Để nhận phần đất do Công ty Hoàng Phát hoàn trả, Lilama Land phải thanh toán 34 tỷ đồng

Để nhận phần đất do Công ty Hoàng Phát hoàn trả, Lilama Land phải thanh toán 34 tỷ đồng

Lilama Land và các dự án “dở khóc, dở cười”

Danh sách các dự án do Công ty cổ phần Bất động sản Lilama Land tham gia khá dài, nhưng trong số này có những dự án, “nuốt vào thì dở, nhả ra không xong”.

Một dự án mà Lilama Land đang mắc kẹt là Khu đô thị mới Lilama Land – Sơn Đồng. Đây là dự án được Công ty nung nấu từ thời kỳ Hà Tây chưa nhập vào Hà Nội. Khi đó, Lilama Land đã được giao chủ đầu tư và hoàn thành thiết kế 1/500 Dự án Sơn Đồng. Tuy nhiên, khi Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội, Lilama Land không thực hiện được Dự án theo đúng kế hoạch đề ra, do khi đó, Thành phố Hà Nội thực hiện rà soát các dự án trên địa bàn và Dự  án Sơn Đồng bị đề nghị tạm dừng triển khai.

Mặc dù vậy, Lilama Land vẫn chưa muốn từ bỏ dự án này. Hội đồng Quản trị Công ty vẫn theo dõi tình hình phê duyệt quy hoạch chung của Hà Nội, để có các kế hoạch tiếp theo cho dự án này.

Một dự án khác còn “ly kỳ” hơn và cũng trong tình cảnh “nuốt vào thì khó, bỏ không xong” mà Lilama Land đang vướng vào là Dự án Hoàng Phát. Đây là dự án hợp tác đầu tư giữa Lilama Land và Công ty Hoàng Phát để đầu tư xây dựng Khu đô thị mới với diện tích 69 ha tại thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu. Theo dự kiến ban đầu, Lilama Land góp 70% vốn, Hoàng Phát góp 30% vốn, số tiền thực tế mà Lilama Land đầu tư cho dự án này đến nay là hơn 53,5 tỷ đồng.

Trong quá trình triển khai, sau khi thấy dự án này do ở xa, khó khăn trong việc kiểm soát, nên  Lilama Land và Hoàng Phát đã ký biên bản thỏa thuận để Lilama Land rút vốn khỏi dự án. Tuy nhiên, khi đến hạn thanh toán, thay vì phải trả tiền cho Lilama Land, Công ty Hoàng Phát lại đề xuất hoàn trả bằng đất. Sự rắc rối không dừng lại ở đó, bởi phần đất mà Hoàng Phát dự kiến chuyển giao cho Lilama Land đã đầu tư xây dựng một phần hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch của tỉnh Bạc Liêu, vì thế, để nhận đất, Lilama Land phải thanh toán cho Hoàng Phát số tiền họ đã bỏ ra để đầu tư hạ tầng kỹ thuật.

Trước những bùng nhùng như trên, theo ước tính của ông Nguyễn Hoài Phương, Phó chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Lilama Land, Công ty của ông sẽ phải trả cho Hoàng Phát khoảng 34 tỷ đồng để có thể lấy đất về.

Mặc dù vậy, cũng theo ông Phương, để hoàn thiện cơ sở hạ tầng khu đất trên, Công ty cần bỏ thêm 160 tỷ đồng nữa. Hiện tại, Lilama Land cũng chưa có ý định đầu tư thêm số tiền này.

“Chúng tôi sẽ cân nhắc chờ khi thị trường bất động sản có tín hiệu phục hồi mới tính đến phương án đầu tư tiếp”, ông Phương nói.

Ngoài ra, một dự án dạng “dở khóc, dở cười” khác của Limama Land là Khu dân cư và Nhà ở cao tầng Gia Nghi tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP.HCM.

Lilama Land và đối tác là Công ty Gia Nghi được UBND TP.HCM chấp thuận làm chủ đầu tư Dự án Gia Nghi từ năm 2008 (Lilama Land góp 70% vốn). Tại Dự án được dự kiến xây dựng trên tổng diện tích 8,9 ha này, Lilama Land đã ký Hợp đồng hợp tác đầu tư, thành lập Ban quản lý dự án, mở tài khoản đồng sở hữu và đã chuyển vào 7 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau đó phía đối tác là Công ty Gia Nghi không thực hiện việc góp vốn theo cam kết và hợp đồng giữa hai bên coi như đổ bể. Mặc dù vậy, cho đến nay, phía Lilama Land lại không thể đòi lại được số tiền 7 tỷ đồng đó. Vậy là, sự nhanh nhẩu của Lilama Land đã tạo nên một cuộc tranh chấp, kiện tụng chưa có hồi kết.

Cụ thể là, Lilama Land yêu cầu phía đối tác hoàn lại số tiền đã góp sau khi trừ các chi phí hoạt động của Ban quản lý dự án. Để xác định kinh phí đã đầu tư vào Dự án, hai bên đã phải thuê đơn vị kiểm toán độc lập là Công ty Kiểm toán AISC để kiểm toán chi phí các bên bỏ ra.

Tuy vậy, tình hình không những không giải quyết được, mà lại tiếp tục nảy sinh mâu thuẫn giữa đương sự và công ty kiểm toán. Theo đó, sau khi AISC đưa ra kết quả kiểm toán, thì Công ty Gia Nghi không chấp thuận và khởi kiện AISC ra Tòa án nhân dân quận Thanh Khê (TP Đà Nẵng). Tòa sơ thẩm đã phán quyết Công ty Kiểm toán AISC thua kiện, nhưng Viện Kiểm sát nhân dân quận Thanh Khê lại kháng nghị bản án. Đồng thời, các bên liên quan là Công ty Kiểm toán AISC và Lilama Land cũng kháng án. Do đó, hiện nay vụ việc vẫn chưa ngã ngũ và đang chờ các diễn biến khi đưa ra tòa phúc thẩm.

Mặc dù, đang mắc kẹt tứ bề, nhưng Lilama Land vẫn chèo chống khá tốt và Công ty hiện vẫn có lãi.

Theo báo cáo tài chính của Lilama Land, năm 2013, Công ty đạt lợi nhuận 2,1 tỷ đồng. Trong bối cảnh thị trường bất động sản suy thoái 2 năm qua, nhiều công ty bất động sản lỗ nặng và âm vào vốn chủ sở hữu, thì Lilama Land vẫn có lợi nhuận tích lũy. Theo đó, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của Lilama Land đang ở mức gần 12,7 tỷ đồng.

Tin bài liên quan