Linh hoạt, sáng tạo trong thực hiện "mục tiêu kép" tại tâm dịch Bắc Giang

0:00 / 0:00
0:00
Hiện nay, tỉnh Bắc Giang đang phải thực hiện song hành 2 nhiệm vụ, vừa chống dịch, vừa khôi phục sản xuất, đòi hỏi các biện pháp quyết liệt nhưng linh hoạt, sáng tạo.
Hiện nay, tỉnh Bắc Giang đang phải thực hiện song hành 2 nhiệm vụ, vừa chống dịch, vừa khôi phục sản xuất.

Hiện nay, tỉnh Bắc Giang đang phải thực hiện song hành 2 nhiệm vụ, vừa chống dịch, vừa khôi phục sản xuất.

Trước đó, để ngăn chặn dịch bệnh Covid- 19 lây lan, tỉnh Bắc Giang đã phải đóng cửa tất cả các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đây là chủ trương rất đúng đắn, kịp thời, không đánh đổi kinh tế lấy sức khỏe cộng đồng.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương, việc đóng cửa các khu công nghiệp khiến kinh tế của tỉnh mỗi ngày thiệt hại hơn 2.000 tỉ đồng. Đây là thiệt hại rất nặng nề và không thể kéo dài lâu bởi sức chịu đựng của tỉnh, doanh nghiệp và công nhân có hạn.

Bên cạnh đó, trên địa bàn Bắc Giang hiện có rất nhiều doanh nghiệp thuộc các tập đoàn lớn trên thế giới như: Apple, Toyota, Honda, Samsung... Vì vậy việc dừng sản xuất có thể khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy.

Ví dụ như Samsung Bắc Giang đóng cửa trong thời gian dài thì cũng sẽ khiến Samsung Thái Nguyên, Samsung Bắc Ninh bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi thiếu sản phẩm, nguyên phụ kiện đầu vào.

Nếu đợi đến khi dập xong dịch mới sản xuất thì chuỗi cung ứng sẽ bị đứt gãy, khiến các tập đoàn thiệt hại lớn, nhất là giá cổ phiếu. Thực tế trên đặt ra cho Bắc Giang một nhiệm vụ cấp bách là làm sao vừa chống dịch nhưng cũng phải nhanh chóng đưa sản xuất trở lại.

Ông Dương Chí Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường Y tế, Bộ Y tế, Tổ trưởng Tổ cách ly y tế và xử lý môi trường thuộc Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại tỉnh Bắc Giang cho biết, điều kiện chung để được sản xuất trở lại đối với các doanh nghiệp là chỉ sử dụng người lao động đã được cơ quan y tế và chính quyền địa phương nơi thường trú hoặc tạm trú xác nhận đã được kiểm soát nguy cơ lây nhiễm dịch từ ngày 9/5/2021 trở lại đây.

Bên cạnh đó, người lao động cần có 2 lần xét nghiệm PCR âm tính với Covid-19 (kể từ ngày 9/5/2021 trở lại đây), trong đó lần gần nhất trước khi quay trở lại làm việc là 1 ngày.

Công nhân đủ điều kiện quay trở lại sản xuất sẽ được bố trí ở tại doanh nghiệp hoặc ký túc xá (KTX) riêng biệt của doanh nghiệp. Công nhân ngoài nơi làm việc và nơi lưu trú tập trung không được tiếp xúc cộng đồng.

Trước khi tổ chức sản xuất lại, doanh nghiệp bố trí đón công nhân đến nơi ở tập trung của doanh nghiệp ít nhất 3 ngày trước khi làm việc và thực hiện xét nghiệm Covid- 19 cho toàn bộ lao động.

Doanh nghiệp phải phải bố trí phương tiện đưa, đón người lao động từ KTX đến nơi làm việc và từ nơi làm việc trở về KTX; Thực hiện xét nghiệm tầm soát Covid-19 liên tục đối với toàn bộ công nhân.

Với mô hình trên thì công nhân được quản lý khép kín từ công ty đến khi về nơi ở để đảm bảo an toàn ở mức tối đa trong sản xuất.

Đến nay gần 10 nghìn công nhân đã trở lại sản xuất và hơn 15 doanh nghiệp thực tế đã sản xuất trở lại. Ngoài ra còn có gần 40 doanh nghiệp đã thẩm định, chờ đón công nhân vào triển khai sản xuất.

Song song với việc đó, Tổ cách ly y tế và xử lý môi trường đã triển khai tham mưu cho UBND tỉnh Bắc Giang xây dựng một phần mềm quản lý doanh nghiệp từ nơi sản xuất cho đến nơi ở của công nhân.

Phần mềm có thể theo dõi công nhân sử dụng phương tiện gì đến công ty, nhà trọ ở với ai, những người ở cùng làm ở doanh nghiệp nào.

Cụ thể, khi phát hiện ca dương tính trong doanh nghiệp hay một phân xưởng, có thể truy xuất ngay lập tức ngay lập tức (chỉ trong 10 phút) các thông tin như ca dương tính đi làm bằng xe riêng hay xe chung, xe chung thì đi với những ai, biển số xe, ở với ai và những người liên quan ở cùng làm tại doanh nghiệp nào.

Vì thế có thể phong tỏa tạm thời ngay lập tức để tổ chức điều tra dịch tễ và xét nghiệm các trường hợp có liên quan.

Theo ông Dương Chí Nam, hiện tại các doanh nghiệp đã đi vào sản xuất áp dụng mô hình công nhân ở tại chỗ, sản xuất tại chỗ.

Tuy nhiên đặt ra một bài toán đó là trong giai đoạn tới, 100% công nhân quay lại làm việc thì không thể ở hết được trong doanh nghiệp mà phải phân tán trong các khu nhà trọ.

Để giải quyết vấn đề này, Bộ phận thường trực đặc biệt đã tham mưu với lãnh đạo tỉnh Bắc Giang một mô mình rất sáng tạo đó là mỗi một khu nhà trọ sẽ do một công ty quản lý và chỉ có công nhân của công ty đó ở trong khu nhà trọ đó.

“Tức là chúng ta sẽ quản lý theo một chuỗi từ đầu đến cuối mà doanh nghiệp và chủ nhà trọ sẽ chịu trách nhiệm, còn chính quyền chỉ đóng vai trò hỗ trợ. Việc quản lý theo một chuỗi như thế rất tốt và khi xảy ra vấn đề gì cũng sẽ chỉ xảy ra tại một doanh nghiệp và không bị lan sang các doanh nghiệp khác”, ông Dương Chí Nam giải thích thêm.

Cũng để hỗ trợ Bắc Giang thực hiện mục tiêu sớm đưa sản xuất trở lại, Chính phủ, Bộ Y tế đã liên tục cung cấp vắc-xin cho Bắc Giang để triển khai tiêm cho công nhân với tổng số vắc-xin phân bổ sau 3 đợt là 160 nghìn liều.

Không những thế, Bộ Y tế còn điều động hàng nghìn nhân lực để giúp Bắc Giang hoàn thành chiến dịch tiêm chủng vượt thời kế hoạch (hoàn thành tiêm 150 nghìn liều vắc-xin trong 5 ngày).

Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.

Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!

Tin bài liên quan