Ngân hàng Nhà nước đã gặt hái những bước tiến đáng kể trong tái cấu trúc và củng cố hệ thống ngân hàng, mặc dù vẫn còn nhiều việc phải làm ở phía trước. Môi trường hoạt động của hệ thống ngân hàng đã trở nên ổn định, nợ xấu giảm dần và sức khỏe của các ngân hàng cũng được cải thiện.
Ông Nirukt Sapru, Tổng giám đốc Việt Nam và nhóm 5 nước ASEAN và Nam Á, Ngân hàng Standard Chartered
Ngân hàng Nhà nước xứng đáng được ghi nhận cho những thành tựu đạt được trong điều hành chính sách tiền tệ và tín dụng, ổn định tỷ giá và lãi suất, giải quyết nợ xấu và triển khai kế hoạch tái cấu trúc lĩnh vực ngân hàng giai đoạn 2. Những thành tựu này đã giúp giảm thiểu nguy cơ bất ổn của thị trường, gia tăng tính cạnh tranh trong xuất khẩu của Việt Nam so với các nền kinh tế khác trong khu vực ASEAN, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và xây dựng lòng tin của công chúng đối với năng lực quản lý và các chính sách của Ngân hàng Nhà nước.
Quyết tâm của Chính phủ trong giải quyết nợ xấu cùng với nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước nhằm tăng cường truyền thông về những bước tiến trong lĩnh vực ngân hàng đã giúp củng cố niềm tin của thị trường, bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền và của các nhà đầu tư, đồng thời hỗ trợ phát triển hệ thống ngân hàng ngày một vững mạnh, an toàn và hiệu quả hơn.
Vào cuối năm ngoái, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s đã nâng triển vọng đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam từ “ổn định” lên “tích cực” trong 12 đến 18 tháng kế tiếp. Đây là một bước tiến tích cực, giúp giảm thiểu lo ngại về rủi ro liên quan đến sự ổn định của lĩnh vực tài chính.
Các thành tựu đạt được trong lĩnh vực ngân hàng đã mang đến sự ổn định như hiện nay, tạo ra môi trường tốt hơn cho các doanh nghiệp hoạt động, đồng thời thúc đẩy tiêu dùng trong nước cũng như khôi phục niềm tin của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khía cạnh cần được cải thiện.
Bên cạnh việc ổn định hệ thống ngân hàng, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước nên xem xét cải cách hơn nữa khung quy định liên quan đến các công cụ tài chính phái sinh, qua đó cung cấp cho doanh nghiệp Việt Nam thêm các giải pháp để quản lý rủi ro một cách hiệu quả.
Mới đây, Việt Nam đã thông qua dự luật cho phép các ngân hàng yếu kém phá sản. Đây là động thái rất tích cực, việc cho phép giải thể các ngân hàng yếu kém sẽ giúp lĩnh vực ngân hàng có khả năng phục hồi tốt hơn và hỗ trợ hiệu quả hơn cho cộng đồng doanh nghiệp, cũng như sự phát triển bền vững của nền kinh tế.
Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, lĩnh vực ngân hàng đã có những phản ứng hết sức tích cực. Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã thể hiện sự quan tâm mạnh mẽ đến việc theo đuổi chiến lược số hóa lĩnh vực ngân hàng.
Thể hiện ở việc thành lập Ban chỉ đạo về lĩnh vực công nghệ tài chính (FinTech), cũng như tổ chức hội thảo của Ngân hàng Nhà nước về phát triển khung pháp lý cho ngân hàng điện tử. Các sáng kiến này sẽ giúp định hình và đưa vào thực tế những bước đi cần thiết trong hệ thống tài chính nhằm hỗ trợ sáng kiến của Chính phủ về phát triển kinh tế trong thời đại cách mạng 4.0.
Trong khi quá trình hiện đại hóa đang diễn ra, Standart Chartered đánh giá cao việc Việt Nam dành nhiều sự ưu tiên cho văn hóa ứng xử và tính minh bạch trong lĩnh vực công và lĩnh vực ngân hàng, cũng như nâng cao các chuẩn mực về phòng chống rửa tiền. Điều đó giúp cải thiện bức tranh lĩnh vực ngân hàng và đóng góp vào việc tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh và một nền kinh tế phát triển toàn diện. Những khía cạnh này cần tiếp tục được chú trọng, song song với quá trình phát triển của lĩnh vực ngân hàng.
Cùng với quá trình phát triển của mình, Việt Nam sẽ đóng một vai trò ngày càng quan trọng trong dòng chảy thương mại khu vực và thế giới và lĩnh vực ngân hàng sẽ đóng vai trò trọng yếu trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn.
Các thỏa thuận thương mại mới như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU hay Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ đưa Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn nữa vào chuỗi cung ứng toàn cầu và các ngân hàng như Standard Chartered sẽ ở một vị thế thuận lợi để hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước, cũng như hệ thống ngân hàng thông qua việc chia sẻ những kinh nghiệm quốc tế tốt nhất đúc rút từ lịch sử hơn 150 năm tài trợ vốn cho hoạt động thương mại quốc tế.