Liên hợp quốc ghi nhận 2022 là một trong 8 năm nóng kỷ lục

0:00 / 0:00
0:00
2022 là năm nóng kỷ lục thứ 5 hoặc thứ 6 từng được ghi nhận. Đây cũng là năm thứ 8 liên tiếp, nhiệt độ toàn cầu hàng năm tăng ít nhất 1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp từ 1850-1900.
Người dân di chuyển dưới tiết trời nắng nóng tại Nagoya, Nhật Bản, ngày 1/7/2022. (Ảnh: Kyodo/TTXVN).

Người dân di chuyển dưới tiết trời nắng nóng tại Nagoya, Nhật Bản, ngày 1/7/2022. (Ảnh: Kyodo/TTXVN).

Ngày 12/1, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho biết năm 2022 là một trong số 8 năm nóng nhất kể từ khi cơ quan này của Liên hợp quốc ghi nhận số liệu về nhiệt độ Trái Đất, mặc dù hiện tượng La Nina xảy ra từ năm 2020 đã phần nào giúp làm mát bầu khí quyển.

Theo WMO, trong năm 2022, khi thế giới phải đối mặt với một loạt thảm họa thiên nhiên chưa từng có do biến đổi khí hậu, nhiệt độ trung bình toàn cầu cao hơn khoảng 1,15 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

8 năm đó là những năm ghi nhận nhiệt độ trên toàn cầu cao kỷ lục do nồng độ khí gây hiệu ứng nhà kính và tích nhiệt tăng cao hơn bao hết.

Năm nóng kỷ lục được ghi nhận là năm 2016, tiếp đó đến năm 2019 và 2020. Năm 2022 là năm nóng kỷ lục thứ 5 hoặc thứ 6 từng được ghi nhận và là năm thứ 8 liên tiếp, nhiệt độ toàn cầu hằng năm tăng ít nhất 1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp từ năm 1850-1900.

Thỏa thuận Paris năm 2015 về biến đổi khí hậu, kêu gọi hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C - mức mà các nhà khoa học cho rằng sẽ hạn chế tác động của khí hậu ở mức có thể kiểm soát được. Tuy nhiên, WMO cảnh báo rằng "khả năng vượt giới hạn mức tăng 1,5 độ C đang tăng lên theo thời gian."

WMO cho rằng tác động của hiện tượng thời tiết cực đoan La Nina dự kiến chấm dứt trong những tháng tới, sẽ kéo dài trong một khoảng thời gian ngắn.

Hiện tượng thời tiết này sẽ không đảo ngược được xu hướng nóng kéo dài của Trái Đất do khí nhà kính giữ nhiệt cho bầu khí quyển ở mức cao nhất.

Theo WMO, xu hướng nóng lên của Trái Đất là rõ ràng. Kể từ những năm 1980, mỗi thập kỷ đều ghi nhận nhiệt độ tăng hơn so với thập kỷ trước.

Ví dụ, nhiệt độ trung bình trong giai đoạn 2013-2022 cao hơn 1,14 độ C so với mức cơ sở thời kỳ tiền công nghiệp trong khi từ năm 2011-2020 là tăng 1,09 độ C.

Do vậy, WMO cho rằng điều này "cho thấy tình trạng Trái Đất nóng lên trong thời gian dài vẫn tiếp diễn" với việc thế giới đã tiến gần đến mức giới hạn tăng nhiệt là 1,5 độ C trong Thỏa thuận Paris 2015 về biến đổi khí hậu.

WMO đưa ra các kết luận trên sau khi thống nhất một loạt dữ liệu của 6 tổ chức quốc tế, trong đó có Cơ quan Quản lý khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ (NOAA), Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), Cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus (C3S) của Liên minh châu Âu (EU).

Cùng ngày, NASA cho biết nhiệt độ trung bình trên bề mặt Trái Đất năm 2022 cùng với năm 2015 là năm nóng kỷ lục thứ năm được ghi nhận.

Các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu Vũ trụ Goddard (GISS) thuộc NASA, cho biết nhiệt độ toàn cầu trong năm 2022 nối tiếp xu hướng nóng lên trong thời gian dài của hành tinh, đã tăng hơn 0,89 độ C so với mức trung bình trong giai đoạn cơ sở của NASA (từ năm 1951-1980).

Giám đốc NASA, Bill Nelson nêu rõ: "Xu hướng nóng lên này là đáng báo động. Khí hậu nóng lên đã tạo ra một dấu hiệu: Các vụ cháy rừng đang gia tăng; bão ngày càng mạnh hơn; hạn hán đang tàn phá và mực nước biển đang dâng cao."

Ông Nelson nhấn mạnh, các hình thái thời tiết cực đoan đe dọa loài người trên hành tinh, do vậy các nước cần phải có một số hành động mạnh mẽ.

Theo NASA, 9 năm qua là những năm nóng nhất được ghi nhận kể từ khi cơ quan này tiến hành lưu giữ số liệu vào năm 1880. Điều này có nghĩa là nhiệt độ của Trái Đất năm 2022 tăng hơn khoảng 1,11 độ C so với mức trung bình cuối thế kỷ XIX.

Giám đốc GISS Gavin Schmidt cho biết nguyên nhân của xu hướng ấm lên trên Trái Đất là do các hoạt động của con người tiếp tục thải một lượng lớn khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào bầu khí quyển và tác động lâu dài này đối với hành tinh cũng sẽ tiếp diễn”.

Tin bài liên quan