Liên tục thoái vốn, bán cổ phần: Nhiều ngân hàng sắp ghi nhận lãi khủng

0:00 / 0:00
0:00
Nhiều ngân hàng có thể đạt mức lãi kỷ lục vào nửa cuối năm nay, nhờ “game” thoái vốn, bán cổ phần, đàm phán hợp đồng bảo hiểm độc quyền…
VPBank sắp nhận về khoảng 27.000 tỷ đồng thu nhập từ thương vụ bán FE Credit cho nhà đầu tư Nhật Bản.

VPBank sắp nhận về khoảng 27.000 tỷ đồng thu nhập từ thương vụ bán FE Credit cho nhà đầu tư Nhật Bản.

M&A giúp lợi nhuận nhiều ngân hàng tăng kỷ lục

Ghi nhận nguồn thu nhập bất thường “khủng” nhất năm nay là VPBank. Dự kiến, ngay trong tháng 9/2021 này, đối tác Nhật sẽ thanh toán 90% giá trị thương vụ mua 49% cổ phần FE Credit (gần 1,4 tỷ USD) cho ngân hàng. Nghĩa là, VPBank sắp nhận về khoảng 27.000 tỷ đồng thu nhập bất thường, khiến lợi nhuận nửa cuối năm “nhảy số” cao đột ngột.

Chưa hết, hiện lãnh đạo VPBank đang đàm phán bán 15% cổ phần ngân hàng mẹ với đối tác chiến lược nước ngoài và cũng không loại trừ khả năng hoàn tất ngay trong quý IV/2021. Tuy nhiên, ngay cả khi thương vụ này phải kéo dài sang năm 2022, thì chắc chắn, vị thế quán quân lợi nhuận toàn hệ thống năm nay đã nằm chắc trong tay VPBank.

Trong khi đó, theo nguồn tin của Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect, VietinBank đang trong quá trình thoái vốn, giảm tỷ lệ sở hữu tại 3 công ty con. Cụ thể, VietinBank đang hoàn tất các văn kiện giao dịch chuyển nhượng vốn tại VietinBank Leasing cho đối tác nước ngoài và đang trình Ngân hàng Nhà nước cùng các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đối với Công ty chứng khoán VietinBankSc, VietinBank cũng đang xem xét có lộ trình giảm tỷ lệ sở hữu từ mức nắm giữ hiện tại (75,6%) xuống mức 50%, đồng thời tìm kiếm các đối tác tham gia góp vốn để mở rộng hoạt động của VietinBankSC. Ngoài ra, Công ty quản lý quỹ VietinBank Capital đã hoàn trả một phần vốn góp cho VietinBank và dự kiến đến cuối năm 2021 sẽ hoàn tất việc hoàn trả một phần vốn điều lệ của VietinBank Capital về VietinBank.

Hoàn tất thoái vốn tại 3 công ty con này, VietinBank sẽ ghi nhận thêm hàng ngàn tỷ đồng lợi nhuận ngay trong năm nay.

Một ngân hàng nữa cũng dự kiến ghi nhận nguồn lợi nhuận bất thường lớn là SHB. Mới đây, SHB đã thỏa thuận bán 100% vốn SHB Finance cho Krungsri, một đại gia tài chính Thái Lan với giá 5,1 tỷ baht (3.600 tỷ đồng). Theo thỏa thuận, SHB sẽ chuyển nhượng 50% vốn đợt đầu và nhận về hơn 1.500 tỷ đồng, 50% vốn và khoản thanh toán còn lại sẽ tiến hành trong 3 năm tiếp theo. Chưa kể, SHB cũng đang tiến hành chào bán cổ phần nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Trong tháng 8/2021, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có văn bản chấp thuận cho SHB tạm khóa tỷ lệ sở hữu nước ngoài ở mức 10% để thực hiện mục đích này.

Thêm những cú bắt tay ngàn tỷ

Bên cạnh thoái vốn, bán cổ phần, nửa cuối năm nay, thu nhập nhiều ngân hàng cũng sẽ vọt tăng nhờ những cú bắt tay với bảo hiểm đã triển khai hoặc đang trên bàn đàm phán.

Đơn cử, VietinBank đang hoàn tất thương vụ ký kết hợp đồng phân phối bảo hiểm với Manulife. Nếu hoàn tất sớm, cuối năm nay, ngân hàng sẽ ghi nhận thêm khoản phí trả trước lớn từ thương vụ bắt tay bạc tỷ này. Theo dự đoán của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC), nửa cuối năm 2021, tổng thu nhập ngoài lãi của VietinBank sẽ đạt 5.200 tỷ đồng, tăng tới 68% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu nhờ được phân bổ khoản phí bảo hiểm trả trước theo hợp đồng nói trên.

Trước đó, trong quý II/2021, MSB có mức tăng trưởng lợi nhuận từ dịch vụ tăng vọt tới 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái sau cú bắt tay độc quyền với bảo hiểm Prudential tháng 3/2021.

Các thương vụ hợp tác độc quyền bán bảo hiểm đang đàm phán cũng sẽ giúp lợi nhuận nhiều ngân hàng phình to cuối năm nay hoặc sang năm 2022.

Chẳng hạn HDBank đang trong quá trình tái đàm phán thỏa thuận bán bảo hiểm với Dai-ichi Life. VPBank và Techcombank cũng đang tái đàm phán với đối tác do hợp đồng cũ sắp hết hiệu lực.

Theo dự đoán của Chứng khoán Yuanta, các ngân hàng này sẽ tái đàm phán với đối tác để ghi nhận khoản phí trả trước cao hơn, có thể tương đương những thỏa thuận gần đây của các ngân hàng.

VPBank có thể tái đàm phán hợp đồng bán bảo hiểm độc quyền với khoản phí 8.000 tỷ đồng, trong khi phí trả trước tại hợp đồng cũ chỉ là 1.800 tỷ đồng. Tương tự, HDBank có thể đạt được khoản phí trả trước mới vào khoảng 7.000 tỷ đồng.

Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng khó khăn, biên lãi ròng (NIM) giảm, sự tăng trưởng của mảng dịch vụ (đặc biệt là bảo hiểm) sẽ làm nên sự khác biệt lợi nhuận ngân hàng năm nay. Theo các chuyên gia, dù ảnh hưởng bởi dịch bệnh, song với việc đa dạng hóa nguồn thu, tăng nguồn thu ngoài lãi, lợi nhuận ngân hàng năm nay vẫn sẽ khả quan.

Các ngân hàng ngày càng đa dạng hóa nguồn thu, tỷ trọng hoạt động phi tín dụng trên tổng thu nhập hoạt động của các ngân hàng thương mại ngày càng tăng là dấu hiệu tích cực, giảm tác động tiêu cực của Covid-19 tới kết quả kinh doanh. Dịch vụ hợp tác phân phối bảo hiểm (độc quyền hoặc không độc quyền) mà các ngân hàng đang triển khai là minh chứng rõ nét.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính

Tin bài liên quan