Lo giải ngân vốn đầu tư công chậm nhịp, tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ xuống địa bàn

0:00 / 0:00
0:00
Giải ngân vốn đầu tư công đã bắt đầu có xu hướng chậm lại, cần tập trung thúc đẩy để tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế.
Giải ngân vốn đầu tư công trong nửa đầu năm nay mới đạt gần 30% kế hoạch. Ảnh: Đ.T

Giải ngân vốn đầu tư công trong nửa đầu năm nay mới đạt gần 30% kế hoạch. Ảnh: Đ.T

Giải ngân đầu tư công

Hôm nay (12/7), theo kế hoạch, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ tới các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long để kiểm tra, thúc đẩy tiến độ triển khai một số dự án hạ tầng giao thông, nhất là tuyến cao tốc Hậu Giang - Cà Mau. Đây là một trong những nỗ lực nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, vốn đang có xu hướng chậm lại, khiến Thủ tướng Chính phủ “sốt ruột”.

Báo cáo tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đến ngày 30/6/2024, giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 196.700 tỷ đồng, hoàn thành 29,39% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn con số 30,49% của cùng kỳ năm ngoái. Không chỉ tỷ lệ thấp hơn, mà số vốn giải ngân tuyệt đối cũng thấp hơn.

Mặc dù theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỷ lệ giải ngân vốn thuộc Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội rất cao, đạt 78,23% kế hoạch; đặc biệt, một số bộ, cơ quan trung ương quản lý có tỷ lệ giải ngân đạt tới 99,58%, riêng Bộ Giao thông - Vận tải đạt tỷ lệ giải ngân 100%, nhưng tính chung, tỷ lệ giải ngân vẫn thấp hơn so với cùng kỳ.

“Giải ngân 6 tháng đầu năm nay thấp hơn là do giải ngân vốn ngân sách địa phương thấp hơn cùng kỳ. 6 tháng, tỷ lệ giải ngân của các địa phương chỉ đạt 28,77%, trong khi cùng kỳ năm 2023 là 32,76%”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương giải thích.

Theo Thứ trưởng, nguồn ngân sách địa phương để thực hiện các dự án đầu tư công chủ yếu đến từ nguồn thu sử dụng đất và xổ số kiến thiết. Tuy nhiên, do thị trường bất động sản khó khăn khiến nguồn thu từ đất của các địa phương không đạt kế hoạch, do đó, các địa phương không có đủ nguồn lực để giải ngân cho các dự án, dẫn tới tỷ lệ giải ngân thấp.

Liên quan con số giải ngân tuyệt đối - cũng thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, Thứ trưởng Trần Quốc Phương giải thích là do tổng mức đầu tư công năm nay thấp hơn nhiều so với năm ngoái, chỉ khoảng 657.000 tỷ đồng so với mức hơn 710.000 tỷ đồng của năm ngoái.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh rằng, việc tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp hơn so với cùng kỳ cũng là điều cần lưu ý, cần tập trung thúc đẩy để tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế.

Trong báo cáo trình Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, bên cạnh một số bộ, ngành, địa phương giải ngân tốt, thì cũng vẫn có nhiều bộ, cơ quan và địa phương có vốn giải ngân thấp hơn cùng kỳ. Tỷ lệ giải ngân các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm giao thông, liên vùng do địa phương quản lý cũng đạt thấp.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, có 15/44 bộ, cơ quan trung ương 33/63 địa phương có vốn giải ngân thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, vốn giải ngân của TP.HCM thấp hơn 4.604 tỷ đồng; Quảng Ngãi thấp hơn 1.510 tỷ đồng; TP. Hải Phòng thấp hơn 1.476,9 tỷ đồng; Bắc Giang thấp hơn 1.097 tỷ đồng; Đồng Nai thấp hơn 839 tỷ đồng...

“Tỷ lệ giải ngân sau 6 tháng của TP.HCM mới đạt trên 14%, rất thấp và không đạt kế hoạch đề ra”, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi thừa nhận.

Với đà này, nếu không sớm có giải pháp quyết liệt, TP.HCM khó đạt được mục tiêu giải ngân 95% trong năm 2024. Nếu vậy, sẽ ảnh hưởng tới giải ngân vốn đầu tư công của cả nước.

Chỉ bàn làm, không bàn lùi để thúc đẩy giải ngân

Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác quản lý thu, triệt để tiết kiệm chi ngân sách địa phương để bảo đảm tối đa vốn theo tiến độ cho các Dự án đầu tư công.

- Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Có rất nhiều lý do khiến giải ngân vốn đầu tư công chậm hơn so với cùng kỳ. Thiếu đất đá san lấp mặt bằng, nhất là ở các công trình trọng điểm, cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng.

Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương, lãnh đạo nhiều địa phương cũng than phiền về vấn đề này. “Phải nhanh chóng xử lý, không được để vướng chuyện cát đá sỏi”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo và cương quyết rằng, “chỉ bàn làm, không bàn lùi” để thúc đẩy giải ngân đầu tư công.

Chỉ bàn làm, nên chỉ ít ngày sau chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, một tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ tới Đồng bằng sông Cửu Long. Trong khi đó, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cũng chủ trì một hội nghị để giải quyết vướng mắc về vật liệu san lấp cho các dự án giao thông trọng điểm khu vực phía Nam.

Thông tin tích cực là tại hội nghị này, lãnh đạo nhiều địa phương đã cam kết tháo gỡ nút thắt về vật liệu san lấp mặt bằng.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục giao các doanh nghiệp trước đây đã được cấp phép thăm dò, khai thác mỏ cát khai thác trở lại; đồng thời điều chỉnh quy hoạch để nâng công suất cấp phép khai thác cát sông giai đoạn 2021-2030 từ 4,5 triệu m3/năm lên 9 triệu m3/năm”, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Trọng nói.

Trong khi đó, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long khẳng định sẽ bảo đảm đúng kế hoạch cung cấp cát cho Dự án Vành đai 3 TP.HCM và triển khai các thủ tục để cấp đủ trữ lượng cho các dự án Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau…

Bên cạnh giải quyết vấn đề vật liệu san lấp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng đã một lần nữa đề nghị các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục đầu tư và đấu thầu dự án; lập và tuân thủ nghiêm kế hoạch giải ngân, phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm về tiến độ thực hiện và giải ngân đối với từng dự án; rà soát, điều chỉnh kế hoạch vốn từ dự án chậm giải ngân sang dự án giải ngân tốt…

Nhiều nỗ lực đang được thực hiện. Và để tiếp tục thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, dự kiến, trung tuần tháng 7/2024, Chính phủ sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến để đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công 6 tháng đầu năm và triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng cuối năm 2024. Đây là động thái quan trọng, được kỳ vọng tạo “cú hích” để giải ngân vốn đầu tư công được đẩy nhanh hơn trong 6 tháng cuối năm, với mục tiêu đưa tỷ lệ giải ngân của cả năm đạt trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Tin bài liên quan