Hội nghị kết nối kinh tế Việt Nam - Singapore lần thứ 15 là dịp để hai bên thông báo và trao đổi về các kết quả đạt được kể từ Hội nghị lần thứ 14 tổ chức tại Singapore vào tháng 03/2019, trao đổi nhiều nội dung nhằm tăng cường hợp tác trong khuôn khổ các lĩnh vực kết nối; nghiên cứu, đưa ra các nội dung, biện pháp hợp tác cụ thể mới, nhằm giúp hai nước đạt được các mục tiêu, vượt qua khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra, thích ứng với tình trạng bình thường mới; thúc đẩy phục hồi kinh tế mỗi nước, nắm bắt cơ hội được tạo ra trong quá trình cơ cấu lại chuỗi cung ứng toàn cầu; sẵn sàng đối phó với các thách thức trong tương lai.
Liên kết kinh tế vẫn là điểm sáng trong quan hệ song phương
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cảm ơn sự hỗ trợ quý báu của Singapore đã dành cho Việt Nam thông qua việc hỗ trợ kịp thời trang thiết bị, vật tư y tế cho Việt Nam trong cuộc chiến chống Covid-19. “Đây là biểu hiện sinh động cho mối quan hệ hữu nghị, gắn bó Đối tác chiến lược giữa hai nước chúng ta”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trong bối cảnh nền kinh tế hai nước gặp nhiều thách thức lớn bởi đại dịch Covid-19 kể từ đầu năm 2020, tuy nhiên liên kết kinh tế vẫn là điểm sáng trong quan hệ song phương.
Quan hệ hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Singapore đã có chuyển biến tích cực, 10 tháng đầu năm 2021 tổng kim ngạch xuất khẩu giữa hai nước đạt 6,6 tỷ USD, tăng hơn gần 21% so với cùng kỳ năm 2020. Đặc biệt về đầu tư, Singapore hiện có hơn 2.700 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn 63 tỷ USD. Trong 10 tháng đầu năm 2021, tổng vốn đầu tư đăng ký của Singapore vào Việt Nam đạt 6,76 tỷ USD, đứng đầu các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã đầu tư vào Singapore đạt hơn 100 dự án với tổng vốn gần 350 triệu USD.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, liên kết kinh tế vẫn là điểm sáng trong quan hệ song phương Việt Nam - Singapore |
Mặc dù bối cảnh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng hợp tác kết nối về tài chính, giáo dục - đào tạo… giữa hai nước vẫn được duy trì. Trên bình diện đa phương, Việt Nam và Singapore đã và đang hợp tác tốt đẹp trong khuôn khổ ASEAN cũng như các diễn đàn khu vực và quốc tế.
Đồng tình với Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Tan See Leng cho biết, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến hầu hết mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, doanh nghiệp Singapore vẫn đánh giá, Việt Nam là một điểm đến đầu tư hấp dẫn và thú vị, nhất là trong các ngành tài chính - bảo hiểm, chế biến, chế tạo, bán lẻ… “Đây là minh chứng cho thấy niềm tin của doanh nghiệp Singapore đối với Việt Nam”, ông Tan See Leng nhấn mạnh.
Đổi mới sáng tạo là lĩnh vực tiềm năng mới
Trao đổi về các lĩnh vực tiềm năng cần đẩy mạnh hợp tác trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, trong bối cảnh mới, Việt Nam và Singapore cần tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực tăng trưởng mới như đổi mới sáng tạo, kết nối phát triển bền vững, chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực, qua đó thúc đẩy thương mại phát triển hiệu quả theo hướng cân bằng hơn.
Cùng chung nhận định, Bộ trưởng Tan See Leng khẳng định, Việt Nam và Singapore còn nhiều tiềm năng để có thể tăng cường hơn nữa mối quan hệ kinh tế song phương. “Tôi mong muốn hợp tác cùng với Bộ trưởng Dũng đẩy mạnh hơn nữa khung khổ về kết nối kinh tế Việt Nam - Singapore”, ông nói.
Theo Bộ trưởng Tan See Leng, Việt Nam và Singapore còn nhiều tiềm năng để có thể tăng cường hơn nữa mối quan hệ kinh tế song phương |
Trình bày một số nội dung hợp tác trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo tiềm năng giữa hai nước, ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia đề xuất 5 vấn đề chính.
Thứ nhất là hợp tác về đào tạo, nâng cao năng lực về đổi mới sáng tạo và đầu tư khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hỗ trợ học bổng cho các sinh viên ưu tú của Việt Nam sang học tập tại các trường đại học hàng đầu của Singapore liên quan đến lĩnh vực công nghệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Thứ hai, kết nối và phối hợp với các đối tác Singapore thúc đẩy cơ hội hợp tác nhằm chia sẻ kiến thức, hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo tiếp cận các nguồn lực tài chính, khoa học công nghệ, tư vấn, thông tin thị trường, không gian làm việc và các lĩnh vực khác cần thiết cho hoạt động đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp.
Thứ ba, kết nối, giới thiệu các đối tác về đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ đặc biệt là các trung tâm đổi mới sáng tạo lớn của Singapore để thực hiện hợp tác hoạt động đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.
Thứ tư, phối hợp nghiên cứu và triển khai các dự án về đô thị thông minh và sản xuất thông minh tại một số địa phương của Việt Nam.
Thứ năm, thiết lập một tổ công tác gồm đại diện các cơ quan liên quan đổi mới sáng tạo của hai bên để thúc đấy đổi mới sáng tạo và hợp tác giữa hai bên.
Gợi mở thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, hai bên có thể thông qua hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Singapore để kết nối các quỹ đầu tư mạo hiểm; tạo cơ hội cho các start-up của nhau của cả hai nước cùng nhau liên kết, nghiên cứu, thương mại hóa các sản phẩm công nghệ; đào tạo nguồn nhân lực cho đổi mới sáng tạo; tham gia các hoạt động, sự kiện, triển lãm công nghệ hai bên tổ chức…
Nhất trí với các nội dung trao đổi tại hội nghị, hai Bộ trưởng khẳng định, sau hội nghị này, các bộ ngành liên quan của hai nước sẽ nỗ lực phối hợp triển khai, thực hiện các sáng kiến mới trong khuôn khổ Hiệp định kết nối; khuyến khích các doanh nghiệp Singapore tăng cường đầu tư vào Việt Nam, tiếp tục hợp tác trên nhiều lĩnh vực để thắt chặt hơn nữa quan hệ kinh tế giữa hai nước, đóng góp phát triển quan hệ “Đối tác Chiến lược” giữa Việt Nam và Singapore.