Tổng thống Donal Trump và đội ngũ kinh tế của ông đã đưa ra nhiều tuyên bố khiến các doanh nghiệp khó khăn trong việc lập kế hoạch, các quốc gia cũng khó khăn trong việc xây dựng chính sách.
Ông đã tuyên bố áp thuế nhập khẩu nặng nề đối với hàng hóa Canada và Mexico, nhưng rồi lại tạm hoãn một tháng để đổi lấy nhượng bộ từ hai nước láng giềng này. Thêm 10% thuế áp với hàng hóa Trung Quốc nhưng việc hủy bỏ miễn thuế đối với các mặt hàng nhỏ đã gây ra hỗn loạn tại Bưu điện Mỹ, buộc chính quyền phải tạm thời khôi phục miễn thuế nhóm này. Ngoài ra, ông Trump đã áp thuế 25% đối với thép và nhôm, trước khi đưa ra kế hoạch thuế đối ứng sâu rộng hơn.
Đó có thể chỉ là khởi đầu: Tổng thống Trump đã ám chỉ khả năng áp thuế đối với Liên minh châu Âu và thậm chí sẽ áp thuế lên tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ.
Ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch KBC, người theo sát và am hiểu văn hóa kinh doanh Mỹ chia sẻ rằng những tuyên bố và chính sách gần đây của ông Trump đều đã được những doanh nhân như ông dự báo trước. Những chính sách này đều đã được Tổng thống Mỹ đề cập trong chiến dịch tranh cử. Kế hoạch thuế quan của Tổng thống Trump hướng tới ba mục đích chính: Tăng thu ngân sách, cân bằng thương mại, gây áp lực lên các đối thủ thương mại.
Trong một bài phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới tháng trước, Tổng thống Trump dự đoán rằng thuế quan có thể giúp Mỹ thu về hàng trăm tỷ, thậm chí hàng nghìn tỷ USD.
Số liệu từ Bộ Thương mại Mỹ cho thấy, thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ đạt mức kỷ lục 123,5 tỷ USD vào năm 2024, tăng gần 20% hàng năm. Việt Nam đã trở thành đối tác có thặng dư thương mại với Mỹ lớn thứ 4, sau Trung Quốc, Liên minh châu Âu và Mexico.
Vấn đề ông Tâm và không ít lãnh đạo doanh nghiệp lo lắng là thuế quan áp với Trung Quốc tăng cao có thể khiến tình trạng dán nhãn hàng hóa “Made in Vietnam” khó kiểm soát. Giám đốc tài chính một công ty sản xuất vật liệu xây dựng cho biết, họ đã gửi công văn lên Bộ Công Thương trình bày chi tiết các số liệu thu thập được để chứng minh tỷ trọng hàng dán nhãn trong lĩnh vực họ xuất khẩu tăng mạnh trong năm qua.
Tương tự, chủ tịch một quỹ đầu tư cho hay, ông đã từ chối vài doanh nghiệp đặt vấn đề gọi vốn nước ngoài qua quỹ của ông để thực hiện cách kinh doanh “dán nhãn”. Cung cách đầu tư và kinh doanh “tranh thủ” theo cách gọi của vị chủ tịch quỹ này, có thể đem lợi nhuận lớn cho doanh nghiệp trước mắt nhưng hoàn toàn có thể dễ dàng bị phía Mỹ điều tra và phạt nặng. Vấn đề quan trọng hơn, nó có thể dẫn tới việc hàng loạt hàng hóa Việt Nam bị áp thuế cao, có thể dẫn tới phá sản một ngành hàng trong nước.
Mối nguy này không chỉ ảnh hưởng tới các nhà sản xuất trực tiếp mặt hàng đó mà còn ảnh hưởng nặng nề tới các doanh nghiệp đầu tư và kinh doanh khu công nghiệp như KBC. Đến Khu công nghiệp Quang Châu những ngày này, có thể thấy cơ ngơi nhộn nhịp ngày nào của JA Solar, doanh nghiệp sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời, nay vắng lặng, phải ngừng hoạt động do bị áp thuế vào Mỹ quá cao.
Ở mỗi doanh nghiệp, việc lên các kịch bản ứng phó với khả năng tăng thuế nhập khẩu vào Mỹ đang được gấp rút triển khai; trong đó từ khóa “linh hoạt” được nhiều doanh nghiệp tập trung thực hiện. Ở bình diện toàn bộ nền kinh tế, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã yêu cầu các Bộ, ngành chủ động lên kịch bản thích ứng.
Câu chuyện thương chiến, đặc biệt là vấn đề thuế quan cũng là chủ đề Tiêu điểm của số báo tuần này với những phân tích từ nhiều phía, mong muốn mang lại cho bạn đọc, nhà đầu tư những góc nhìn đa dạng về vấn đề nóng này, để chủ động gạn lọc cơ hội, giảm thiểu rủi ro thị trường.