Linh hoạt chính sách lãi suất

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngân hàng Nhà nước vừa giảm một số loại lãi suất điều hành, không theo xu hướng chung của hầu hết ngân hàng trung ương trên thế giới, kỳ vọng sẽ hỗ trợ thanh khoản và tăng trưởng kinh tế.

Định hướng xu hướng giảm lãi suất trên thị trường

Ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước
Ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước

Diễn biến kinh tế thế giới cho thấy tăng trưởng chậm lại với nhiều bất trắc. Lạm phát dù đã có dấu hiệu hạ nhiệt và qua đỉnh, nhưng duy trì ở mức cao tại nhiều nền kinh tế, dẫn đến chính sách tiền tệ tiếp tục thắt chặt, gây khó khăn cho doanh doanh nghiệp và ngân hàng.

Kinh tế trong nước vẫn gặp nhiều khó khăn, nhưng đã xuất hiện những chỉ số tích cực trong việc kiểm soát lạm phát. Cụ thể, lạm phát có xu hướng chậm lại trong 2 tháng đầu năm 2023, mức tăng so với cùng kỳ của CPI tháng 2 là 4,31%, giảm so với mức 4,89% của tháng 1, bình quân 2 tháng là 4,6%; lạm phát cơ bản giảm từ 5,21% xuống 4,96%, bình quân 2 tháng là 5,08%. Cả năm 2023, các tổ chức quốc tế dự báo, lạm phát bình quân khoảng 3,0 - 5,5%.

Thị trường tiền tệ ổn định, thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng dồi dào, đáp ứng nhu cầu thanh toán, chi trả của nền kinh tế. Đặc biệt, nỗ lực điều hành các chính sách quyết liệt, tích cực, hiệu quả, đồng bộ của Chính phủ trong thời điểm hiện nay đã hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt thông qua việc hạ lãi suất điều hành (1%, riêng lãi suất tái cấp vốn giữ nguyên) và lãi suất cho vay (0,5%) đối với các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, kể từ ngày 15/3/2023.

Việc hạ lãi suất điều hành là bước đi quan trọng, định hướng cho xu hướng giảm lãi suất trên thị trường trong thời gian tới; chuyển tải thông điệp tới các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay, tạo điều kiện, đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp khắc phục khó khăn, nhanh chóng khôi phục hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Lãi suất giảm sẽ kích được cầu tín dụng

Ông Nguyễn Việt Cường, Phó tổng giám đốc Vietcombank

Ông Nguyễn Việt Cường, Phó tổng giám đốc Vietcombank

Trong năm 2022, các chính sách điều hành của Ngân hàng Nhà nước rất linh hoạt và bám sát thị trường. Tuy nhiên, cuối năm 2022 và đầu năm 2023, lãi suất huy động và cho vay tăng cao, khiến Ngân hàng Nhà nước và hệ thống ngân hàng trăn trở tìm các hướng giảm mặt bằng lãi suất.

Trước diễn biến môi trường kinh tế thế giới và Việt Nam đã tích cực hơn, động thái giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước tuần qua là tín hiệu tích cực cho hoạt động ngân hàng nói riêng, nền kinh tế nói chung. Theo đó, Vietcombank ngay lập tức rà soát, ban hành lại các quy định lãi suất huy động cũng như trần lãi suất cho vay trong các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.

Tôi tin rằng, với mặt bằng lãi suất giảm xuống sẽ kích thích được nhu cầu tín dụng của khách hàng doanh nghiệp và cá nhân trong thời gian tới, sau những tháng đầu năm giảm sút.

Vietcombank là ngân hàng thương mại đa năng, trong đó nhóm khách hàng ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ tại Ngân hàng hiện chiếm trên 30.000 tỷ đồng dư nợ sẽ được áp dụng mức lãi suất mới. Đây là nhóm khách hàng khá đặc thù và Ngân hàng đang đẩy mạnh tỷ trọng cho vay nhóm này.

Hạ lãi suất - động thái thể hiện lập trường ôn hòa

Bà Yun Liu, Chuyên gia kinh tế phụ trách thị trường Đông Nam Á, Khối Nghiên cứu toàn cầu, HSBC

Bà Yun Liu, Chuyên gia kinh tế phụ trách thị trường Đông Nam Á, Khối Nghiên cứu toàn cầu, HSBC

Bất chấp những tranh luận ngày càng gia tăng trên thị trường về tốc độ thắt chặt tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa có động thái theo chiều hướng khác, công bố giảm một số loại lãi suất từ ngày 15/3/2023.

Năm ngoái, Ngân hàng Nhà nước là một trong những ngân hàng trung ương cuối cùng ở châu Á thắt chặt chính sách tiền tệ, với hai đợt tăng lãi suất vào tháng 9 và tháng 10, mỗi lần 1%, để bắt kịp xu hướng chung.

Trong khi các ngân hàng trung ương lớn dường như vẫn chưa hoàn thành chu kỳ thắt chặt, động thái giảm lãi suất vừa qua của Ngân hàng Nhà nước nằm ngoài dự đoán của chúng tôi. Nhưng khi xem xét kỹ, công bố của Ngân hàng Nhà nước chủ yếu phản ánh thay đổi trong lập trường của cơ quan này.

Thay đổi lớn bắt nguồn từ mối quan ngại về tương quan giữa lạm phát và tăng trưởng. Lạm phát liên tục được coi là một vấn đề trọng tâm cần chú ý trong các công bố của Ngân hàng Nhà nước trong năm 2022. Năm 2023, mặc dù duy trì tâm thế thận trọng ở một mức độ nhất định, nhưng Ngân hàng Nhà nước tỏ ra lạc quan về triển vọng kiểm soát lạm phát và tuyên bố rằng, lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát. Quả thật, lạm phát toàn phần (CPI) tháng 2/2023 đã dịu xuống còn 4,3% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức mục tiêu 4,5% đặt ra cho năm 2023.

Mặc dù vậy, rủi ro lạm phát tăng vẫn hiện hữu. Đà lạm phát duy trì ở mức mạnh, phản ánh các yếu tố thúc đẩy bởi cả cung và cầu. Mặt khác, giá tài nguyên, khoáng sản toàn cầu đã dịu đi, nhưng giá năng lượng của Việt Nam tiếp tục tăng. Trong khi đó, lạm phát cơ bản ở mức cao, bình quân 2 tháng đầu năm 2023 là 5%.

Hiện tại, trọng tâm chính sách của Ngân hàng Nhà nước đã chuyển sang hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Sau khi GDP ghi nhận mức tăng cao nhất trong hai thập kỷ là hơn 8% trong năm 2022, rủi ro suy giảm tăng trưởng đã nhanh chóng xuất hiện. Rủi ro lớn nhất đến từ tình trạng thương mại chậm lại từ quý IV/2022 và ngày càng gia tăng. Mặc dù dữ liệu thương mại trong thời gian gần đây tốt hơn mong đợi, nhưng đó không hẳn là một bức tranh hoàn toàn tươi sáng khi xuất khẩu tiếp tục giảm, sự suy yếu diễn ra trên diện rộng ở các ngành hàng chủ đạo. Trong khi những chỉ số phổ biến như nhà quản trị mua hàng (PMI) phản ánh sự ổn định bước đầu, chúng ta sẽ ít có khả năng chứng kiến chu kỳ thương mại toàn cầu đảo chiều nhanh chóng. Các ngành dịch vụ liên quan đến du lịch có thể được “giải cứu” một phần, đặc biệt sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại, nhưng chặng đường phục hồi về mức như năm 2019 dự kiến còn dài.

Trước những thách thức ở cả bên trong lẫn bên ngoài, chúng tôi dự báo, tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại ở mức 5,8% trong năm 2023. Quyết định hạ lãi suất của Ngân hàng Nhà nước phản ánh mong muốn bơm thêm thanh khoản cho nền kinh tế, trong đó một số ngành vốn đã trong trạng thái khủng hoảng thanh khoản (ví dụ bất động sản).

Hiện tại, chúng tôi kỳ vọng, Ngân hàng Nhà nước đã hoàn thành chu kỳ tăng lãi suất, đồng thời giữ nguyên mức dự báo lãi suất tái cấp vốn 6% trong các khung dự báo.

Tin bài liên quan