Pfizer và BioNTech hôm thứ Tư thông báo các kết quả nghiên cứu sơ bộ cho thấy việc tiêm mũi thứ ba sử dụng vắc-xin Covid-19 do 2 hãng này phát triển có thể vô hiệu hóa biến chủng Omicron. Đối với người tiêm 2 mũi, vắc-xin vẫn đủ hiệu quả bảo vệ trước nguy cơ bệnh diễn biến nặng.
Hai hãng này cũng cho biết, họ có thể cung cấp một loại vắc-xin nâng cấp nhắm mục tiêu cụ thể vào biến chủng Omicron vào tháng 3/2022 nếu cần.
Trong khi đó, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo, các chính phủ cần đẩy nhanh chương trình tiêm chủng. Biến chủng mới này có vẻ dễ lây lan hơn, các nước phải nỗ lực gấp đôi để ngăn chặn lây nhiễm.
Trong một nỗ lực để làm chậm sự lây lan của Omicron, Anh hôm thứ Tư cho biết, họ có thể thực hiện các biện pháp cứng rắn hơn, bao gồm cho đất nước làm việc tại nhà, sớm nhất là vào ngày 9/12.
Mặt khác, JP Morgan công bố báo cáo bày tỏ quan điểm năm 2022 sẽ đánh dấu sự kết thúc của đại dịch và chứng kiến sự phục hồi kinh tế toàn cầu.
“Vắc-xin và các phương pháp điều trị mới đưa kinh tế toàn cầu phục hồi mạnh mẽ theo chu kỳ, đi lại thông suốt và giải phóng nhu cầu bị dồn nén từ người tiêu dùng”, JP Morgan cho biết.
Các cổ phiếu liên quan đến du lịch tiếp tục tăng cao trong phiên đêm qua. Cổ phiếu Norwegian Cruise Line vọt 8,2% và là cổ phiếu tăng mạnh nhất thuộc S&P 500, theo sau đó là cổ phiếu Carnival và Royal Caribbean, đều tăng hơn 5%.
Dữ liệu lạm phát của Mỹ được công bố vào thứ Sáu và một loạt các cuộc họp ngân hàng trung ương lớn vào tuần tới có thể tác động đến thị trường tài chính trong những ngày cuối năm.
Cả 3 chỉ số chính trên phố Wall đóng cửa sắc xanh. Tuy nhiên, trong phiên giao dịch ngoài giờ, cả S&P Futures, Nasdaq Futures và Dow Futures đều đang có xu hướng giảm.
Kết thúc phiên 8/12, chỉ số Dow Jones tăng 35,32 điểm (+0,10%), lên 35.754.75 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 14.46 điểm (+0,31%), lên 4.701,21 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 100,07 điểm (+0,64%), lên 15786,99 điểm.
Chứng khoán châu Âu kết thúc thứ Tư đầy biến động trong sắc đỏ sau hai phiên tăng mạnh nhất trong năm với đà giảm do cổ phiếu công nghệ và các hãng xa xỉ dẫn đầu.
Kết thúc phiên 8/12, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 2,85 điểm (-0,04%), xuống 7.337,05 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 126,85 điểm (-0,80%), xuống 15.687,09 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 50,82 điểm (-0,72%), xuống 7.014,57 điểm.
Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản tăng, khi các nhà đầu tư hy vọng rằng biến thể Omicron sẽ ít gây xáo trộn cho nền kinh tế toàn cầu như những lo ngại ban đầu.
Chứng khoán Trung Quốc tăng, nhờ việc cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng đã giữ cho tâm lý nhà đầu tư phấn chấn.
Chứng khoán Hồng Kông chỉ nhích nhẹ trong phiên giao dịch đầu tiên của gã khổng lồ truyền thông xã hội Trung Quốc Weibo.
Chứng khoán Hàn Quốc tăng phiên thứ sáu liên tiếp khi lo lắng về tác động của biến thể Omicron giảm bớt.
Kết thúc phiên 8/12, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 405,02 điểm (+1,42%), lên 28.860,62 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 42,48 điểm (+1,18%), lên 3.637,57 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 13,21 điểm (+0,05%), lên 23.996,87 điểm. Chỉ số KOSPI tại Hàn Quốc tăng 10,08 điểm (+0,34%), lên 3.001,80 điểm.
Giá vàng đêm qua đi ngang khi thị trường gần như tan biến nỗi lo về biến thể mới Omicron. Ngoài ra, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng ngày thứ ba liên tiếp cũng cản đà tăng của giá vàng.
Kết thúc phiên 8/12, giá vàng giao ngay giảm 0,70 USD (-0,04%), xuống 1.783,40 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 1 tăng 0,90 USD (+0,05%), xuống 1.784,50 USD/ounce.
Giá dầu tiếp tục tăng trong phiên ngày thứ Tư, duy trì đà tích cực trong bối cảnh các nhà đầu tư không còn lo lắng biến chủng Omicron sẽ làm trật bánh tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Mặt khác, thị trường không có phản ứng trước số liệu hàng tồn kho hàng tuần của Mỹ. Dự trữ dầu thô giảm 240.000 thùng và dự trữ xăng và sản phẩm chưng cất tăng do các nhà máy lọc dầu tăng sản lượng.
Sản phẩm từ các nhà máy lọc dầu ở Mỹ đạt 20,9 triệu thùng mỗi ngày trong bốn tuần qua, vượt quá tỷ lệ nhu cầu sử dụng trước đại dịch của người tiêu dùng.
Thị trường cho rằng rằng cung sẽ vượt cầu vào đầu năm 2022 do sản lượng của Mỹ tăng và nguồn cung liên tục được bổ sung từ Trung Đông.
Căng thẳng giữa các cường quốc phương Tây và Nga về vấn đề Ukraine tiếp tục leo thang sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden cảnh báo Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Ba rằng phương Tây sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với Nga nếu nước này xâm lược Ukraine, trong khi ông Putin yêu cầu đảm bảo rằng NATO sẽ không mở rộng xa hơn về phía đông.
Kết thúc phiên 8/12, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI tăng 0,31 USD (+0,4%), lên 72,36 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,38 USD (+0,5%), lên 75,82 USD/thùng.