Liên kết 4 nhà, liên kết vùng miền: Có phải vẫn đẩy việc khó cho nông dân?

0:00 / 0:00
0:00
Câu chuyện liên kết 4 nhà, liên kết vùng vẫn nóng khi các bên đều muốn nhận phần việc dễ và chưa tôn trọng cam kết, chưa tin tưởng lẫn nhau.
Liên kết 4 nhà, liên kết vùng miền: Có phải vẫn đẩy việc khó cho nông dân?

Liên kết vùng, liên kết doanh nghiệp – nông dân để đẩy mạnh tiêu thụ là giải pháp được đưa ra từ nhiều năm nay. Phát biểu tại Diễn đàn Liên kết vùng trong phát triển kinh tế để phát huy thế mạnh địa phương sáng nay (3/8), ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) thừa nhận, liên kết vùng còn yếu.

Đặc biệt, chuỗi giá trị sản phẩm liên kết vùng - yếu tố quan trọng đặc biệt để bảo đảm cho liên kết vùng có hiệu quả - chưa được thể hiện rõ trong quá trình xây dựng quy hoạch, kế hoạch liên kết vùng hiện nay.

Doanh nghiệp được kỳ vọng là đầu tàu dẫn dắt nông dân trong bài toán tiếp cận thị trường, liên kết vùng, song bản thân doanh nghiệp các doanh nghiệp cho rằng rất khó hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm vì nhiều sản phẩm không đạt điều kiện.

Ông Trần Mạnh Chiến, CEO chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Bác Tôm chia sẻ, Bác Tôm ưu tiên phân phối sản phẩm hữu cơ. Các nhà sản xuất phải đáp ứng chứng nhận an toàn thực phẩm như VietGAP, hữu cơ… song hiện tại, rất hiếm đơn vị của Việt Nam đạt chứng nhận này.

“Bác Tôm mong mỏi và tha thiết đề xuất Nhà nước hỗ trợ xây dựng các chứng nhận chất lượng cho bà con. Thời gian qua, Bác Tôm mất rất nhiều công sức tìm kiếm sản phẩm, đồng thời phải chứng minh với khách hàng về độ tin cậy và kiểm tra chất lượng sản phẩm từ chính nhà sản xuất đưa ra….", ông Chiến cho hay.

CEO Bác Tôm nêu thực tế, có nhà sản xuất nói đã đạt chứng nhận VietGAP nhưng khi kiểm tra còn nhiều điều kiện chưa đạt chứ chưa nói tới chứng nhận cao hơn là hữu cơ.

Tiêu chí thứ 2 được Bác Tôm đưa ra là các HTX cần phải thông thạo về sử dụng thương mại điện tử, công nghệ thì sẽ được ưu tiên. “Hệ thống vận hành của chúng tôi sử dụng phần mềm, hạn chế hóa đơn thủ công. HTX cần sử dụng các ứng dụng cơ bản để hai bên giao dịch với nhau”, ông Chiến nói.

Cuối cùng, về thương hiệu, CEO Bác Tôm cho rằng, sẽ ưu tiên sản phẩm của HTX có thương hiệu. Quan điểm là cơ sở sản xuất phải đáp ứng hữu cơ, nếu chưa đạt được chứng nhận thì Bác Tôm sẽ đồng hành để hỗ trợ các HTX.

“Bác Tôm sẵn sàng đồng hành cùng với các HTX. Bác Tôm mong muốn được kết nối thêm nhiều mối hàng uy tín và tin cậy cho khách hàng”, ông Chiến nhấn mạnh.

Trong khi đó, bà Trần Thị Thu Hằng, Tổng giám đốc Công ty XNK Nông sản thực phẩm Việt Nam chỉ ra một khó khăn khi liên kết với bà con nông dân, nhất là các HTX vùng sâu, vùng xa là khả năng thực hiện cam kết của bà con rất yếu. Điển hình, công ty ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho một số HTX với giá cao gấp đôi so với giá bán trên thị trường, nhưng cứ đến mùa thu hoạch, HTX lại mang hàng tốt đi bán cho các siêu thị, còn hàng loại 2 cung cấp cho công ty.

Hay như trường hợp khi công ty cung cấp cá vào trường học, nơi sản xuất cam kết cá sạch, không có dư lượng kháng sinh, nhưng khi nhập về, công ty kiểm tra phát hiện có dư lượng kháng sinh rất cao.

“Chúng tôi rất muốn phân phối hàng hoá cho bà con nông dân nhưng chỉ được vài vụ đầu, người dân thực hiện đúng cam kết. Vì vậy, DN rất khó để liên kết bao tiêu sản phẩm đầu ra cho người dân lâu dài”, bà Hằng nói.

Theo bà Hằng, để đẩy mạnh liên kết giữa người sản xuất và DN, cần ứng dụng công nghệ 4.0 thì mới mang tính liên kết chặt chẽ, giúp liên kết vùng mạnh hơn, tốt hơn.

Từ góc độ người sản xuất, ông Tạ Việt Hùng, Giám đốc HTX Nông trại xanh Ba Vì (Hà Nội) cho rằng, “liên kết mà đẩy cái khó khăn cuối cùng về người nông dân là không tạo ra được “sân chơi” và giá trị thực thụ cho chủ thể liên kết".

Theo ông Hùng, đáng lẽ các doanh nghiệp phân phối phải là bên “đặt hàng” cho nông dân sản xuất gì, bán cho ai, tiêu chuẩn ra sao, mẫu mã bao bì thế nào. Song thực tế, nông dân vẫn phải tự bơi.

“Chúng tôi là nhà sản xuất rất muốn được là mắt xích liên kết vùng nhưng chưa có cơ hội giao lưu là những chủ thể đầu ra, chưa biết phải tìm đến ai, cơ quan quản lý nào để tiếp cận thông tin, chuyển hướng sản xuất theo yêu cầu nhà bán buôn”, ông Hùng than phiền.

Tính đến hết tháng 6/2023, cả nước có 30.425 HTX và 120.983 tổ hợp tác (THT), trong đó có 76.456 THT nông nghiệp. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, hoạt động liên kết vùng còn yếu và chưa được mở đường, dẫn dắt mạnh, trong khi chủ thể liên kết quan trọng là doanh nghiệp, là HTX và các tổ chức về kinh tế chưa phát huy được vai trò của mình.

Vì vậy, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam nhấn mạnh, điều mà chúng ta cần làm trong thời gian tới là phải bứt phá khỏi cách làm cũ, nhất là cần sự kết nối hợp lý, phân bổ, thực hiện đồng bộ, phối hợp, bổ trợ, bổ sung cho nhau. Liên kết vùng phải theo hướng kinh tế tri thức, kinh tế xanh, bảo vệ môi trường và tiếp cận với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, phát triển các ngành hàng có hàm lượng công nghệ cao, tạo giá trị gia tăng lớn, thúc đẩy sự năng động của các khu công nghiệp theo chiến lược tăng trưởng mới.

Ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho rằng, giờ là thời kỳ phải sản xuất gia tăng giá trị, đảm bảo chất lượng sản phẩm. Sản xuất cái gì, như thế nào, chất lượng ra làm sao. Theo đó, DN sản xuất cần phải xác định trước là tiếp cận thị phần nào, xuất khẩu đi đến đâu. Đây là những vấn đề luôn nói từ những năm trước.

Ông Tuấn đặt vấn đề trong bối cảnh chuỗi trong nước đến đâu, chuỗi giá trị toàn cầu ra sao khi an ninh lương thực thế giới cũng đang đối mặt thách thức.

Về phía Vụ Thị trường trong nước, ông Tuấn cho biết, cơ quan này nhìn nhận đã tiếp cận, tham mưu cho cấp Chính phủ trong quá trình xây dựng chính sách cho hàng Việt vào hệ thống siêu thị và đẩy mạnh xuất khẩu.

Trong chuỗi giá trị toàn cầu, Vụ Thị trường trong nước đẩy mạnh cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, chương trình sản phẩm OCOP… tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng Việt Nam, đảm bảo thông qua chuỗi liên kết đưa sản phẩm tới người tiêu dùng, bản chất cuối cùng là gia tăng giá trị sản phẩm cho người nông dân.

“Quan trọng nhất, DN, người sản xuất, Nhà nước nhìn được xu hướng phát triển của sản phẩm nông nghiệp ra sao”, ông Tuấn nhấn mạnh. Vụ Thị trường trong nước lồng ghép các chương trình xúc tiến thương mại để đưa sản phẩm ưu việt giới thiệu tới bạn bè quốc tế.

Tin bài liên quan