khi không ít doanh nghiệp (DN) khiến dư luận giật mình vì lỗ khủng, thì vẫn có khá nhiều DN, bất chấp kinh tế khó khăn, vẫn tìm được hướng đi và báo lãi liên tục. Hai thái cực khác nhau, nhưng đều xuất phát từ khả năng cầm cương của chủ DN.

Liên tiếp các thông tin về kết quả kinh doanh của các DN được công bố trong thời gian gần đây, khi “mùa” đại hội cổ đông đã bắt đầu nhộn nhịp.

Chẳng hạn, Công ty cổ phần Khí hóa lỏng miền Bắc (PVG) cho biết, năm 2013, Công ty đã đạt doanh thu thuần 4.084 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 27,6 tỷ đồng. Tuy cả doanh thu và lợi nhuận của Công ty đều giảm nhẹ so với kết quả kinh doanh của năm ngoái, nhưng với kết quả này, PVG vẫn vượt kế hoạch 27,5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế đặt ra hồi đầu năm.

Đứng trong danh sách lãi, còn có hàng loạt DN khác. Ví dụ, Mai Linh miền Trung lãi ròng 19 tỷ đồng, gấp 5 lần kết quả năm 2012 và vượt kế hoạch lợi nhuận với tỷ lệ ấn tượng 119%. Các DN “họ” Sông Đà, như Công ty cổ phần Sông Đà 909, Công ty cổ phần Tư vấn Sông Đà… vẫn vượt kế hoạch lợi nhuận trong năm 2013 được cho là một năm vô cùng khó khăn của các DN ngành xây dựng.

Ở động thái khác, Dược Hà Tây lãi ròng 26,8 tỷ đồng, tăng 81,85% so với năm 2012, vượt xa kế hoạch đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua.

Trong khi đó, ở chiều ngược lại, Công ty cổ phần LICOGI 16 vẫn chìm sâu trong thua lỗ. Lũy kế cả năm 2013, LCG lỗ ròng gần 255 tỷ đồng, vượt xa khoản lỗ 36,6 tỷ đồng năm 2012. Lỗ 2 năm liên tiếp, cổ phiếu LCG đứng trước nguy cơ bị tạm ngừng giao dịch và chuyển sang cổ phiếu bị kiểm soát, nếu báo cáo hợp nhất kiểm toán vẫn tiếp tục ghi nhận lỗ năm 2013.

Tương tự, Công ty cổ phần Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Phú Phong, Công ty cổ phần Trang trí nội thất Dầu khí, Công ty cổ phần Taxi Gas Sài Gòn Petrolimex… cũng đã lỗ năm thứ hai liên tiếp.

Còn Công ty cổ phần Bê tông Biên Hòa lỗ gần 16 tỷ đồng năm 2013 và đây là năm thứ ba liên tiếp DN này thua lỗ. Ô tô Giải Phóng lỗ gần 64,4 tỷ đồng và lỗ sau thuế năm 2013 tới 154 tỷ đồng.

Hai bức tranh hoàn toàn trái ngược về tình hình sản xuất - kinh doanh của các DN Việt Nam trong năm 2013. Và điều này được cho là xuất phát từ tài xoay sở vượt khủng hoảng của chủ DN.

Hoàng Anh Gia Lai chẳng hạn, đã vượt khó và có lãi nhờ thay đổi chiến lược kinh doanh theo hướng tập trung vào nông nghiệp (cao su, mía đường, cọ dầu). Báo  cáo tài chính quý II/2013 của công ty này cho thấy, lợi nhuận của Hoàng Anh Gia Lai tăng vọt nhờ mía đường. Còn Công ty Loa tranh AA thì thoát “cửa tử” trong gang tấc nhờ nỗ lực tập trung nguồn lực cho quảng cáo.

Trong khi đó, Công ty May Sơn Việt quyết định tập trung vào phân khúc khách hàng thấp hơn và mở rộng địa bàn kinh doanh ra các tỉnh - điều mà trước nay Công ty chưa coi trọng. Công ty cổ phần Giống cây trồng Trung ương đẩy mạnh bán những mặt hàng độc quyền ở khu vực miền Bắc…

Mỗi DN bằng cách đi, chiến lược riêng, đã từng bước vượt qua khủng hoảng. Trong khi đó, nhiều DN vẫn ngập chìm trong thua lỗ. Lý do “khó khăn chung của nền kinh tế” đã được các DN đưa ra biện minh. Tuy nhiên, thực tế là, nguyên nhân cơ bản là các DN thiếu tầm nhìn và bước đi bài bản trong các hoạt động quản trị kinh doanh.

Câu hỏi đặt ra là, DN sẽ phải làm gì khi đã nhiều năm kinh doanh kém hiệu quả? Làm sao để vượt qua khủng hoảng và tìm được những cơ hội mới trên thị trường?

Câu hỏi này sẽ phần nào được giải đáp trong Chương trình CEO - Chìa khóa thành công, với chủ đề Giải pháp vượt qua khủng hoảng - Chiến lược kinh doanh. Chương trình được phát sóng trên VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam vào 10h sáng Chủ nhật (9/3) và phát lại vào 8h sáng thứ Hai (10/3).

Tin bài liên quan