Các ngân hàng bao gồm Bank of China (Hồng Kông), Citi, Crédit Agricole CIB, HSBC, và Standard Chartered, với tổng tài sản trị giá trên 7 nghìn tỷ USD, đã trở thành những thành viên cốt lõi của Liên minh các Ngân hàng Thương mại Xanh (Liên minh).
Đây là một sáng kiến của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới và là tổ chức phát triển toàn cầu lớn nhất tập trung hỗ trợ khu vực tư nhân ở các nền kinh tế mới nổi. Phân nhóm khu vực Châu Á của Liên minh được ra mắt năm 2020 bởi IFC cùng Cơ quan Tiền tệ Hồng Kông (HKMA), thành viên sáng lập của phân nhóm và là thành viên khu vực đầu tiên của Liên minh.
Liên minh tập hợp các tổ chức nghiên cứu, định chế tài chính, và các nhà cung cấp công nghệ đổi mới sáng tạo để xây dựng một cộng đồng xanh ở các thị trường mới nổi để cùng tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng và các giải pháp kinh doanh cần thiết để thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.
Năm thành viên cốt lõi của Liên minh là những tổ chức đi đầu trong lĩnh vực tài chính xanh và đã đạt được những kết quả quan trọng theo đúng các mục tiêu của Liên minh. Những ngân hàng này sẽ phối hợp chặt chẽ với IFC và HKMA để vận động khách hàng thích ứng với các chiến lược xanh, thúc đẩy áp dụng thông lệ tốt nhất về sản phẩm và dịch vụ xanh, và mở ra các cơ hội kinh doanh mới, tạo điều kiện cho quá trình chuyển đổi xanh của các nền kinh tế.
Liên minh cũng sử dụng nguồn lực của mình để giúp các định chế tài chính trong quá trình chuyển đổi xanh với sự hỗ trợ của nhiều đối tác quan trọng. Đến nay, ba đối tác toàn cầu - Quỹ Carbon, Học viện các Vấn đề Công và Môi trường, và Chi cục Tài nguyên và Môi trường trực thuộc Học viện Tiêu chuẩn hóa Quốc gia Trung Quốc - và một đối tác tri thức, Đại học Chicago, đã cam kết đóng góp chuyên môn trong tất cả các khía cạnh, từ đổi mới và tiêu chuẩn hóa đến các quan điểm học thuật.
Ngoài ra, Liên minh đã công bố tài liệu nghiên cứu đầu tiên, với tựa đề “Rủi ro Khí hậu: Định nghĩa, Đo lường, Thông lệ hiện tại và Giám sát của Cơ quan Quản lý”, với sự phối hợp của Viện Nghiên cứu Tài chính và Tiền tệ Hồng Kông, bộ phận nghiên cứu của Học viện Tài chính Hồng Kông. Trong khuôn khổ nỗ lực chia sẻ kiến thức của Liên minh, tài liệu này có mục tiêu trở thành tài liệu nền tảng về rủi ro khí hậu và có ảnh hưởng rộng rãi đối với ngành dịch vụ tài chính dành cho đối tượng không chuyên về kỹ thuật ở châu Á và toàn cầu. Tài liệu cung cấp tổng quan về các định nghĩa và đo lường rủi ro khí hậu, cũng như xem xét các thông lệ đang ngày càng phổ biến trong giải quyết rủi ro khí hậu, và nêu bật các sáng kiến luật pháp liên quan đến các vấn đề khí hậu.
Tài liệu này sẽ được đăng tải trên website của Liên minh, ra mắt chính thức ngày 07/06/2022. Website sẽ đóng vai trò là kho lưu trữ nguồn tài liệu về tài chính xanh, như các sự kiện nâng cao năng lực của Liên minh, các tài liệu nghiên cứu, và tin tức mới nhất về tài chính xanh, cùng các nguồn tài liệu khác.
“Chúng tôi rất vui mừng chào đón 5 định chế tài chính hàng đầu thế giới tham gia Liên minh các Ngân hàng Thương mại Xanh,” ông Alfonso Garcia Mora, Phó chủ tịch phụ trách Khu vực Châu Á và Thái Bình Dương của IFC cho biết.
Cũng theo ông Alfonso Garcia Mora, châu Á là khu vực phát thải khí nhà kính nhiều nhất trên thế giới, do đó việc giải phóng tiềm năng đầu tư thông minh với khí hậu của khu vực có ý nghĩa rất quan trọng trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Với dòng vốn khổng lồ từ các nhà đầu tư đổ vào cả các tập đoàn lớn lẫn các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa ở châu Á, cùng với việc những doanh nghiệp này đều có nhận thức tốt hơn về sự cần thiết phải góp phần vào quá trình chuyển đổi xanh, tài chính xanh sẽ có vai trò to lớn đối với phát triển kinh tế bền vững của khu vực trong tương lai.
“HKMA cam kết đưa đặc khu hành chính Hồng Kông trở thành trung tâm đi đầu toàn cầu về tài chính xanh,” ông Eddie Yue, Giám đốc Điều hành HKMA, phát biểu.
Việc nâng cao năng lực cho các ngân hàng thương mại và các định chế tài chính khác ở châu Á, theo ông Eddie Yue, sẽ giúp mở rộng quy mô các thị trường tài chính xanh và nâng cao khả năng chống chịu rủi ro của khu vực này.
"Năm thành viên cốt lõi cũng có chung tầm nhìn với chúng tôi về việc thúc đẩy tăng trưởng của khu vực theo hướng bền vững hơn và có khả năng chống chịu tốt hơn, và chúng tôi rất vui mừng được phối hợp với các thành viên trong nỗ lực chung nhằm giải quyết các rủi ro về khí hậu và môi trường", ông Eddie Yue cho biết.
Theo nghiên cứu của IFC, các thành phố ở các thị trường mới nổi ở Đông Á và Thái Bình Dương có tiềm năng thu hút 18 nghìn tỷ USD đầu tư liên quan đến khí hậu vào năm 2030, từ công trình xanh, năng lượng tái tạo, các phương tiện giao thông sử dụng điện, đến giao thông công cộng.