Lỗ lớn vì cú đảo chiều quý II/2022
Chứng khoán Việt Nam và thế giới đã có một quý giao dịch tiêu cực trong quý II/2022. VN-Index giảm 20% - con số thường được xem như một tín hiệu cho thấy chứng khoán bước vào giai đoạn thị trường giá xuống. Trong khi đó, các chỉ số sàn HNX và UPCoM cũng lần lượt giảm 38,2% và 24,3%. Đây đều là mức giảm nhanh và sâu khi nhìn lại lịch sử giao dịch của các chỉ số.
Dù thị trường có phục hồi nhẹ trong 2 tuần gần đây, song đợt rơi sâu này đã làm “teo tóp” giá trị danh mục đầu tư của nhiều tổ chức và trực tiếp phản ánh lên kết quả kinh doanh.
Ngay cả các tổ chức đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp cũng không tránh khỏi thiệt hại từ cú đảo chiều của thị trường. Thống kê gần 30 công ty chứng khoán cho thấy, số lượng công ty chứng khoán lãi vượt cùng kỳ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Quá nửa số công ty ghi nhận khoản chênh lệch lãi/lỗ các tài sản tài chính là số âm. Trong đó, nhiều khoản lỗ đã “thực chốt” như trường hợp của Chứng khoán Tiên Phong (TPS) với khoản lỗ ròng từ các giao dịch bán tài sản tài chính tới 194 tỷ đồng, hay khối tự doanh của SHS, VDSC, BSC, BVSC... cũng phải cắt lỗ hàng chục tỷ đồng.
Cùng với làn sóng tham gia của các nhà đầu tư mới, số lượng tài khoản của nhóm các tổ chức trong nước cũng tăng nhanh trong 2 năm qua, khi có tới 1.726 tổ chức mở tài khoản trong năm 2021 và tiếp tục có thêm hơn 960 tài khoản tổ chức chỉ trong nửa đầu năm 2022. Bên cạnh các tổ chức tài chính, đã có doanh nghiệp sản xuất trích một phần nguồn vốn vào chứng khoán kinh doanh, từng kiếm lãi được từ thị trường, nhưng nay bay sạch thành quả, thậm chí lỗ đậm.
Tại thời điểm ngày 30/6/2022, giá trị đầu tư chứng khoán kinh doanh của Thép Tiến Lên tăng lên 148 tỷ đồng, cao nhất trong lịch sử hoạt động. Phần dự phòng cho các khoản đầu tư cũng ở mức kỷ lục, gần 61,5 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa, cứ mỗi 100 đồng vốn đầu tư, Thép Tiến Lên đã tạm lỗ 41,5%. Các cổ phiếu có tỷ trọng lớn nhất trong danh mục nắm giữ của công ty gồm SHB, VIX hay IJC đều diễn biến tiêu cực. Trong đó, cổ phiếu của Công ty Chứng khoán IB (VIX) đang phải trích lập dự phòng nhiều nhất, tới quá nửa giá vốn ban đầu.
Liên tục mở rộng danh mục đầu tư chứng khoán, tỷ trọng chứng khoán kinh doanh/tổng tài sản tại Thép Tiến Lên tăng nhanh, từ 1% lên 7%. Còn với Vĩnh Hoàn, hoạt động đầu tư “có lùi, có tiến”. Doanh nghiệp thủy sản này đã giảm giá trị danh mục đầu tư cổ phiếu vào cuối năm 2021 xuống 74 tỷ đồng, nhưng sau nửa năm gom thêm, giá trị đầu tư cổ phiếu tăng lên mức chưa từng ghi nhận (gần 200 tỷ đồng), tập trung chính vào cổ phiếu bất động sản. Kèm theo đó, dự phòng trích lập cũng vọt lên 63 tỷ đồng, mức lỗ tạm ghi nhận hơn 30%.
Hóa An cũng là một trường hợp “bắt dao rơi” điển hình. Công ty này chỉ sở hữu 300.000 đơn vị cổ phiếu HPG vào đầu năm 2022, nhưng đã tăng lên 590.000 đơn vị vào cuối quý I/2022 và tiếp tục mua gom, nâng sở hữu lên tới 2,54 triệu đơn vị cổ phiếu. Tại ngày 30/6, giá trị khoản đầu tư vào HPG tăng lên 78,16 tỷ đồng, chiếm 90,5% danh mục đầu tư và gần 17% tổng tài sản của Hóa An. Việc đặt cược vào HPG đã kéo lợi nhuận Công ty giảm hơn 20 tỷ đồng, chỉ còn vỏn vẹn 1,75 tỷ đồng trong quý II/2022.
Cẩn trọng dòng tiền
Diễn biến tiêu cực của giá cổ phiếu khiến danh mục đầu tư của nhiều công ty “bốc hơi”. Tuy nhiên, khi vẫn duy trì khoản đầu tư, thì con số lỗ trên chỉ là tạm thời. Với cơ cấu nguồn vốn lành mạnh, lượng tiền mặt lớn, Hóa An hoàn toàn không vay nợ ngân hàng hay dùng tiền ký quỹ của các công ty chứng khoán và nắm toàn quyền chủ động với danh mục.
Trong khi đó, khoản đầu tư cổ phiếu của Tập đoàn Thành Thái lại dựa vào hơn 40% nguồn vốn vay margin từ Công ty Chứng khoán Mirae Asset. Sau nhiều quý đứng ngoài thị trường, cuối năm 2021, Thành Thái dành 48% tổng tài sản để đầu tư vào các cổ phiếu VIC, VHM và PLX, với giá trị hơn 131 tỷ đồng.
Trở lại thị trường đúng giai đoạn khó khăn, Thành Thái hiện cơ cấu lại danh mục đầu tư còn 2 cổ phiếu là VIC và VHM với giá trị gần 120,9 tỷ đồng và lập dự phòng 27 tỷ đồng. Lãi từ hoạt động kinh doanh thép chỉ vài tỷ đồng, khoản đầu tư này đẩy Công ty vào quý thua lỗ lớn nhất trong lịch sử hoạt động của mình.
Với các doanh nghiệp ngành thép như Thép Tiến Lên hay Thành Thái, xu hướng giá hàng hóa không còn thuận lợi như năm liền trước là một phần khiến họ lựa chọn thu hẹp quy mô kinh doanh.
Thép Tiến Lên giảm tồn kho từ mức đỉnh 2.807 tỷ đồng hồi cuối năm, xuống còn 890 tỷ đồng vào cuối quý II/2022. Các khoản vay ngân hàng cũng giảm tương ứng. Tuy nhiên, việc dồn tiền vào cổ phiếu thay vì gửi ngân hàng đến thời điểm hiện tại là quyết định gây nhiều thiệt hại cho lợi nhuận của doanh nghiệp thép này.
Tại Thành Thái, giá trị đầu tư cổ phiếu đã lớn gấp 3,45 lần giá trị tồn kho - tài sản liên quan trực tiếp đến hoạt động kinh doanh lõi của doanh nghiệp. Nguồn vốn vay đầu tư chứng khoán thậm chí còn xấp xỉ phần vốn góp của các chủ sở hữu.
Sử dụng đòn bẩy tài chính cao để đầu tư cổ phiếu cũng là nguyên nhân chính đẩy tỷ lệ nợ của Thành Thái từ mức 20% tại thời điểm cách đây một năm lên 70% hiện tại. Các khoản vay của Công ty, ngoài 51,5 tỷ đồng margin, còn gần 17 tỷ đồng từ 2 ngân hàng. Tiền và các khoản tiền gửi tại các nhà băng cũng đã giảm còn 169 triệu đồng, từ mức gần 16 tỷ đồng một năm trước.
Trong kịch bản xấu, khi cổ phiếu do Thành Thái nắm giữ xuống thấp đến tỷ lệ xuất hiện các lệnh gọi margin yêu cầu bổ sung thêm tiền hoặc bán giải chấp cổ phiếu, thì Thành Thái sẽ không còn chủ động và có thể phải chấp nhận thế khó, bán cổ phiếu để giữ khả năng thanh toán.