Chứng khoán Mỹ sụt giảm hôm thứ Tư sau khi Tổng thống Donald Trump tìm cách áp đặt thuế mới đối với Trung Quốc, tăng cường mối lo sợ về một cuộc chiến thương mại có thể làm tăng chi phí và làm tổn thương doanh số bán hàng ở nước ngoài cho các công ty Mỹ.
Kế hoạch đánh thuế 60 tỷ USD với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, nhất là các ngành công nghệ, viễn thông và may mặc, nhằm giảm thâm hụt thương mại tới 100 tỷ USD với Trung Quốc hiện nay của ông Trump khiến phố Wall giảm khá mạnh trong phiên thứ Tư, trong đó Dow Jones giảm tới 1%.
Một thông tin khác cũng ảnh hưởng không tốt tới thị trường là số liệu vừa công bố cho thấy, doanh thu bán lẻ của Mỹ đã giảm trong tháng thứ 3 liên tiếp trong tháng hai, cho thấy sự suy giảm tăng trưởng kinh tế trong quý đầu tiên.
Kết thúc phiên 14/3, chỉ số Dow Jones giảm 248,91 điểm (-1,00%), xuống 24.758,12 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 15,83 điểm (-0,57%), xuống 2.749,48 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 14,20 (-0,19%), xuống 7.496,81 điểm.
Chứng khoán châu Âu chỉ lình xình trong phiên thứ Tư và đóng cửa ít thay đổi khi giới đầu tư thận trọng trước các bất ổn chính trị tại Italia, Mỹ. Trong đó, chứng khoán Đức có được sắc xanh nhờ sự hỗ trợ của cổ phiếu Adidas tăng 11,2% sau thông báo mua lại 3 tỷ euro cổ phiếu và nâng mục tiêu lợi nhuận năm 2020.
Kết thúc phiên 14/3, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 6,09 điểm (-0,09%), xuống 7.132,69 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 16,71 điểm (+0,14%), lên 12.237,74 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 9,43 điểm (-0,18%), xuống 5.233,36 điểm.
Chứng khoán châu Á cũng đồng loạt giảm trong phiên thứ Tư. Trong đó, chứng khoán Nhật Bản và Hồng Kông chấm dứt chuỗi 4 phiên tăng liên tiếp do ảnh hưởng từ những sự kiện chính trị tại Mỹ, trong khi chứng khoán Trung Quốc đại lục tiếp tục giảm khi giới đầu tư lo lắng về việc Mỹ dự định đánh thuế 60 tỷ USD với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Kết thúc phiên 14/3, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 190,81 điểm (-0,87%), xuống 21.777,29 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 166,44 điểm (-0,53%), xuống 31.435,01 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 18,85 điểm (-0,57%), xuống 3.291,38 điểm.
Sau khi hồi phục trong phiên thứ Ba nhờ các thông tin chính trị tại Mỹ và đồng USD giảm, giá vàng đã quay đầu giảm nhẹ trở lại trong phiên thứ Tư khi đồng USD hồi phục.
Kết thúc phiên 14/3, giá vàng giao ngay giảm 1,7 USD/ounce (-0,13%), xuống 1.324,2 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 4 giảm 1,5 USD/ounce (-0,11%), xuống 1.325,6 USD/ounce.
Giá dầu thô đã hồi phục trở lại sau 2 phiên giảm mạnh liên tiếp sau báo cáo cho thấy kho dự trữ dầu thô của Mỹ tăng mạnh trong tuần qua đã được bù đắp bởi mức giảm mạnh hơn nhiều của kho dự trữ xăng và sản phẩm chưng cất.
Cụ thể, theo số liệu của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), kho dự trữ dầu thô của Mỹ tuần trước tăng 5 triệu thùng, mức mạnh nhất kể từ tháng 1 và cao hơn nhiều so với con số 2 triệu thùng như dự báo của giới phân tích. Tuy nhiên, kho dự trữ xăng và sản phẩm chưng cất được dự báo giảm mạnh hơn nhiều.
Dù vậy, giá dầu thô vẫn đang chịu áp lực lớn khi OPEC cho biết, sản lượng dầu thô đã tăng 1,66 triệu thùng/ngày trong năm 2018, tăng gấp đôi so với con số dự báo đưa ra vào tháng 11/2017. Các kho dự trữ dầu của các nước công nghiệp cũng lần đầu tiên tăng kể từ đầu tháng 8. Trong khi OPEC giảm dự báo nhu cầu dầu thô năm 2018 với khối này 250.000 thùng/ngày, còn 32,61 triệu thùng/ngày.
Kết thúc phiên 14/3, giá dầu thô Mỹ tăng 0,25 USD (+0,41%), lên 60,96 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,25 USD (-0,39%), lên 64,89 USD/thùng.