Hiện trường vụ cháy nhà xưởng của Công ty 79

Hiện trường vụ cháy nhà xưởng của Công ty 79

Lơ là phòng cháy, lãnh đạo doanh nghiệp đối mặt với lao tù

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bài học từ vụ cháy xảy ra tại nhà xưởng của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Thương mại công nghệ môi trường 79 cho thấy lãnh đạo của doanh nghiệp cần phải tuân thủ đầy đủ các quy định về phóng cháy chữa cháy nếu không muốn đối mặt với trách nhiệm hình sự.
 

Cháy nhà xưởng, cựu giám đốc bị xét xử

Vừa qua, TAND TP. Hà Nội đưa bị cáo Vũ Khánh Sơn (SN 1979, ở Thanh Trì, cựu Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Thương mại Công nghệ môi trường 79 ra xét xử Tội Vi phạm quy định về phóng cháy, chữa cháy.

Theo cáo buộc, tháng 2/2011, ông Sơn thành lập Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Thương mại Công nghệ môi trường 79 (Công ty 79) và giữ chức danh Chủ tịch HĐQT.

Năm 2016, bị cáo mua khu xưởng đã được xây dựng sẵn bằng khung thép, mái tôn (diện tích khoảng 180 m2) ở quận Nam Từ Liêm để làm nơi sản xuất thùng nhựa đựng rác thải.

Sau khi mua khu xưởng, bị cáo sửa lại khu xưởng, thuê anh Bùi Văn Hạ (SN 1970, Thanh Xuân) lắp đặt hệ thống điện trong nhà xưởng để hoạt động.

Tại xưởng sản xuất thường xuyên có 2-6 công nhân làm việc và ăn ở tại chỗ để sản xuất mặt hàng thùng nhựa đựng rác thải.

Khoảng 2h ngày 12/4/2019, bên trong nhà kho xưởng sản xuất thùng rác bằng nhựa của Công ty 79 bị chập mạch điện trên đường dây dẫn điện tại cột chống gác xép số 2 (cột chống giữa nhà) khiến xảy ra đám cháy.

Hỏa hoạn còn lan sang 5 nhà xưởng sản xuất xung quanh.

Khi xảy ra vụ cháy, có các công nhân đang ở trong xưởng gồm: Trần Ngọc Hiến (SN 1992), Trần Thị Lan (SN 1990), Lương Quốc Việt (SN 1986), Nguyễn Anh Tuấn (SN 1985), Lương Quốc Dân (SN 1984), Trần Văn Hải (SN 1994), Lê Văn Hải (SN 2001), cùng 2 con của anh Việt và chị Lan là cháu Lương Công Minh (SN 2013) và Lương Mạnh Tuấn (SN 2018).

Trong số 9 người trên, có 8 người thiệt mạng do bị ngộ độc khí CO. Riêng anh Hiến bị bỏng nhẹ và chạy thoát thân.

Vụ hỏa hoạn còn gây thiệt hại hàng hóa, máy móc nhà xưởng của ông Sơn và các nhà xưởng xung quanh, với tổng thiệt hại hơn 1,4 tỷ đồng.

Cáo buộc cho rằng, ông Sơn làm Giám đốc Công ty 79, là người đứng đầu cơ sở thuộc diện quản lý nhà nước về phòng cháy chữa cháy (PCCC), nhưng không thực hiện trách nhiệm về PCCC.

Bị cáo không tổ chức tuyên truyền phổ biến kiến thức về phòng cháy và chữa cháy trong cơ sở, không ban hành nội quy và biện pháo về PCCC, cũng không tổ chức thực hiện việc chấp hành các quy định về PCCC.

Khi xảy ra cháy không có phương án chữa cháy, thoát nạn, cứu người, cứu tài sản và chống cháy lan.

Bị cáo cho công nhân ngủ tại kho xưởng sản xuất, nhưng phòng ngủ không được ngăn cách với gian phòng thuộc nhóm nguy cơ cháy nổ khác bằng các bộ phận ngăn cháy hay kết cấu ngăn cách với giới hạn chịu lửa theo quy định...

Vì vậy, Giám đốc Công ty 79 bị truy tố Tội Vi phạm quy định về PCCC.

Sau khi mở phiên tòa, bị cáo Sơn và luật sư xin hoãn tòa với lý do bị cáo mới mời luật sư, người bào chữa chưa có đủ thời gian nghiên cứu hồ sơ. Tòa án đã quyết định hoãn phiên tòa.

Lãnh đạo doanh nghiệp chịu trách nhiệm PCCC

Theo quy định Luật Phòng cháy chữa cháy, phòng cháy và chữa cháy là trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân. Đặc biệt, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chủ hộ gia đình là người chịu trách nhiệm tổ chức hoạt động và thường xuyên kiểm tra phòng cháy và chữa cháy trong phạm vi trách nhiệm của mình.

Trong trường hợp doanh nghiệp, người đứng đầu doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm tổ chức hoạt động phòng cháy chữa cháy nhằm đảm bảo an toàn. Trong phạm vi doanh nghiệp, lãnh đạo doanh nghiệp còn có trách nhiệm tổ chức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật và kiến thức về phòng cháy và chữa cháy cho mọi người trong phạm vi quản lý của mình.

Chưa kể đối với từng loại hình công trình, trụ sở sẽ có quy định riêng về yêu cầu phòng cháy chữa cháy. Các dự án phải có thiết kế phòng cháy chữa cháy được phê duyệt, được nghiệm thu.

Do đó, trường hợp doanh nghiệp lơ là công tác phòng cháy chữa cháy nếu xảy ra rủi ro hỏa hoạn, tùy mức sẽ bị xem xét trách nhiệm.

Ở mức nghiêm trọng nhất, Bộ luật hình sự 2015 có quy định về tội Vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy. Khung hình phạt nặng nhất là 12 năm tù giam nếu làm chết từ 3 người trở lên hoặc gây thương tích 3 người trở lên hoặc gây thiệt hại từ 1,5 tỷ đồng trở lên.

Tháng 7, cả nước xảy ra 268 vụ cháy, làm 11 người chết, thiệt hại gần 33 tỷ đồng 

Theo báo cáo của Cục phòng cháy chữa cháy, trong tháng 7, cả nước xảy ra 268 vụ cháy cơ sở, nhà dân và 60 vụ cháy rừng, làm chết 11 người, bị thương 06 người, gây thiệt hại về tài sản ước tính 32,767 tỷ đồng và 21,17 ha rừng.

Riêng TP. Hà Nội và TP.HCM đã xảy ra 101 vụ, chiếm 37% tổng số vụ cháy của toàn quốc. Nổi lên một số vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản xảy ra ở chợ, khu dân cư, các cơ sở sản xuất. 

Chẳng hạn, vụ cháy ngày 30/6/2020 tại kho chứa hóa chất của Công ty TNHH sản xuất và thương mại Cường Việt (số 1 ngõ 95 Đề La Thượng, Tổ 18, phường Thượng Thanh, quận Long Biên, thành phố Hà Nội), thiệt hại toàn bộ kho chứa hóa chất diện tích 500 m2 và một phần xưởng cơ khí, xưởng in bên cạnh

Vụ cháy ngày 4/7/2020 tại chợ Nhị Quý (ấp Quý Chánh, xã Nhị Quý, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) thiệt hại về tài sản ước tính 6,5 tỷ đồng; vụ cháy ngày 8/7/2020 tại hộ kinh doanh dịch vụ cầm đồ Hưng Huy Hoàng (số 616/7A đường Nguyễn Thị Minh Khai, khu phố Chiêu Liêu, phường Tân Đông Hiệp, TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương) làm 3 người chết...

Tin bài liên quan