Livestream bán hàng vào "tầm ngắm" của cơ quan thuế

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi khẳng định, hình thức livestream bán hàng có phát sinh doanh thu, thu nhập nên phải chịu sự điều chỉnh của pháp luật về thuế, cụ thể là thuế thu nhập cá nhân và thuế quản lý hộ kinh doanh.
Hoạt động livestream bán hàng trên internet đang tạo ra khoảng trống về thất thu thuế (Ảnh minh hoạ)

Hoạt động livestream bán hàng trên internet đang tạo ra khoảng trống về thất thu thuế (Ảnh minh hoạ)

Chiều 1/6, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2024, báo chí đặt câu hỏi với Bộ Tài chính về hoạt động quản lý thuế, tránh thất thu thuế đối với hoạt động livestream bán hàng đang ngày càng "nở rộ".

Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ Tài Chính Nguyễn Đức Chi khẳng định, bán hàng qua hình thức livetream nghĩa là hoạt động phát sinh doanh thu, thu nhập. Khi đã hoạt động kinh tế phát sinh doanh thu thì phải chịu sự điều chỉnh của Luật thuế, sắc thuế cơ quan thuế.

Đối với hoạt động thương mại điện tử nói chung và livestream bán hàng nói riêng, Bộ Tài chính đang quản lý theo 2 sắc thuế. Đối với cá nhân có hoạt động phát sinh doanh thu, sẽ phải chịu thuế đối với thu nhập của bản thân mình điều chỉnh bởi thuế thu nhập cá nhân. Đối với trường hợp các hộ kinh doanh gia đình có hoạt động bán hàng phát sinh doanh thu thì thực hiện quản lý thu thuế theo quy định quản lý hộ kinh doanh, nằm trong mức khoán về thu thuế; nếu hộ kinh doanh thực hiện kê khai thuế thì tính thuế theo danh sách kê khai đó.

Theo ông Nguyễn Đức Chi, livetream bán hàng tuy không còn mới nhưng đã có sự phát triển. Cho nên cơ quan Thuế đã tập trung truyền thông để các đối tượng này hiểu về thuế để tự giác tiến hành kê khai và nộp thuế theo đúng quy định pháp luật. Bên cạnh đó, cơ quan thuế cũng tiến hành giám sát và kiểm tra các hoạt động kinh doanh này đối với cá nhân và hộ kinh doanh.

Thứ trưởng Bộ Tài Chính Nguyễn Đức Chi trả lời tại Họp báo Chính phủ chiều 1/6

Thứ trưởng Bộ Tài Chính Nguyễn Đức Chi trả lời tại Họp báo Chính phủ chiều 1/6

Chia sẻ một số số liệu quản lý thuế từ các cá nhân, tổ chức về kinh doanh thương mại điện tử, bao gồm livestream bán hàng trong 2 năm gần nhất, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, năm 2022, doanh thu quản lý thuế là 3,1 triệu tỷ đồng; số thuế đã thu là trên 83 nghìn tỷ đồng. Năm 2023, doanh thu quản lý thuế là 3,5 triệu tỷ đồng; số thuế đã thu khoảng 97 nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh đó, kết quả thanh tra rà soát từ năm 2021 đến năm 2023, có hơn 31 nghìn đối tượng gồm hộ kinh doanh và cá nhân vi phạm về thuế; đã xử lý vi phạm hơn 22 nghìn trường hợp, số thuế thu tăng thêm là gần 3 nghìn tỷ đồng.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi mong các cơ quan truyền thông sẽ tăng cường thông tin đến các cá nhân và hộ kinh doanh để họ tự giác nộp thuế, làm sao để tiến tới không còn trường hợp vi phạm, phải kiểm tra, xử lý.

Năm nay sẽ tập trung thu thuế bán hàng online

Trong một diễn biến liên quan, tại buổi họp tổ của Quốc hội sáng 23/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, năm nay Bộ Tài chính sẽ tập trung thu thuế hoạt động bán hàng online (bao gồm cả hoạt động livestream bán hàng).

Theo đó, trong bối cảnh tăng trưởng GDP năm 2023 chỉ đạt 5,05% (trong khi năm 2022 là 8,02%), Chính phủ thực hiện nhiều chính sách miễn giảm thuế phí để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân sau đại dịch..., thu ngân sách năm 2023 giảm so với năm 2022 khoảng 16.000 tỷ đồng (chỉ đạt 79,4% kế hoạch).

Năm 2024, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ Tài chính đã nỗ lực tìm mọi biện pháp để tăng thu ngân sách nhưng không làm ảnh hưởng đến tình hình “sức khỏe” của doanh nghiệp, cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh. Một trong những giải pháp là tăng cường thu thuế đối với kinh doanh mua bán online.

Hiện nay, Bộ Tài chính đã kết nối cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế vào cơ sở dữ liệu dân cư của Bộ Công an và phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để kiểm soát các khoản thanh toán trên sàn thương mại điện tử.

Tin bài liên quan