Chỉ cần gõ dòng chữ “vay tiêu dùng” trên Google sẽ cho ra hàng trăm nghìn kết quả với những lời mời chào với gói vay hấp dẫn, đa dạng từ rất nhiều công ty tài chính và ngân hàng khác nhau. Hình thức vay tiêu dùng rất tiện lợi cho khách hàng, thủ tục đơn giản, nhanh, gọn, dễ dàng. Nhưng những vụ việc xảy ra gần đây, điển hình là việc Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC (Việt Nam) cho thấy rủi ro tiềm ẩn đối với loại hình cho vay này.
Khoảng giữa năm 2012, HSBC Việt Nam triển khai chương trình cho vay tiêu dùng với hình thức tín chấp và phát hành thẻ tín dụng. Ngân hàng đưa ra điều kiện cho vay, điều kiện hoàn trả, hồ sơ, quy trình rất rõ ràng và chặt chẽ. Đối tượng khách hàng là cá nhân sinh sống và làm việc tại một số tỉnh thành lớn như TP.HCM, Hà Nội, Đồng Nai, Cần Thơ, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu…
Đối với công ty ưu tiên (tức là khách hàng có quan hệ tín dụng với HSBC), khách hàng cần chứng minh thu nhập tối thiểu từ 5 triệu đồng trở lên và 1 năm công tác hoặc giấy xác nhận của công ty như vị trí công tác, thời gian làm việc, mức lương (bản chính). Đối với công ty không ưu tiên, khách hàng phải chứng minh thu nhập tối thiểu từ 8 triệu đồng trở lên, sao kê bản chính tài khoản ngân hàng thể hiện được thu nhập 3 tháng gần nhất.
Về quy trình cho vay, chuyên viên tín dụng sẽ tìm kiếm khách hàng tiềm năng, hướng dẫn hoàn thiện đơn vay, sau đó nộp hồ sơ cho Tổ Hỗ trợ tín dụng. Một bộ hồ sơ phải đảm bảo đầy đủ các giấy tờ và thông tin, chữ ký xác thực của chuyên viên tín dụng, bản gốc một số chứng từ như sao kê tài khoản, xác nhận của công ty khách hàng đang công tác.
Tổ Hỗ trợ tín dụng sẽ tiến hành quét hồ sơ qua máy để gửi hình ảnh lên hệ thống, chuyển sang Phòng Thẩm định. Phòng Thẩm định gọi điện xác minh với khách hàng, một số trường hợp cần thiết sẽ kiểm tra với bên thứ ba. Với công ty ưu tiêu, nhân viên thẩm định phải đối chiếu giấy xác minh của công ty với nhân sự hoặc kế toán về thông tin nhân viên công ty.
Khi khoản vay được duyệt, khách hàng phải trực tiếp đến ngân hàng làm thủ tục giải ngân. Còn trường hợp thẻ tín dụng được duyệt, thẻ tín dụng và bản chấp thuận sử dụng thẻ tín dụng, biểu phí thẻ tín dụng sẽ được gửi bằng đường gửi thư đảm bảo đến địa chỉ khách hàng đã đăng ký.
Thời điểm đó, Thông tư 33/2011/TT-NHNN ngày 8/10/2011 của Ngân hàng Nhà nước quy định về quy trình mở thẻ tín dụng và quy trình cung cấp tín dụng theo chương trình cho vay tiêu dùng.
Quy trình qua nhiều khâu, nhưng theo hồ sơ vụ án, Cao Thị Anh (sinh năm 1981, chuyên viên tín dụng cấp 7) đã lợi dụng mối quan hệ với nhân viên CTCP Biển Bạc và CTCP Đầu tư Acom nhờ xác nhận khống nghề nghiệp, chức vụ, mức lương cho 15 khách hàng không đủ điều kiện vay vốn. Hậu quả là các khách hàng này không có khả năng trả nợ, Ngân hàng phải gánh nợ xấu là 1,7 tỷ đồng.
Đặc biệt, Kế toán trưởng CTCP Biển Bạc khẳng định không ký vào Thư xác nhận của Công ty. Công ty từng có quan hệ tín dụng với HSBC nên mẫu chữ ký Kế toán trưởng được lưu trữ trong hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, khâu thẩm định vẫn duyệt hồ sơ. Kết luận giám định thể hiện, chữ ký và con dấu Công ty Biển Bạc bị Cao Thị Anh làm giả.
Trường hợp các tổ chức tín dụng bị khách hàng lợi dụng thủ tục đơn giản chiếm đoạt tiền mua hàng không phải là hiếm gặp. Trong vụ việc của Công ty TNHH một thành viên Tài chính PPF Việt Nam (nay đổi tên thành Home Credit Việt Nam) năm 2013, đối tượng Hoàng Tiến Danh (sinh năm 1990, ở quận Long Biên) và Phú Trung Dũng (sinh năm 1990, nhân viên hợp đồng của PPF Việt Nam) đã mượn giấy tờ tùy thân của bạn bè, giả chữ ký của họ để lập hợp đồng vay tiền trả góp để mua 5 chiếc điện thoại iPhone 5S của FPT Shop. Sau đó, hai đối tượng này không trả nợ cho Home Credit Việt Nam.