Linh hoạt uyển chuyển

Linh hoạt uyển chuyển

(ĐTCK-online) "Để ổn định kinh tế vĩ mô, không nên nghĩ về một chính sách tiền tệ nới lỏng. Nhưng để hỗ trợ DN, cần điều hành một cách linh hoạt và uyển chuyển". Đó là phát biểu của TS Võ Trí Thành phát biểu trong Hội thảo "TTCK: Nhận diện cơ hội và rủi ro 2012" do Vietstock tổ chức cuối tuần qua tại TP. HCM.

Linh hoạt uyển chuyển ảnh 1

Ông Võ Trí Thành

 Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

 

Năm 2012 được đánh giá là năm thể hiện ý chí chính trị sắt đá của nhà quản lý và nghệ thuật điều hành vĩ mô. Ổn định kinh tế vĩ mô là quan trọng nhất, NĐT, DN không nên nghĩ về một chính sách tín dụng nới lỏng.  

 

Nhưng năm tới cũng cần điều hành một cách linh hoạt và uyển chuyển, nhất là trong chính sách tiền tệ để hỗ trợ DN. Cụ thể, theo tôi được biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ không áp trần tăng trưởng tín dụng như nhau cho mọi ngân hàng, mà tùy quy mô tài sản, vốn và độ rủi ro để áp dụng tăng trưởng tín dụng khác nhau.

Tăng trưởng tín dụng trong từng lĩnh vực sẽ khác như khuyến khích vay xuất khẩu, nông nghiệp, DN vừa và nhỏ, thậm chí sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản ngân hàng cho vay trong lĩnh vực này. 

Trong lĩnh vực BĐS, mức độ linh hoạt của dòng chảy vốn sẽ ít hơn. Nhưng một số dự án như nhà thu nhấp, nhà cho công nhân sẽ được nới lỏng... DN sẽ được tạo điều kiện tiếp cận vốn trái phiếu và ODA tốt hơn.

Nhưng tôi xin lưu ý là không lẫn lộn thông điệp linh hoạt thành nới lỏng, ưu tiên chủ đạo vẫn là phải ổn định kinh tế vĩ mô. Tỷ giá năm tới sẽ không còn cú sốc phá giá tới 9,3% như trước. Một số tổ chức nước ngoài dự báo tỷ giá quanh mức 22.000 đồng/USD và với những gì diễn ra trên thực tế, tôi cũng tin tưởng vào dự báo này.

Lãi suất sẽ chỉ giảm một cách thực sự khi lạm phát kỳ vọng giảm và thời điểm này có thể diễn ra vào cuối quý II/2012. Từ nay đến thời điểm đó, lãi suất có thể giảm kỹ thuật nếu ngân hàng xử lý tốt các vấn đề nội tại như thanh khoản.

Theo tôi được biết, đề án tái cấu trúc ngân hàng đã được chi tiết hóa. Năm 2012 sẽ là năm rất quyết liệt với mục tiêu quý I phải giải quyết cơ bản vấn đề thanh khoản của các ngân hàng. Ngân hàng nào còn rủi ro về thanh khoản sẽ được xử lý rốt ráo. Với vấn đề tái cấu trúc đầu tư công thì khó khăn hơn vì rất phức tạp.

Thời gian qua, dù chúng ta đã đạt được một số kết quả, như lạm phát giảm nhiệt dần về cuối năm, thâm hụt thương mại cũng giảm đáng kể…, nhưng những thành quả này thực ra vẫn hết sức mong manh.

Trong con mắt của NĐT nước ngoài, tình hình kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề đáng lo ngại. Mặc dù vậy, dòng vốn đầu tư nước ngoài rất lớn vẫn đang chờ đợi, đặc biệt là những nước xung quanh chúng ta có tiết kiệm ngoại tệ rất lớn. Đồng thời, những NĐT tại Nhật Bản, Hàn Quốc rất quan tâm đến Việt Nam. Vấn đề còn lại là chúng ta phải ổn định được kinh tế vĩ mô.