Ông Phạm Doãn Sơn, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc LienVietPostBank

Ông Phạm Doãn Sơn, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc LienVietPostBank

LienVietPostBank Khởi đầu chặng đường mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngày cổ phiếu LPB của LienVietPostBank chuyển sang sàn HOSE, sau thời khắc đánh cồng, nhiều khách mời nán lại xem bảng điện tử khớp lệnh rồi tỏ ra tiếc nuối khi thấy các con số trên bảng điện nối đuôi nhau đẩy dần lên cao. Được biết, những người này trước đó bỏ lỡ cơ hội mua cổ phiếu LPB ở mức giá thấp.

Chặng đường không trải hoa hồng

Không phải đến ngày chính thức chuyển sàn, mà khi LienVietPostBank bắt đầu công bố kế hoạch chuyển từ UPCoM sang HOSE, cổ phiếu LPB đã bắt đầu tăng giá.

“Mức tăng tại thời điểm đó chưa cao, nhưng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, kinh tế khó khăn, chưa biết sẽ như thế nào, đổ tiền vào thêm cũng rủi ro”, chị Lan Hương, ở phố Tuệ Tĩnh, Hà Nội, một trong những cổ đông của LienVietPostBank chia sẻ.

Quan ngại của nhà đầu tư không phải không có lý do. Trên nền tảng tăng trưởng mạnh của năm 2019, các tổ chức tín dụng đều lên kế hoạch kinh doanh vượt gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi trong năm 2020. Tuy nhiên, những mục tiêu lớn cùng kỳ vọng vào một năm 2020 “bùng nổ” đã bị “kẻ tội đồ” mang tên Covid-19 bất ngờ xuất hiện nhấn chìm, không chỉ riêng ngành tài chính - ngân hàng, mà cả nền kinh tế khắp thế giới.

LienVietPostBank không ở ngoài tình hình không tiên liệu được này. Cuối năm 2019, Ngân hàng xây dựng kế hoạch lợi nhuận trước thuế 2.200 tỷ đồng cho năm 2020 và mục tiêu này sau đó đã phải điều chỉnh. Bởi lẽ, đại dịch khiến các doanh nghiệp lao đao và LienVietPostBank khẩn trương triển khai các chương trình hỗ trợ, đồng hành cùng khách hàng, chung tay hỗ trợ nền kinh tế.

Niêm yết cổ phiếu trên HOSE, Ngân hàng tiếp tục nâng cao năng lực quản trị điều hành, đảm bảo phát triển hiệu quả, an toàn, bền vững, minh bạch và hướng tới các chuẩn mực quốc tế.

Ông Phạm Doãn Sơn, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc LienVietPostBank

Dịch bệnh cũng khiến cuộc họp Đại hội đồng cổ đông Ngân hàng phải trì hoãn 2 tháng so với mọi năm, với các chỉ tiêu kế hoạch 2020 hầu hết được điều chỉnh giảm so với mức thực hiện năm 2019. Theo đó, Ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận tối thiểu 1.700 tỷ đồng, giảm gần 17% so với năm 2019; huy động vốn chỉ tăng 1,2%, từ 166.100 tỷ đồng lên 168.000 tỷ đồng, trong khi tăng trưởng tín dụng ở mức hơn 10%.

Mục tiêu giảm, nhưng cường độ công việc tại LienVietPostBank không giảm. Nguyễn Linh Cầm, nhân viên truyền thông của Ngân hàng chia sẻ: “Giãn cách xã hội nên nhân viên thay phiên nhau đi làm. Người đi làm phải gồng gánh công việc của người buộc phải nghỉ ở nhà. Nhịp làm việc mới khiến các nhân viên phải tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba cường độ làm việc, nhằm đáp ứng kịp với sự chuyển đổi”.

Tại Đại hội đồng cổ đông cuối tháng 6/2020, ông Phạm Doãn Sơn, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc LienVietPostBank đã phải trấn an các cổ đông. Bên cạnh việc thông báo về tình hình kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2020 vượt 50% kế hoạch, ông Sơn cho biết, lộ trình nâng cấp phòng giao dịch dự kiến sẽ mang lại những lợi ích cho Ngân hàng trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng được cơ quan quản lý ngành ngân hàng khống chế. Mạng lưới rộng sẽ giúp Ngân hàng đẩy mạnh các món cho vay nhỏ lẻ, hay thu được phí qua dịch vụ bảo hiểm…, qua đó đem lại lợi nhuận tốt.

“Cổ đông yên tâm rằng, từ năm tới, tình hình kinh doanh sẽ tốt hơn. Khi mạng lưới và nhân sự ổn định sẽ tính đến chuyện tăng thu từ dịch vụ bảo hiểm. Về thị giá cổ phiếu LPB trên sàn còn thấp, tôi hy vọng giá trị của LPB sẽ tăng, vì giá trị theo sổ sách được đánh giá bởi các tổ chức là trên 14.000 đồng/cổ phiếu”, ông Sơn trả lời chất vấn của cổ đông.

Mọi nỗ lực sẽ được đền đáp

Sau 9 tháng đầu năm 2020, mặc dù dịch bệnh vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt, thậm chí ở nhiều nước trên thế giới còn đang vật lộn với làn sóng Covid-19 thứ hai quay trở lại, nhưng với nỗ lực của toàn hệ thống, Việt Nam đã bước vào giai đoạn bình thường mới. Tất cả đều cố gắng tối đa sức lực để vượt lên khó khăn và ghi nhận những kết quả tốt hơn mong đợi. Nền kinh tế mặc dù tăng trưởng thấp, nhưng vẫn ở mức cao nhất trong khu vực, các doanh nghiệp đang “hồi sinh” nhanh chóng, còn riêng ngành ngân hàng không những vững vàng vượt khó, mà còn bứt tốc về đích sớm hơn dự kiến.

Có nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn mua 4,99% cổ phần mà LienVietPostBank dự kiến bán trong năm 2021.

Đây là một trong những động lực để Tổng giám đốc LienVietPostBank thực hiện cam kết chuyển sàn từ UPCoM sang HOSE trước tháng 12/2020.

Được biết, trước khi chuyển sang HOSE, mã LPB là một trong những cổ phiếu có khối lượng giao dịch lớn trên thị trường UPCoM, bình quân trong 3 tháng trước ngày chuyển sàn đạt khoảng 8 triệu cổ phiếu/phiên, có phiên giao dịch lên tới hơn 33 triệu cổ phiếu, đứng số 1 thị trường về khối lượng giao dịch. Điều này thể hiện rõ sức hấp dẫn của cổ phiếu LPB đối với các nhà đầu tư và cũng là xu hướng tất yếu của thị trường để đưa cổ phiếu tiệm cận với giá trị thực trước khi chính thức niêm yết trên HOSE.

Chia sẻ về câu chuyện chuyển sàn, ông Sơn cho biết, mục tiêu lớn nhất của Ngân hàng khi niêm yết cổ phiếu trên HOSE là nhằm công khai, minh bạch hơn nữa thông tin của Ngân hàng trước cổ đông và nhà đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho cổ đông. Việc LienVietPostBank là ngân hàng đầu tiên được chấp thuận niêm yết cổ phiếu trên HOSE trong năm 2020 cho thấy Ngân hàng đã đáp ứng được các yêu cầu nghiêm ngặt của các cơ quan quản lý về quản trị, điều hành ngân hàng.

“Khi niêm yết cổ phiếu trên HOSE, Ngân hàng sẽ tiếp tục nâng cao năng lực quản trị điều hành, đảm bảo phát triển hiệu quả, an toàn, bền vững, minh bạch và hướng tới các chuẩn mực quốc tế”, ông Sơn nhấn mạnh.

Cổ phiếu LPB đã có phiên chào sàn HOSE khởi sắc và giao dịch sôi động khi đứng ở vị trí thứ 5 cổ phiếu có thanh khoản tốt nhất toàn thị trường. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 9/11/2020, mã LPB đứng tại mức giá 12.350 đồng/cổ phiếu, tăng 4,66% so với giá tham chiếu (11.800 đồng/cổ phiếu), khối lượng khớp lệnh đạt hơn 11,6 triệu đơn vị.

Dù chủ động gọi điện thoại hỏi thăm các khách mời vào cuối ngày chuyển sàn, nhưng vị tổng giám đốc không nói được nhiều bởi: “Anh cùng các cán bộ, nhân viên đang chia sẻ niềm vui. Hôm nay chỉ là bước khởi đầu cho một chặng đường mới của LienVietPostBank. Hẹn gặp lại tại Hà Nội”.

Thực tế cho thấy, việc chuyển sang sàn HOSE với tiêu chuẩn niêm yết cao, tập trung nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn, thanh khoản cao hơn… đã giúp nâng tầm thương hiệu và giá trị của LienVietPostBank, thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư quốc tế. Theo đó, nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn mua 4,99% vốn Ngân hàng dự kiến bán cho khối ngoại trong năm 2021. “Tuy nhiên, Ban lãnh đạo vẫn đang lựa chọn nhà đầu tư phù hợp”, ông Sơn nói.

Tổng giám đốc LienVietPostBank tự tin chia sẻ: “Với kết quả kinh doanh khả quan trong những năm qua, đặc biệt là trong năm 2020 và chiến lược phát triển bài bản trong thời gian tới, giá trị cổ phiếu LPB sẽ còn tăng và luôn có cơ hội cho các nhà đầu tư”.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2020 của LienVietPostBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế năm 2020 đạt 2.426 tỷ đồng. Hầu hết các mảng kinh doanh của Ngân hàng có kết quả khả quan trong năm vừa qua. Trong đó, thu nhập lãi thuần tăng 10,9%, đạt 6.720 tỷ đồng; lãi từ hoạt động dịch vụ tăng 59%, đạt 627 tỷ đồng; lãi từ hoạt động mua bán chứng khoán đạt 171 tỷ đồng, trong khi năm 2019 lỗ 50 tỷ đồng; lãi từ hoạt động khác tăng 5 lần, đạt 190 tỷ đồng. Riêng hoạt động kinh doanh ngoại hối giảm 3,1% khi mức lãi là 62 tỷ đồng.

Tổng thu nhập hoạt động của Ngân hàng đạt 7.770 tỷ đồng, tăng 19,4%, dù chi phí hoạt động tăng 15,2% lên 4.645 tỷ đồng, chi phí dự phòng rủi ro tăng 60,6% lên 2.426 tỷ đồng.

Tổng tài sản của LienVietPostBank tăng 20% trong năm 2020, lên 242.343 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng tăng 25,7% lên 176.621 tỷ đồng; tiền gửi khách hàng tăng 27,5% lên 174.526 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay giảm từ 1,44% xuống 1,43%.

Tin bài liên quan