Một cô gái giải nhiệt trước khu vực tháp Eiffel trong đợt nắng nóng cao điểm ở Pháp năm 2019 (Ảnh minh họa: EPA).
AFP ngày 23/6 trích dẫn một báo cáo sơ bộ của Liên Hợp Quốc mà hãng tin này tiếp cận được cảnh báo những hậu quả thảm khốc với hàng tỷ người trên thế giới nếu vấn đề nóng lên toàn cầu không được khắc phục nhanh chóng.
Các nghiên cứu về khí hậu trước đó cảnh báo rằng nếu khoảng 100 năm nữa tình trạng ô nhiễm carbon không suy giảm, thế giới sẽ xuất hiện các đợt nóng bức vượt quá giới hạn chịu đựng tuyệt đối của loài người.
Tuy nhiên, theo báo cáo sơ bộ dài 4.000 trang Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) thuộc Liên Hợp Quốc mà AFP được tiếp cận trước khi dự kiến công bố vào tháng 2/2022, những đợt nắng nóng có thể gây chết người chưa từng có tiền lệ có thể sẽ sớm xảy ra trong tương lai gần.
Báo cáo cho biết, nếu thế giới nóng lên 1,5 độ C - cao hơn 0,4 độ C so với mức hiện tại, 14% dân số toàn cầu sẽ phải đối mặt với tình trạng nắng nóng cực đoan ít nhất một lần mỗi 5 năm, sự gia tăng đáng kể về mặt cường độ so với trước đó.
Báo cáo cảnh báo rằng những khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất có thể sẽ là các siêu đô thị đang phát triển ở các nước đang phát triển. Ngoài ra, nắng nóng kết hợp với độ ẩm cao sẽ gây ra những rủi ro chết người lớn hơn.
Nắng nóng cực đoan
Các chuyên gia cảnh báo, những người khỏe mạnh sẽ không thể chịu đựng được nếu "nhiệt độ bầu ướt" vượt quá 35 độ C, ngay cả khi họ trong bóng râm và được uống nước đầy đủ. Thuật ngữ "nhiệt độ bầu ướt" chỉ một loại công cụ đo sức nóng và độ ẩm, khi nhiệt độ bầu ướt càng cao thì không khí càng nóng bức.
"Khi nhiệt độ bầu ướt quá cao, độ ẩm trong không khí cũng tăng mạnh khiến việc đổ mồ hôi không thể hiệu quả trong việc loại bỏ nhiệt dư thừa ra khỏi cơ thể người. Sau 6 giờ đồng hồ chịu đựng nhiệt độ bầu ướt cao, nếu không có các biện pháp làm mát nhân tạo, con người có thể sẽ bị suy nội tạng và tử vong", chuyên gia Colin Raymond, tác giả một nghiên cứu về nắng nóng ở Vùng Vịnh, cho hay.
Trước đó, thế giới từng chứng kiến hậu quả chết chóc của hiện tượng nắng nóng độ ẩm cao, đặc biệt với nhóm người cao tuổi và người có sức khỏe yếu. Năm 2015, hai đợt nắng nóng khủng khiếp ở Ấn Độ và Pakistan đã khiến 4.000 người chết.
Các đợt nắng nóng bùng phát trên khắp bán cầu bắc vào năm 2019 cũng gây ra một số lượng lớn các trường hợp tử vong.
Nghiên cứu từ Viện Đánh giá và Đo lường Sức khỏe (IHME) của Mỹ cho biết, có hơn 300.000 ca tử vong liên quan đến nắng nóng trên toàn thế giới trong năm 2019. Hầu hết những trường hợp tử vong này có thể là do say nắng, đau tim và mất nước do đổ mồ hôi nhiều.
Nhiệt độ cao hơn sẽ gây ra rủi ro lây lan bệnh dịch, làm giảm năng suất cây trồng và các giá trị dinh dưỡng, giảm năng suất lao động và làm cho lao động chân tay ngoài trời trở thành một hoạt động nguy hiểm đến tính mạng.
Trước đó, nhiều chuyên gia cũng đã cảnh báo nguy cơ xảy ra dịch bệnh mới nguy hiểm sau Covid-19 vì biến đổi khí hậu và nóng lên toàn cầu.
Theo đó, việc các hệ sinh thái bị phá hủy vì bàn tay con người và cả vì hiện tượng thời tiết cực đoan dẫn tới việc các loài động vật ngày càng tiếp xúc gần hơn với con người. Chúng có thể trở thành yếu tố xúc tác then chốt và cầu nối lan truyền mầm bệnh, gây bùng phát các dịch bệnh nguy hiểm mới.