Cũng cần phải nhắc lại rằng, đây không phải là lần đầu tiên việc liên kết giữa doanh nghiệp FDI - nội địa được nói tới. Vấn đề này vốn được đề cập như là một trong những tồn tại của Việt Nam sau 25 năm thu hút FDI.
Thiếu liên kết, khu vực FDI chưa thực sự tạo được sức lan tỏa tới kinh tế - xã hội Việt Nam. Và thiếu liên kết, thì bài toán win - win giữa lợi ích quốc gia và lợi ích nhà đầu tư khó tìm được điểm cân bằng.
Chỉ lấy một ví dụ: năm ngoái, Samsung Electronics Việt Nam (SEV) đã đạt giá trị gia tăng 7,6 tỷ USD, một con số mà không một nhà đầu tư nước ngoài nào có được cho đến thời điểm hiện nay. Đây là kết quả cho sự nỗ lực của tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc này trong việc phát triển các doanh nghiệp vệ tinh. Nhưng để nhìn lại, có thể thấy, trong khoảng gần 60 nhà cung cấp cho SEV, chỉ có 4 doanh nghiệp trong nước, với sản phẩm chính là bao bì, hộp xốp, giá trị không cao.
7,6 tỷ USD và chắc chắn còn cao hơn nhiều trong thời gian tới, chỉ cần có thể tham gia 20-30% chuỗi giá trị gia tăng này của Samsung, nhiều doanh nghiệp sẽ không phải đóng cửa, ngừng hoạt động, thậm chí sống khỏe với nguồn thu ngoại tệ lên tới hàng tỷ USD.
Một kết quả khảo sát mới đây của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản cho thấy, tỷ lệ nội địa hóa của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam hiện ở mức 32,2%. Nhưng câu chuyện vẫn tương tự: phần lớn các nguyên vật liệu mua được từ Việt Nam không phải do doanh nghiệp Việt cung cấp - điều các nhà đầu tư Nhật Bản hằng mong muốn để tiết giảm chi phí, mà vẫn là của doanh nghiệp nước ngoài.
Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam, nếu biết cách tham gia chuỗi sản xuất này, thì không chỉ bản thân họ được lợi, nền kinh tế Việt Nam được lợi, mà cả nhà đầu tư nước ngoài cũng có thể có được lợi nhuận lớn hơn.
Câu hỏi đã rất cũ, nhưng vẫn còn nguyên tính thời sự: bao giờ Việt Nam có thể thực sự tham gia chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu của các nhà đầu tư nước ngoài? Bao giờ doanh nghiệp Việt đủ lớn để có thể cạnh tranh, thậm chí chỉ là để trở thành đối tác và bạn hàng của nhà đầu tư nước ngoài?...
3 tháng đầu năm nay, khu vực FDI tiếp tục có đóng góp lớn cho xuất nhập khẩu của cả nước. Cụ thể, xuất khẩu của khu vực này (kể cả dầu thô) ước đạt 22,47 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ. Như vậy, doanh nghiệp FDI xuất siêu 3,92 tỷ USD, nếu tính cả dầu thô.
Nhìn vào những con số trên, đây đó sẽ lại có những ý kiến về chuyện Việt Nam đang phụ thuộc quá nhiều vào khu vực FDI. Nhưng thẳng thắn mà nói, lỗi đâu phải tại khu vực FDI, mà lỗi tại hệ thống doanh nghiệp nội địa chưa đủ sức cạnh tranh và cáng đáng nền kinh tế.
Một cuộc hội thảo về tăng cường liên kết doanh nghiệp FDI - nội địa để khởi tạo động lực tăng trưởng mới vừa được tổ chức. Ai cũng biết điều này là cần thiết, nhưng khi nào chúng ta có thể thực sự làm được điều đó?