Cụ thể, các nhà đầu tư này là Tập đoàn SK (Hàn Quốc), Tập đoàn Idemitsu (Nhật Bản) và 2 nhà đầu tư trong nước bao gồm Ngân hàng TMCP Phát triển Nhà TP.HCM (HD Bank) và Tập đoàn Sovico.
Đây cũng là những nhà đầu tư chính thức tham gia đấu giá công khai 462,5 triệu cổ phần, tương đương 44,72% vốn điều lệ OIL. Theo đó, lượng đăng ký chào mua đã cao gấp 2,8 lần so với lượng chào bán.
Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Dương cho hay, trong 4 nhà đầu tư này, có nhà đầu tư muốn 10%, 30%, thậm chí có nhà đầu tư muốn mua hết trọn toàn bộ cổ phần dự kiến chào bán.
Theo lộ trình đề ra, trong vòng 3 tháng kể từ khi Chính phủ phê duyệt phương án cổ phần hóa, OIL phải hoàn thành chào bán lần đầu ra công chúng (IPO) và chào bán cho cổ đông chiến lược. Tuy nhiên, theo đại diện OIL, với 3 tháng, mặc dù cực kỳ cố gắng nhưng không thể kịp hoàn thành bán cho cổ đông chiến lược.
Ông Dương lý giải, Chính phủ giao cho OIL 3 tháng kể từ hoàn thành IPO, đồng thời hoàn thành việc tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược, tức khoảng thời gian từ 8/12/2017 đến 8/3/2017. Tuy nhiên, thời điểm này trùng vào các dịp lễ lớn Noel, tết dương lịch, âm lịch, lịch làm việc gián đoạn khoảng 1 tháng rưỡi.
Mặt khác, với dự kiến giá bán tối thiểu là giá đấu bình quân thành công IPO thì lượng tiền tối thiểu cần chuẩn bị là 9.000 tỷ đồng.
"Một giao dịch lớn như vậy, đối tác cần thêm thời gian để nghiên cứu và đàm phán. Do đó, OIL đã kiến nghị Tập đoàn Dầu Khí Việt Nam (PVN), Bộ Công Thương và Chính phủ cho phép gia hạn thêm 4 tháng, tức đến tháng 7/2018, để OIL hoàn thành thủ tục và chào bán cho cổ đông chiến lược. Sau đó OIL sẽ tiến hành ĐHCĐ bất thường lần 1 nhằm đảm bảo quyền lợi cổ đông", ông Dương cho hay.
Được biết, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính làm đầu mối làm việc với các Bộ liên quan để thẩm định đề xuất của OIL. Theo OIL, mới đây Bộ Tài chính đã có văn bản báo cáo và nhất trí với đề xuất của OIL đồng ý cho OIL gia hạn để tìm kiếm cổ đông chiến lược.
Tại buổi gặp gỡ, đại diện OIL cũng cập nhật kết quả kinh doanh 4 tháng đầu năm 2018 với tổng sản lượng xăng dầu kinh doanh đạt 1.061 triệu m3, tương đương cùng kỳ. Sản lượng chững lại của 4 tháng đầu năm do trong năm 2017 OIL đã thoái vốn tại 3 công ty con kem hiệu quả là PV Oil Quảng Ninh, PV Oil Thái Nguyên và PV Oil Kiên Giang, nên sản lượng không ghi nhận từ 3 đơn vị này trong năm 2018.
Nếu loại trừ các đơn vị này thì sản lượng 4 tháng đầu năm 2018 vẫn tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, doanh thu của PV Oil đạt 16.560 tỷ đồng, tăng nhẹ so cùng kỳ, trong đó tỷ trọng bán lẻ chiếm 24%, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận trước thuế 238 tỷ đồng, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2017.