Năm 2010, nhằm xóa bỏ lò gạch thủ công, phát triển vật liệu xây dựng không nung, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 567/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020. Mục tiêu là phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung để thay thế gạch đất sét nung, tiết kiệm đất nông nghiệp, giảm thiểu khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm môi trường...
Mặc dù lộ trình đã được quy định rõ ràng, nhưng hiện tại vẫn còn nhiều địa phương tổ chức triển khai, thực hiện chưa quyết liệt, khiến các lò gạch thủ công vẫn ngày đêm “đỏ lửa”.
Cụ thể, theo Bộ Xây dựng, tính đến cuối năm 2018, phần lớn lò gạch thủ công ở các tỉnh, thành phố đã được xóa bỏ hoàn toàn là Thái Bình, Bắc Ninh, Hải Dương, Hậu Giang, Bình Dương, TP.HCM… Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương chưa thực hiện đúng kế hoạch như Bắc Giang, Đắk Lắk, Bình Định, Đồng Nai...
Ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản tại tỉnh Đồng Nai cho thấy, dọc Quốc lộ 51 từ TP. Biên Hòa về huyện Long Thành, hai bên đường vẫn còn nhiều lò gạch thủ công hoạt động. Hay đoạn từ Quốc lộ 51 rẽ vào Khu công nghiệp Long Đức, xã An Phước (huyện Long Thành, Đồng Nai), dù đoạn đường chỉ dài khoảng 2 km, nhưng có đến hàng chục lò gạch, cơ sở sản xuất gạch đang ngày đêm “nhả” ra những luồng khói đen ngòm, khét lẹt.
Ông Khải, một người dân sống gần lò gạch ở phường An Hòa (TP. Biên Hòa) cho biết, hằng ngày, các xe chở đất ra vào các lò gạch hoạt động liên tục mà không được che chắn gì, đất rơi vãi đầy đường. Những ngày nắng thì bụi mù mịt, còn những ngày mưa thì đường lầy lội khiến người dân đi lại khó khăn.
“Các lò gạch thủ công này hoạt động liên tục, ngày cũng như đêm. Mỗi khi các cột khói đen xì bốc lên thì không khí xung quanh có mùi rất khó chịu, không thể ngửi được”, ông Khải nói rồi chỉ tay vào khóm chuối đã chết ở ngoài vườn và cho biết thêm, bằng mắt thường thì chẳng biết không khí ô nhiễm như thế nào, nhưng cứ hễ trồng cây gì là cây đấy đều chết khô.
Được biết, ngày 29/3/2017, UBND tỉnh Đồng Nai đã họp bàn về lộ trình xử lý các lò gạch thủ công trên địa bàn tỉnh. Theo đó, lộ trình của UBND tỉnh Đồng Nai tính đến cuối năm 2017 có 76 lò và năm 2018 là 95 lò phải dừng hoạt động, di dời đến vị trí quy hoạch, chuyển đổi sang lò tuynel. Nhưng đến nay, các lò thủ công vẫn hoạt động.
Trao đổi với phóng viên, ông Huỳnh Thanh Phương, Phó chủ tịch UBND phường Phước Tân (TP. Biên Hòa) cho biết, nhiều năm trước, UBND tỉnh đã có chủ trương di dời (lò gạch thủ công - PV), nhưng đến nay vẫn chưa thấy một văn bản hay lộ trình nào gửi xuống nên địa phương cũng không biết phải làm thế nào.
Bà Lương Thị Lan, Phó chủ tịch UBND huyện Trảng Bom (Đồng Nai) cho rằng, còn nhiều cơ sở quá hạn chưa di dời được theo quy định của tỉnh là thiếu nơi đến. Bởi hiện nay, trên địa bàn huyện chỉ có 1 cụm công nghiệp hoàn thành hạ tầng để yêu cầu các doanh nghiệp, cơ sở di dời đến, nhưng do diện tích nhỏ nên chỉ đáp ứng được một số doanh nghiệp.
Theo ông Phạm Văn Bắc, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), ngoài việc nhiều địa phương chưa quyết liệt trong việc kiểm tra đôn đốc thực hiện lộ trình xóa bỏ lò gạch thủ công, thì nguyên nhân nữa là do doanh nghiệp, chủ cơ sở khó khăn về vốn đầu tư.
Bởi việc đầu tư sản xuất gạch theo công nghệ mới cần vốn lớn, trong khi một số nơi không có nguồn kinh phí để hỗ trợ doanh nghiệp xóa bỏ lò gạch thủ công và chuyển đổi nghề cho người lao động, thiếu nguyên liệu sản xuất gạch không nung (xi-măng, đá vôi...).
Trong văn bản mới đây gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện đúng và đủ lộ trình chấm dứt hoạt động của các loại lò sử dụng công nghệ lạc hậu, những tỉnh chưa có phải tiếp tục xây dựng và ban hành.
Đối với các địa phương đã xây dựng và ban hành lộ trình chấm dứt hoạt động của các loại lò sử dụng công nghệ lạc hậu thì thực hiện nghiêm việc dừng hoạt động của các lò thủ công, thủ công cải tiến, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch, lò đứng liên tục theo lộ trình đã ban hành.