Sau nhiều đồn đoán, cuối cùng BIC cũng đã chính thức công bố việc FairFax Asia Limited, một công ty con thuộc sở hữu toàn bộ của Fairfax Financial Holdings, hãng bảo hiểm và tái bảo hiểm toàn cầu có trụ sở tại Canada, sẽ mua lại 35% cổ phần phát hành mới của BIC, tương đương với 41.046.913 cổ phần và trở thành nhà đầu tư chiến lược nước ngoài của doanh nghiệp này.
Với vai trò là đối tác và cổ đông chiến lược, FairFax sẽ hỗ trợ kỹ thuật cho BIC, giúp công ty nâng cao nghiệp vụ bảo hiểm, tăng cường công tác quản trị rủi ro và công nghệ thông tin, phát triển đa dạng các kênh phân phối,.... Giao dịch này dự kiến sẽ hoàn tất trong quý III/2015, phụ thuộc vào việc phê duyệt của các cơ quan quản lý tại Việt Nam.
Sau khi sở hữu 35% cổ phần của BIC, FairFax sẽ giữ 2 vị trí trong Hội đồng quản trị Công ty (01 Phó Chủ tịch, 01 Ủy viên HĐQT) và 2 vị trí trong Ban Kiểm soát BIC. Ngay sau khi hoàn tất các giao dịch, BIC sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường để bầu bổ sung đại diện của FairFax vào HĐQT và Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2015 - 2020.
FairFax Asia Limited là nhà đầu tư chiến lược thứ hai bước chân vào thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam trong năm 2015. Trước đó, trong cuộc họp ĐHCĐ năm 2015, PTI cũng đã công bố danh tính cổ đông chiến lược của công ty bảo hiểm này.
Theo ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT PTI, doanh nghiệp này đã nhận được văn bản chấp thuận của Bộ Tài chính cho việc tăng vốn thêm 300 tỷ thông qua phát hành riêng lẻ, nhằm đưa số vốn lên trên 800 tỷ đồng.
Bên đối tác chiến lược là Dongbu Hàn Quốc cũng thông báo đã đạt được sự chấp thuận từ Bộ Tài chính Hàn Quốc về việc đầu tư vào PTI. Việc còn lại của 2 bên là hoàn tất các thủ tục về pháp lý đối với việc tăng vốn, dự kiến hoàn thành trong tháng 05/2015.
Tính đến thời điểm này, hầu hết các công ty bảo hiểm thuộc nhóm 1 trong khối phi nhân thọ như Bảo hiểm Bảo Việt, Tổng công ty bảo hiểm PVI, Bảo hiểm Bảo Minh… đều đã có đối tác chiến lược là nhà đầu tư ngoại.
Dù tỷ lệ sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư này trong mỗi doanh nghiệp là khác nhau nên việc chi phối hay quyền biểu quyết cũng khác nhau, nhưng mục tiêu giải bải toán tăng vốn, áp lực mở rộng thị trường… đã được thực hiện. Và quan trọng hơn là sự hợp tác này giúp các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước tận dụng kinh nghiệm của đối tác nước ngoài để nâng cao nghiệp vụ và khả năng phục vụ khách hàng.
Đánh giá về giao dịch mới được công bố, ông Phạm Quang Tùng, Chủ tịch HĐQT BIC cho biết, với khoản đầu tư chiến lược, và hỗ trợ kỹ thuật từ FairFax, doanh nghiệp này đặt ra kỳ vọng đưa BIC trở thành công ty bảo hiểm phi nhân thọ dẫn đầu về các kênh phân phối hiện đại và dẫn đầu thị trường về khả năng sinh lời.
Trong khi đó, PTI cũng kỳ vọng doanh thu từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm của công ty này trong năm 2015 sẽ đạt 2.105 tỷ đồng, tăng 15,9% so với kết quả năm 2014, lợi nhuận trước thuế đạt 141,5 tỷ đồng, tăng 72%. Cổ tức dự kiến chi trả ở mức 12%, cao hơn so với mức cổ tức 11% của năm 2014.
Theo các chuyên gia, việc bán cổ phần cho đối tác bảo hiểm nước ngoài sẽ là xu thế tất yếu của các DNBH phi nhân thọ trong nước. Sự liên kết này không chỉ giúp doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trong nước có thêm vốn, thêm hỗ trợ kỹ thuật… mà còn buộc các DNBH phải chịu trách nhiệm cao hơn trong hiệu quả kinh doanh, hoạt động của doanh nghiệp, từ đó dần trở nên chuyên nghiệp hơn, tác động tích cực tới thương hiệu của doanh nghiệp và niềm tin của khách hàng.
Tất nhiên, mục đích ban đầu của việc hợp tác là như vậy, nhưng sau khi ký kết, các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước có tận dụng được kinh nghiệm, năng lực của đối tác hay không lại là chuyện khác. Bởi sẽ có rất nhiều thách thức và bản thân các doanh nghiệp bảo hiểm phải thay đổi rất nhiều về yêu cầu quản trị, cũng như phương thức làm việc của Hội đồng quản trị đến toàn thể nhân viên… để có thể hòa nhập với đối tác mới. Thực tế, có trường hợp DNBH dù đã có sự tham gia của đối tác ngoại nhưng sự phát triển và phong cách quản trị chưa xứng với tầm vóc và kỳ vọng của thị trường.