Theo Báo cáo, các doanh nghiệp nước ngoài coi ưu đãi thuế là một trong những yếu tố hết sức quan trọng trong việc đưa ra lựa chọn cuối cùng về địa điểm đầu tư.
Các doanh nghiệp FDI được hưởng ưu đãi đầu tư có xu hướng hoạt động tốt hơn các doanh nghiệp Việt Nam. Các doanh nghiệp này sử dụng nhiều lao động hơn, có năng suất lao động cao hơn và có vốn đầu tư nhiều hơn doanh nghiệp Việt Nam.
Cũng theo kết quả báo cáo nghiên cứu, mức xếp hạng dựa trên các chỉ số hiệu quả hoạt động mang tính biểu trưng của các doanh nghiệp FDI được nhận ưu đãi cụ thể như sau: Về tăng trưởng kinh doanh, các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc xếp thứ nhất với mức tăng trưởng 17,5%, Hà Nội và Bắc Ninh lần lượt xếp thứ nhì và thứ ba với mức 11,9% và 11,7%.
Về Năng suất tổng hợp (TFP), các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xếp thứ nhất với mức 1.098 điểm, tiếp đó là Hà Nội ở mức 288 điểm.
Về tạo ra giá trị gia tăng, các công ty FDI trên địa bàn Bà Rịa-Vũng Tàu xếp thứ nhất với mức điểm 21,7, Vĩnh Phúc thứ nhì với mức 6,2 và Đà Nẵng thứ ba ở mức 4,7.
Báo cáo nhận định các bằng chứng khảo sát cho thấy, phần lớn các doanh nghiệp nước ngoài được hưởng ưu đãi thuế, tài chính ở các tỉnh như Vĩnh Phúc và Bắc Ninh có hiệu quả hoạt động tốt hơn so với các doanh nghiệp nước ngoài trên địa bàn các tỉnh khác.
Báo cáo nghiên cứu cũng đưa ra các so sánh về chỉ số hiệu quả hoạt động giữa các doanh nghiệp nước ngoài đươc nhận ưu đãi, doanh nghiệp nước ngoài không được nhận ưu đãi và các doanh nghiệp trong nước đối với các doanh nghiệp tham gia khảo sát thuộc TP. HCM, Bình Dương và Hà Nội vốn là 3 địa phương được đặc biệt chọn trên cơ sở số lượng lớn các doanh nghiệp tham gia vào cuộc Khảo sát.
Theo đó, ở TP. HCM, dường như không tồn tại khác biệt lớn giữa các doanh nghiệp nước ngoài được nhận ưu đãi và các doanh nghiệp không được nhận ưu đãi. Trong cả hai trường hợp này, các công ty nước ngoài vẫn hoạt động với hiệu quả tốt hơn các doanh nghiệp trong nước về khả năng tạo việc làm.
Về hiệu quả hoạt động chung được đo lường theo tăng trưởng kinh doanh, giá trị gia tăng tính trên công nhân và mức độ tỷ lệ vốn-lao động, các kết quả thể hiện rằng các doanh nghiệp FDI được hưởng ưu đãi vượt xa các doanh nghiệp nước ngoài không nhận ưu đãi và các doanh nghiệp trong nước. Về hình thức thương mại thì không có sự khác biệt lớn, mặc dù các doanh nghiệp nước ngoài có nhận ưu đãi có lên kế hoạch đầu tư thêm trong tương lai.
Ở Bình Dương, các doanh nghiệp nước ngoài có nhận được ưu đãi dường như tạo ra được nhiều việc làm hơn. Ngược lại, các doanh nghiệp nước ngoài không được nhận ưu đãi có kế hoạch đầu tư thêm trong tương lai.
Còn tại Hà Nội, khung chính sách ưu đãi tài chính phát huy tác dụng tốt vì các doanh nghiệp được nhận ưu đãi nói chung có xu hướng đạt được hiệu quả hoạt động tốt hơn các loại doanh nghiệp khác theo các chỉ số hiệu quả hoạt động.