Suốt 10 năm sinh sống tại Singapore, Shekor làm việc trong ngành sản xuất nhôm và trên các công trường, chịu vô số thương tích nghề nghiệp. Tai nạn gần đây nhất xảy ra hôm 18/3, khiến anh đau dữ dội ở hông trái.
Đó cũng là ngày số ca nhiễm nCoV tại Singapore, nơi từng được các nhà dịch tễ học ca ngợi là "tiêu chuẩn vàng" trong giai đoạn đầu cuộc chiến chống Covid-19, bắt đầu tăng vọt. Tính đến hôm 21/4, quốc đảo đã ghi nhận hơn 9.000 ca nhiễm sau hai ngày tăng kỷ lục, cùng 11 trường hợp tử vong.
Hàng nghìn ca nhiễm nCoV mới, chiếm khoảng 70% tổng số ca nhiễm của Singapore, tập trung tại các khu ký túc xá dành cho lao động nhập cư thu nhập thấp. Họ bị kìm chân tại nơi ở, trong lúc giới chức tìm kiếm giải pháp. Tình trạng này khiến Shekor không thể nhận thuốc giảm đau mà anh cần để có thể chợp mắt được.
"Mọi thứ thật khó khăn với những người ở đây. Dường như họ chỉ đưa những ca nghiêm trọng nhất vào bệnh viện. Chẳng ai đoái hoài tới những người bình thường như tôi", Shekor trả lời phỏng vấn qua điện thoại từ một khu ký túc 25.000 người, nơi ghi nhận hàng trăm ca nhiễm nCoV.
Lao động nhập cư chiếm 1/3 nguồn nhân lực tại Singapore, sống trong những khu nhà đông đúc, ăn uống thiếu dinh dưỡng, bị hạn chế tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe, lương thấp, thậm chí bị phân biệt đối xử. Lianhe Zaobao, tờ báo tiếng Trung lớn nhất Singapore, gần đây đăng một lá thư từ độc giả với nội dung đổ lỗi cho người nhập cư vì sự bùng phát của Covid-19, chê bai quê hương họ "lạc hậu".
Theo giới phê bình, đây là biểu hiện của sự ngạo mạn trong chính quyền và cộng đồng cư dân Singapore, những người chìm đắm với thành công ban đầu khi duy trì được số ca nhiễm nCoV thấp, mà không chuẩn bị cho khả năng bùng phát đại dịch giữa những người chịu tổn thương nhiều nhất trong xã hội, tạo ra lỗ hổng khiến Singapore phải trả giá.
"Trong hai tháng đầu tiên, chúng tôi tự tán dương rất nhiều. Nếu ai đó để ý, thì mối nguy hiểm đã xuất hiện từ lúc đó", Alex Au, phó chủ tịch nhóm nhân quyền TWC2 đấu tranh vì lao động nhập cư Singapore, cho hay.
Au giải thích rằng kế hoạch ứng phó Covid-19 của giới chức Singapore chỉ tập trung vào công dân nước này. Chỉ những hộ gia đình Singapore mới được nhận khẩu trang y tế, khẩu trang tái sử dụng và nước rửa tay sát khuẩn. Cư dân Singapore trở về từ Mỹ và Anh cũng được cách ly trong những khách sạn 4 hoặc 5 sao do chính phủ chi trả.
"Những điều đó chứng minh người lao động nước ngoài bị phớt lờ một cách cố ý. Cả bộ máy nhà nước vận hành như thể họ không tồn tại", Au nói thêm.
HealthServe, tổ chức phi lợi nhuận cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người nhập cư, cho biết ngay từ đầu tháng 2, những lao động nghèo này đã tỏ ra lo lắng về nCoV, cũng như mức độ rủi ro khi sống trong các khu ký túc chật chội.
Tình hình càng nguy hiểm hơn sau khi HealthServe phải cắt giảm 90% hoạt động, bởi quy định mới của chính phủ không cho phép các bác sĩ và y tá tình nguyện phục vụ trong các phòng khám phi lợi nhuận của tổ chức làm việc bán thời gian. "Chúng tôi từng cảm thấy tình huống này sẽ xảy ra, ngay cả khi nuôi hy vọng về điều tốt đẹp nhất", Suwen Low, phát ngôn viên của HealthServe, cho hay.
Tương tự một số nơi khác ở châu Á như Hong Kong và Đài Loan, làn sóng nCoV thứ hai bắt đầu trỗi dậy tại Singapore từ giữa tháng 3, thời điểm người từ nước ngoài đổ về trong bối cảnh đại dịch càn quét Mỹ và châu Âu.
Tuy nhiên, trong khi Hong Kong và Đài Loan tiếp tục kiểm soát thành công nCoV, Singapore giờ đây lại ghi nhận số ca nhiễm trên đầu người cao hàng đầu thế giới, đồng thời là vùng dịch lớn nhất Đông Nam Á.
Nạn nhân của đợt bùng phát này là người nhập cư làm việc trong ngành xây dựng, cũng như những lĩnh vực cần nhiều lao động khác mà dân Singapore thường tránh. Công nhân xây dựng nhập cư tại nước này kiếm được khoảng 430 USD/tháng, trong khi thu nhập trung bình hàng tháng của người dân Singapore là 3.227 USD.
"Để duy trì mức chi phí rẻ, chủ lao động phải bóc lột. Những người nhập cư bị nhồi nhét trong xe tải và các khu ký túc xá. Giờ đây, khi khủng hoảng ập đến, họ cũng không được bảo vệ", Au, phó chủ tịch nhóm TWC2, cho hay.
Các cụm dịch được phát hiện tại rất nhiều khu ký túc của lao động nhập cư. Hơn 10 cơ sở đã bị phong tỏa, không cho phép công nhân rời phòng. Gần như toàn bộ hơn 200.000 người sống trong ký túc xá hiện nay cũng bị cấm rời khu nhà, nơi cảnh sát đang canh giữ.
Họ lo lắng, chán nản, bị cô lập và sợ hãi, không thể tự mua đồ tạp hóa, nấu ăn hoặc mua thẻ điện thoại để gọi về quê nhà, phải phụ thuộc vào đồ từ thiện và hàng phân phối.
Trước lệnh phong tỏa, Ali, công nhân sống tại một trong những khu ký túc chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của Covid-19, đã bị sốt, viêm họng và được nghỉ ốm đến ngày 9/4. Anh thuộc diện "bệnh nhân nhiễm trùng đường hô hấp", đồng nghĩa với việc phải tự cách ly nếu không muốn bị phạt 7.000 USD.
Tuy nhiên, Ali không thể tuân thủ quy định cách ly do sống chung với 12 người khác trong một căn phòng ký túc xá. Anh vẫn bị ho, nhưng không được kiểm tra y tế suốt nhiều ngày dưới lệnh phong tỏa. "Ai sẽ giúp đỡ hoặc điều trị cho tôi? Tôi vô cùng sợ mình sẽ chết trước khi được trợ giúp", Ali nói.
Bộ Nhân lực Singapore hôm 14/4 cho biết giới chức đang làm việc "để giảm số lượng người lao động sống trong ký túc xá, đồng thời triển khai kế hoạch hỗ trợ y tế tại tất cả cơ sở". Những người làm việc trong lĩnh vực thiết yếu đã được chuyển ra ngoài, trong khi giới chức đang xác định chỗ ở thay thế cho những người khác, như doanh trại quân đội hay nhà thi đấu.
"Ưu tiên trước mắt của chúng tôi đối với người lao động sống trong các ký túc xá là giúp họ khỏe mạnh, giảm thiểu số ca nhiễm nCoV", Bộ trưởng Nhân lực Singapore Josephine Teo phát biểu tại cuộc họp báo tuần trước.
Phát biểu trên truyền hình hôm 21/4, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cũng thừa nhận sự gia tăng đột biến số ca nhiễm nCoV trong cộng đồng người nhập cư.
"Chúng tôi sẽ chăm sóc các bạn giống như đối với người Singapore. Chúng tôi sẽ quan tâm tới sức khỏe, phúc lợi và sinh kế của các bạn", ông nói.
Ali hôm 16/4 cho biết một bác sĩ cuối cùng cũng tới đưa thuốc ho và xét nghiệm nCoV cho anh. 11 bạn cùng phòng của Ali đang cố giữ khoảng cách với nhau, nhưng việc này gần như bất khả thi. Vào buổi tối, Ali thường dành thời gian đọc sách và gọi điện cho gia đình.
"Tôi kể với anh trai về các triệu chứng, sau đó anh ấy nói cho mẹ tôi ở Bangladesh. Bà ấy đã bật khóc", Ali cho hay.