Chênh lệch hàng ngàn tỷ đồng
Kết luận kiểm toán Chuyên đề việc thực hiện 3 hợp đồng BT thanh toán bằng quyền sử dụng đất trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2013-2017 do Kiểm toán Nhà nước (KTNN) thực hiện cho thấy, những tồn tại tại các dự án này đang gây thiệt hại lớn cho ngân sách thành phố.
Cơ quan này cho biết, tổng mức đầu tư dự kiến của 3 dự án này là hơn 4.421 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau kiểm toán chi tiết, đơn vị này chỉ xác nhận giá trị hợp đồng của 3 dự án là hơn 2.693 tỷ đồng, giảm đến hơn 1.727 tỷ đồng, tương đương gần 40% tổng giá trị dự án.
Dự án đầu tiên bị KTNN gọi tên là Đoạn đường Lê Đức Thọ đến Khu đô thị mới Xuân Phương trị giá hơn 946 tỷ đồng, sau kiểm toán giảm còn hơn 597 tỷ đồng. Dự án được trao đổi bằng khu nhà ở sinh thái Xuân Phương của Tasco rộng hơn 37 ha.
Tiếp đến là Dự án Xây dựng nút giao thông trung tâm quận Long Biên (chủ đầu tư là Công ty cổ phần Him Lam) được đổi 567 ha đất. Dự án này bị giảm tới gần 1.080 tỷ đồng, chỉ còn 1.300 tỷ đồng, thay vì gần 2.480 tỷ đồng tổng mức đầu tư dự kiến trước đó.
Cuối cùng là Dự án Xây dựng tuyến đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên (đoạn trên địa phận Hà Nội, chủ đầu tư là Công ty cổ phần Comaland), dự án này được đổi bằng hơn 63 ha đất. Sau kiểm toán, dự án này được xác nhận trị giá 446 tỷ đồng, giảm hơn 50 tỷ đồng.
Sự chênh lệch được KTNN xác định bởi 2 lý do. Đầu tiên là do giá trị nhà đầu tư ký kết hợp đồng, nghiệm thu, quyết toán với nhà thầu, chi phí lãi vay đều thấp hơn so với giá trị trong tổng mức đầu tư được xác định trong hợp đồng (cụ thể tại 3 dự án là hơn 980 tỷ đồng)
Thứ hai là do KTNN giảm trừ hơn 747 tỷ đồng giá trị xây lắp; chi phí giải phóng mặt bằng; chi phí tư vấn... do việc xác định sai khối lượng, sai đơn giá, định mức; xác định chưa đúng, chưa phù hợp với quy định của hợp đồng BT về các khoản mục chi phí.
Như vậy, sau khi giảm trừ tổng mức đầu tư dự án, thì tổng vốn đầu tư thực tế theo báo cáo của 3 dự án là 2.770 tỷ đồng. Trong số này, KTNN tiếp tục giảm trừ hơn 434 tỷ đồng (sai khối lượng hơn 18,7 tỷ đồng; sai định mức, đơn giá hơn 129 tỷ đồng và sai khác hơn 286 tỷ đồng). Do đó, tổng vốn đầu tư thực tế của 3 dự án này chỉ còn là hơn 2.300 tỷ đồng, thấp hơn rất nhiều so với tổng mức đầu tư ban đầu.
Kiến nghị giảm giá hợp đồng
Là một trong những địa phương áp dụng cơ chế BT nhiều nhất cả nước, Hà Nội có đến 111 dự án BT được chấp thuận chủ trương đầu tư, nhưng đến nay mới chỉ có 8 dự án được hoàn thành. Kết quả thanh tra cho thấy, các dự án này gây thiệt hại lớn cho ngân sách. Trong đó, KTNN khẳng định, 3 dự án trên của TP. Hà Nội đều chậm tiến độ và có nhiều sai phạm trong nguồn vốn.
Từ những sai phạm trên, KTNN đã kiến nghị TP. Hà Nội điều chỉnh giảm giá hợp đồng BT của Dự án Nút giao trung tâm quận Long Biên và Dự án Đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên là hơn 1.130 tỷ đồng; cân đối diện tích, giá trị đất thanh toán cho nhà đầu tư. Riêng với dự án của Tasco, KTNN kiến nghị giảm trừ giá trị hợp đồng hơn 194,6 tỷ đồng...
Ngoài ra, KTNN còn đề nghị xác định lại giá trị đất được giao cho chủ đầu tư và hạn chế những bất cập như không quy định rõ thời điểm giao đất, dẫn đến có dự án được giao đất trước khi thực hiện dự án, có dự án được giao trong khi thực hiện và có dự án làm xong vẫn chưa được giao đất.
KTNN lý giải, thời điểm giao đất và cách thức tạm tính tiền sử dụng đất hiện nay đang tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến lãng phí ngân sách do giá trị hợp đồng BT tạm tính cao hơn rất nhiều thực tế thực hiện, thời gian thi công dự án BT kéo dài và tiền sử dụng đất tạm tính chưa sát, nên giá trị tiền sử dụng đất nhà đầu tư phải nộp thường thấp hơn giá trị khi quyết toán công trình.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, nhà đầu tư các dự án BT rà soát lại các hợp đồng dự án, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật với các sai phạm; không được chấp nhận sai trái, vi phạm pháp luật; không làm thất thoát tài sản công, không để xảy ra tham nhũng, lợi ích nhóm.
Thủ tướng nêu rõ, trường hợp có vi phạm nhưng chưa gây thất thoát tài sản nhà nước, thì phải điều chỉnh lại hợp đồng BT; nếu phát hiện vi phạm thì phải tự hủy hợp đồng dự án, thu hồi ngay tài sản nhà nước, đồng thời xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân sai phạm theo đúng quy định của pháp luật.
Hiện tại, TP. Hà Nội vẫn chưa lên tiếng với những kết luận trên của KTNN. Tuy nhiên, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, những hợp đồng BT kiểu tù mù, những dự án chỉ định thầu kém minh bạch hay những mảnh đất công đang bị bán rẻ theo hình thức này cần được công khai và làm rõ những sai phạm.