Liên tiếp những kế hoạch thâu tóm công ty tài chính lộ diện

Liên tiếp những kế hoạch thâu tóm công ty tài chính lộ diện

Sau thương vụ HDBank tiên phong thâu tóm Công ty tài chính Société Générale cuối năm 2013, gần đây, liên tiếp nhiều ngân hàng cũng công bố kế hoạch thâu tóm công ty tài chính. Những cái tên đầu tiên đã được hé lộ. Đằng sau những thương vụ này là tham vọng và cuộc đua giành thị phần của các ngân hàng.

Maritime Bank sẽ sáp nhập Công ty Tài chính Dệt may?

Năm 2013, HDBank chính thức mua lại công ty tài chính 100% vốn nước ngoài là Société Générale (SGVF). Sau thương vụ ngân hàng thâu tóm công ty tài chính đầu tiên này, năm 2014, nhiều ngân hàng cũng công bố kế hoạch sáp nhập công ty tài chính, hoặc thành lập công ty tín dụng tiêu dùng. Đơn cử như SHB, Maritime Bank, Vietcombank.

Theo lãnh đạo SHB, việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thúc đẩy triển khai tái cơ cấu đối với các công ty tài chính là cơ hội vàng để SHB sáp nhập công ty tài chính, nhằm phát triển lĩnh vực cho vay tiêu dùng.

Hiện cả nước có 18 công ty tài chính, chưa rõ công ty nào sẽ là đối tác sáp nhập vào SHB, song ông Nguyễn Văn Lê, Tổng giám đốc SHB cho biết, đó là một công ty tài chính nhỏ nhưng lành mạnh, không có nợ xấu.

Nguồn tin của phóng viên Báo Đầu tư cho hay, thương vụ đang được hai bên đàm phán và đã đạt được sự nhất trí cao từ các cổ đông chính và rất có thể sẽ được tiến hành ngay trong năm 2014. 

Tương tự SHB, Maritime Bank cũng đã được cổ đông nhất trí ủy quyền để thành lập hoặc mua lại công ty con, công ty liên kết. Ông Đào Trọng Khanh, Phó chủ tịch HĐQT Maritime Bank cho biết, việc này sẽ tạo điều kiện cho Martime Bank thành lập, hoặc mua lại công ty tài chính để phát triển mảng cho vay tiêu dùng một cách chuyên biệt.

Maritime Bank chưa công bố sẽ thành lập hay sáp nhập một công ty tài chính hiện có, nhưng theo nguồn tin của Báo Đầu tư, nhiều khả năng Maritime Bank sẽ sáp nhập Công ty Tài chính Dệt may (Tập đoàn Dệt may Việt Nam - Vinatex).

Song khả năng này vẫn còn bỏ ngỏ. Bởi theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinatex, nhiều khả năng đến năm 2014, Tập đoàn sẽ hoàn thành thoái vốn. Trong khi đó, trả lời phóng viên Báo Đầu tư, đại diện Maritime Bank cho hay, trước mắt, Ngân hàng sẽ xúc tiến sáp nhập Ngân hàng TMCP Mê Kông (MDB), còn việc thành lập hay sáp nhập công ty tài chính sẽ phải “từ từ”.

Lập tập đoàn hay tranh giành miếng bánh tín dụng tiêu dùng?

Tuy nhiên, lý do chính khiến các ngân hàng đua thâu tóm công ty tài chính, công ty tín dụng tiêu dùng chuyên biệt là để tranh giành miếng bánh thị phần cho vay tiêu dùng đang còn nhiều dư địa phát triển. Hiện rất nhiều công ty tài chính đang khai thác rất tốt thị trường béo bở này. Đơn cử, năm 2013, Công ty Tài chính PPF đã tăng trưởng tín dụng tới 84%, lợi nhuận đạt 16 triệu EUR, vượt xa kỳ vọng đề ra là 11 triệu EUR. Năm 2014, công ty này đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 80%, lượng khách hàng tăng 50%.

Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT SHB khẳng định, cho vay tiêu dùng là mảng kinh doanh có hiệu quả mà SHB đang dự định đẩy mạnh. “Đề án phát triển ngân hàng bán lẻ đến năm 2015 của SHB đang được giao Ban điều hành xây dựng. Theo đó, một trong những hướng phát triển của SHB là phát triển ngân hàng cho vay tiêu dùng”, ông Hiển nói.

Trên thực tế, lâu nay, các ngân hàng vẫn đang triển khai cho vay tiêu dùng, song do điều kiện cho vay của các ngân hàng rất khắt khe, nên khó đẩy mạnh. Trong khi đó, với cơ chế cho vay khá thoáng, các công ty tài chính dễ dàng tăng trưởng cho vay tiêu dùng với lãi suất cho vay có thể cao gấp 4-5 lần lãi suất ngân hàng, hứa hẹn đem lại lợi nhuận không nhỏ cho ngân hàng mẹ.

Tin bài liên quan