Theo Bộ Nội vụ, để bảo đảm sự thống nhất, liên thông giữa các quy định của Đảng và quy định của các luật và văn pháp quy phạm pháp luật do Bộ Nội vụ đang chủ trì xây dựng thì cần thiết kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung các quy định trên bảo đảm thống nhất, thông suốt trong quá trình thực hiện.
Theo đó, Bộ Nội vụ kiến nghị cấp có thẩm quyền cần sửa đổi một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Cán bộ, công chức năm 2008, Luật Viên chức năm 2010 cho phù hợp với các quy định của Đảng hiện nay như Nghị quyết 26-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 (khoá XII) về công tác cán bộ, Nghị quyết số 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng và hiệu quả các đơn vị sự nghiệp công lập, Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, các quy định, kết luận của Bộ Chính trị về công tác quản lý, xử lý cán bộ, công chức hiện nay.
Ngoài những đề xuất sửa đổi, bổ sung liên quan đến lĩnh vực tổ chức, bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức, Bộ Nội vụ đề xuất nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung một số nội dung khác như:
Xây dựng và hoàn thiện hệ thống vị trí việc làm; xây dựng phân loại chức vụ tương đương trong hệ thống chính trị làm căn cứ xây dựng bảng lương mới; nghiên cứu xây dựng quy định tiêu chuẩn lãnh đạo, quản lý phải có chứng chỉ quản lý Nhà nước ngạch chuyên viên cao cấp, chuyên viên chính; thống nhất khái niệm “cán bộ”, “biên chế” trong các quy định của Đảng và quy định của pháp luật; đề nghị xây dựng cơ sở dữ liệu về cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị, trong đó có số liệu về tiền lương…
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung trên sẽ thực hiện theo hướng đẩy mạnh phân cấp và xác định nhiệm vụ của các cơ quan Trung ương.
Các cơ quan Trung ương tập trung vào nhiệm vụ xây dựng thể chế, chiến lược phát triển và hướng dẫn thực hiện, kiểm tra, giám sát. Xác định được nhiệm vụ của các cấp chính quyền địa phương bảo đảm thực hiện nhiệm vụ không trùng lắp giữa các cấp chính quyền.
Việc sửa đổi, thay thế Nghị định số 24/NĐ-CP và Nghị định số 37/NĐ-CP quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện theo hướng chỉ quy định khung, bảo đảm linh hoạt, chủ động, về cơ cấu tổ chức do chính quyền địa phương quyết định.
Liên quan đến vấn đề cán bộ, công chức, cần phải nghiên cứu, xác định rõ những người là cán bộ, là công chức; nghiên cứu vấn đề liên thông công chức, liên thông giữa cấp xã với cấp huyện, liên thông giữa khối Đảng với chính quyền.
Theo Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính, báo cáo của Bộ Nội vụ đã nêu lên 29 vấn đề cần thống nhất, liên thông, bổ sung, sửa đổi cho phù hợp. Trong đó, có 7 vấn đề liên quan đến tổ chức, 22 vấn đề liên quan đến công chức, viên chức.
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho rằng ngoài những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc khi thực hiện cần được nghiên cứu, có lộ trình thực hiện, thì những vấn đề đã chín muồi, đã rõ ràng thì mạnh dạn làm, cái nào vướng thì nghiên cứu, kiến nghị sửa đổi, bổ sung.
Cần có sự liên thông công tác tổ chức, cán bộ từ Trung ương đến cơ sở, giữa các bộ ngành Trung ương cần tương đồng để khi điều chuyển cán bộ dễ dàng, không có sự khác biệt về cơ chế, chính sách giữa đội ngũ công chức.
Chúng ta vừa làm vừa hoàn thiện, bổ sung, không quá nóng vội cũng như cầu toàn trong công tác này. Có thể phân cấp nhưng tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh, những vấn đề khác có thể thực hiện thí điểm.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đánh giá cao sự chuẩn bị của Bộ Nội vụ đối với các vấn đề được thảo luận tại cuộc họp này.
Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan hoàn thiện các đề án, chuẩn bị chu đáo các dự luật cần sửa đổi về tổ chức bộ máy, công chức, viên chức, bổ sung trình cấp có thẩm quyền theo đúng kế hoạch, bảo đảm chất lượng, tiến độ đề ra.
Đề cập đến vấn đề phân cấp, phân quyền hiện nay, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cho rằng đã phân cấp thì phải phân quyền, xác định rõ chế độ trách nhiệm theo các nghị quyết của Đảng, để bảo đảm xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời, bảo đảm sự liên thông công tác cán bộ của bộ máy Nhà nước trong hệ thống chính trị.
Đồng thời, đẩy mạnh phân cấp đi kèm với đó là chế độ kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Nghiên cứu thực hiện cơ chế, chính sách liên thông, bình đẳng, nhất quán trong hệ thống chính trị; liên thông giữa cán bộ, công chức cấp xã với cán bộ, công chức nói chung.
Phó Thủ tướng cũng nhất trí với đề xuất thành lập cơ quan liên vùng, liên huyện không phụ thuộc vào địa giới hành chính như cơ quan thuế, hải quan, thị trường, cơ quan tư pháp.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nêu một số đề nghị Bộ Nội vụ rà soát, bảo đảm đồng bộ với Luật về Hội trong công tác cán bộ, công chức tại các hội. Nghiên cứu, luật hóa cụ thể bảo đảm tương ứng với quy định của Đảng về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức về hưu. Nghiên cứu chế độ chuyên gia, các chức danh trợ lý, thư ký cho phù hợp thực tiễn.
Vấn đề trọng dụng và thu hút nhân tài phải xuất phát từ nhu cầu thực tế, đáp ứng yêu cầu về điều kiện tiêu chuẩn, nhưng phải có sản phẩm cụ thể, bố trí đúng sở trường, năng lực, đúng vị trí công tác.
Nghiên cứu sửa đổi chế độ hợp đồng đã quy định tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP theo hướng sử dụng các dịch vụ sự nghiệp công để phục vụ hoạt động quản lý Nhà nước, bảo đảm không ký hợp đồng tràn lan rồi lại hủy bỏ như một số địa phương đã thực hiện gần đây, cần có lộ trình cắt giảm thận trọng, có chế độ, chính sách phù hợp trong quá trình giải quyết.