Ông Bùi Văn Mai

Ông Bùi Văn Mai

Lỗ hổng kiểm toán cho CTCK

(ĐTCK) Theo quy định mới, công ty kiểm toán có trách nhiệm nặng nề hơn khi kiểm toán CTCK.

Điều này cộng với việc Bộ Tài chính vẫn nợ hướng dẫn trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán OTC, khiến các công ty kiểm toán đối mặt với nhiều rủi ro hơn. ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Văn Mai, Tổng thư ký Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA).

Theo quy định của Thông tư 165/2012/TT-BTC sửa đổi Thông tư 226/2010/TT-BTC, có hiệu lực từ ngày 1/12, kết quả kiểm toán vốn khả dụng là căn cứ để Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đưa ra quyết định đặt CTCK vào tình trạng kiểm soát đặc biệt. Theo ông, điều này khiến công ty kiểm toán và kiểm toán viên (KTV) có trách nhiệm nặng nề hơn?

Việc kiểm toán vốn khả dụng là nghiệp vụ mới phát sinh, nên các công ty kiểm toán chưa có nhiều kinh nghiệm, trong khi hướng dẫn của cơ quan quản lý chưa đầy đủ, nên có thể có cách làm khác nhau ở các công ty kiểm toán. Gần đây, trong quá trình kiểm tra các công ty kiểm toán, VACPA luôn nhắc nhở các công ty kiểm toán và KTV cần thận trọng khi kiểm toán vốn khả dụng của CTCK, để giảm thiểu rủi ro. Cụ thể, khi kiểm toán vốn khả dụng phải chú ý 2 loại thông tin quan trọng. Một là, nguồn tạo ra vốn khả dụng do những đối tượng nào góp, tổng số là bao nhiêu, thực tế có góp hay không? Hai là, số vốn này được thể hiện dưới dạng nào, tiền gửi ngân hàng, các khoản phải thu, cho vay hay khoản đầu tư chứng khoán, với giá trị thực tế là bao nhiêu?

 

Thực tế, việc xác định giá trị thực của khoản vốn các CTCK đầu tư chứng khoán OTC là gần như bất khả thi, bởi sau hàng chục năm thị trường chờ đợi và nhiều lần CTCK kiến nghị, nhưng đến nay Bộ Tài chính vẫn chưa ban hành hướng dẫn trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán OTC?

Tình trạng này không chỉ gây khó khăn cho công ty kiểm toán và KTV, mà cả cho chính các CTCK, cũng như cơ quan quản lý trong việc giám sát an toàn tài chính khối CTCK. Việc thiếu hướng dẫn trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán OTC khiến công ty kiểm toán và KTV đối mặt với nhiều rủi ro, bởi phụ thuộc quá nhiều vào ý kiến chủ quan của CTCK và KTV.

Vì chưa có hướng dẫn trích lập, nên CTCK có thể tính dự phòng theo chủ quan, cao thấp tùy ý. Bản thân KTV cũng khó tìm được cơ sở tính dự phòng có tính thuyết phục. Trường hợp nào cũng khiến KTV khó xử. Nếu không đồng ý với cách tính của CTCK, thì KTV phải thuyết phục CTCK hướng xử lý. Thực tế, có trường hợp KTV còn bị CTCK thuyết phục bảo lưu cách tính toán của CTCK, nên tiềm ẩn không ít rủi ro, vì chưa có cơ sở rõ ràng cho trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán OTC. Trường hợp CTCK không lập dự phòng khoản đầu tư chứng khoán OTC, thì KTV phải có nhiều kinh nghiệm và có khả năng thuyết phục cao mới giúp CTCK trích lập dự phòng hợp lý.

 

Theo ông, “lỗ hổng” trên có dẫn đến nguy cơ CTCK “đi đêm” với KTV để “làm đẹp” báo cáo tài chính, báo cáo tỷ lệ vốn khả dụng?

Không có gì đảm bảo tuyệt đối không xảy ra tình trạng trên, nhất là khi quy định về kế toán đối với CTCK còn bộc lộ không ít hạn chế, chậm được hoàn chỉnh. Tuy nhiên, ngoài trường hợp có thể CTCK thông đồng với KTV để có được kết quả kiểm toán “đẹp”, thì có thể những sai phạm phát sinh do CTCK cố tình gian dối.

Theo quy định của pháp luật về kiểm toán, KTV có trách nhiệm kiểm tra, xác nhận về tính trung thực và hợp lý của các thông tin tài chính, trong đó có thông tin về vốn khả dụng. KTV không có trách nhiệm phát hiện hết các gian lận của CTCK và người lập báo cáo tài chính. Việc phát hiện gian lận chỉ có thể được thực hiện thông qua các biện pháp nghiệp vụ của cơ quan điều tra, kiểm sát, thanh tra…

 

Có ý kiến cho rằng, việc xử lý các công ty kiểm toán có sai phạm khi kiểm toán CTCK thời gian qua gặp nhiều khó khăn, do UBCK chỉ có quyền xử phạt hành chính, trong khi thẩm quyền đình chỉ hành nghề của công ty kiểm toán và KTV thuộc Bộ Tài chính. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

Theo quy định của Luật Kiểm toán độc lập, Bộ Tài chính là cơ quan xác nhận đủ điều kiện hành nghề kiểm toán cho tất cả các công ty kiểm toán. Trong số các công ty này, UBCK chọn ra những đơn vị đạt tiêu chuẩn hành nghề cao hơn để cho phép kiểm toán CTCK và DN niêm yết. Thực ra, với quy định hiện hành, khi phát hiện công ty kiểm toán sai phạm, ngoài phạt tiền và không đưa vào danh sách kiểm toán DN niêm yết, UBCK còn có quyền kiến nghị Bộ Tài chính đình chỉ quyền được hành nghề kiểm toán của công ty kiểm toán và KTV. Nếu áp dụng nghiêm, những chế tài này sẽ đủ sức răn đe đối với các trường hợp công ty kiểm toán vi phạm.