Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Liệu chúng ta đi nhanh hơn được không?

(ĐTCK) Đó là một trong những câu hỏi được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đặt ra đầu năm Kỷ Hợi nhằm thúc đẩy các cộng sự cùng tư duy và hành động mạnh mẽ hơn nữa để góp sức nhiều hơn cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.

Động lực từ thể chế, công nghệ và sức sáng tạo

Theo Bộ trưởng, Chiến lược 2035 của Việt Nam đã đặt ra mục tiêu tăng thu nhập bình quân/người lên 10.000 USD vào năm 2035, nhưng chúng ta có quyền xây dựng một cái đích sớm hơn, đạt thu nhập ở mức này vào năm 2030 nếu bước đi nhanh hơn, chứ không bước từng bước một.

Để bước đi nhanh hơn đòi hỏi sự thay đổi rất lớn về nhiều mặt, trong đó thay đổi về thể chế và tư duy phát triển khoa học công nghệ được chọn là hai điểm nhấn quan trọng nhất, tạo động lực phát triển nhanh và bền vững.

Về thể chế, hàng loạt dự án luật quan trọng sẽ được xây dựng và trình Quốc hội vào năm 2019 như dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán…

Cùng với đó, năm 2019 là năm Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ hoàn thiện đề án Luật sửa đổi một số Luật để thực thi Hiệp định CPTPP. Theo kế hoạch, dự án Luật này sẽ được trình Quốc hội vào tháng 5/2019 với tinh thần tháo gỡ những vướng mắc thực tiễn, khơi thông, tạo động lực cho nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ hơn.

Điểm nhấn thứ hai là tư duy phát triển khoa học, công nghệ. Bộ trưởng cho biết, Đề án Chiến lược Quốc gia trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 đang được khẩn trương xây dựng và đây được coi là cơ hội cho Việt Nam rút ngắn khoảng cách, làm bàn đạp để tạo bước phát triển đột phá dựa vào công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Dự kiến tháng 3/2019, dự án thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì sẽ hoàn thành lần thứ nhất. Theo Bộ trưởng, đây là dự án quan trọng nhưng sẽ không sử dụng nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước.

Bộ trưởng cũng tiết lộ việc đã chính thức mời TS. Vũ Duy Thức, nhà sáng lập thành công hàng loạt starup công nghệ ở Thung lũng Silicon hợp tác để kết nối tri thức khoa học, công nghệ tiên tiến vào Việt Nam.

Cuộc cách mạng 4.0 đang thúc đẩy nhiều nền kinh tế chuyển động nhanh hơn, mạnh mẽ hơn và Việt Nam cũng không thể nằm ngoài xu hướng này.

Trong thông điệp đầu năm Kỷ Hợi, Bộ trưởng cho rằng, muốn góp sức cho phát triển đất nước, muốn đột phá thành công, từng con người, từng tổ chức đều phải thay đổi, đều phải làm mới tư duy, mở ra những không gian mới để phát triển. Cùng với đó, phải hành động nhanh hơn, chuyên nghiệp hơn, quyết liệt hơn mới mong nền kinh tế Việt Nam tiếp nối đà tăng trưởng 2018 và tạo nên những bước ngoặt lớn trong tương lai. 

Cần bước nhanh để vượt thoát nguy cơ tụt hậu

Sau 30 năm Đổi mới, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước có thu nhập trung bình với nền kinh tế thị trường năng động. Quy mô và tiềm lực của nền kinh tế không ngừng lớn mạnh với mức tăng gần 39 lần (từ 6,3 tỷ USD năm 1989 lên gần 245 tỷ USD năm 2018).

GDP bình quân đầu người tăng gấp 27,5 lần (từ 94 USD năm 1989 lên 2.587 USD năm 2018). Tốc độ tăng trưởng được duy trì ở mức khá trong thời gian dài, bình quân giai đoạn 1989-2018, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt 6,8%, mức cao trong khu vực ASEAN.

Tuy nhiên, nguy cơ tụt hậu so với thế giới và khu vực vẫn luôn hiện hữu. Nhiều quốc gia đã và đang bước đi nhanh hơn, mạnh hơn chúng ta với mức thu nhập bình quân trên đầu người hơn chúng ta nhiều lần.

Chính vì vậy, những thành tựu nổi bật về kinh tế năm qua là đáng ghi nhận, song không thể chủ quan mà phải luôn sẵn sàng tận dụng mọi cơ hội để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng với quan điểm năm 2019 là năm bứt phá để về đích thành công của kế hoạch 5 năm 2016-2020.

Để năm 2019 xứng đáng là năm bứt phá về đích thành công của kế hoạch 2016-2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang hoàn thiện dự thảo Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán Ngân sách nhà nước năm 2019. Nghị quyết là một văn kiện thể hiện toàn diện các giải pháp cần thực hiện các mục tiêu kế hoạch năm 2019.

Nhận định về cơ hội và thách thức trong năm mới, Bộ trưởng cho rằng, biến động phức tạp của thế giới sẽ tác động tới nền kinh tế có độ mở lớn với vốn đầu tư nước ngoài vẫn chiếm tỷ trọng cao trong nền kinh tế như Việt Nam. Những tiến bộ về công nghệ đã và sẽ làm thay đổi bản chất từ đầu tư, thương mại, tiêu dùng đến con người khiến khâu sản xuất quay trở lại các nước phát triển, làm hạn chế vốn đầu tư…

Trong bối cảnh này, nền kinh tế Việt Nam phải đồng thời duy trì ổn định vĩ mô đi cùng với giữ vững tốc độ tăng trưởng cao liên tục trong thời gian dài. 

Vì vậy, động lực tăng trưởng nhanh và bền vững cần dựa trên nền tảng cải cách thể chế - khâu đầu tiên quan trọng nhất và mang tính quyết định, làm sao nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế và doanh nghiệp.

Tin bài liên quan