Đây là thông tin không mấy bất ngờ đối với thị trường, bởi lâu nay, đó là một phần trong chiến lược phát triển của tập đoàn này. Nếu có bất ngờ, có lẽ là thời điểm thực hiện, vì thương vụ diễn ra “hơi nhanh” so với dự đoán của thị trường.
Theo các điều khoản quy định trong thương vụ thâu tóm này, Sun Life sẽ nắm toàn bộ 100% cổ phần PVI Sun Life. Các công ty sẽ vẫn duy trì mối quan hệ chặt chẽ và PVI tiếp tục là một đối tác phân phối của Sun Life. Thương vụ dự kiến sẽ hoàn tất trong quý IV năm nay, sau khi được cơ quan quản lý chấp thuận và tuân thủ đầy đủ các quy định về mặt pháp lý. Tất nhiên, dù Sun Life trở thành chủ sở hữu duy nhất, các khách hàng của PVI Sun Life sẽ không phải lo lắng gì, bởi mọi điều khoản của tất cả các hợp đồng bảo hiểm hiện hữu sẽ vẫn giữ nguyên sau thương vụ này.
Kể từ khi ra mắt vào năm 2013, PVI Sun Life đã khẳng định được tên tuổi, khi nằm trong Top 10 nhà cung cấp bảo hiểm nhân thọ lớn nhất thị trường (xếp thứ 6), là công ty tiên phong và dẫn đầu trong lĩnh vực bảo hiểm hưu trí. Sau khi thương vụ này hoàn tất, có thể hãng bảo hiểm này sẽ có thay đổi nhất định về thương hiệu cũng như chiến lược phát triển kinh doanh.
Việc mua thêm cổ phần và tiến mới mua toàn bộ cổ phần từ đối tác trong liên doanh của Tập đoàn Sun Life cho thấy, hình thức liên doanh là “bước khởi động”, là cách nhanh nhất và dễ nhất để các tập đoàn tài chính tham gia vào một thị trường bảo hiểm nhân thọ đầy tiềm năng, nhưng cũng không ít thách thức như thị trường Việt Nam.
Thực tế, nếu nhìn vào hoạt động của những liên doanh bảo hiểm nhân thọ đang hoạt động tại Việt Nam như Vietcombank Cardif hay VietinAviva…, có thể thấy rằng, những liên doanh này chưa thực sự tạo ấn tượng mạnh cho thị trường. Sau nửa thập kỷ có mặt tại Việt Nam, thị phần của những liên doanh bảo hiểm này hiện vẫn còn rất khiêm tốn. Hơn 80% thị phần của thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam đang thuộc về những doanh nghiệp bảo hiểm lớn.
Mặc dù thời gian qua các liên doanh này đã có những bước đi đột phá và đầu tư mạnh vào các kênh phân phối, đại lý để tìm kiếm những khách hàng mới, thay vì chỉ bán qua ngân hàng với nguồn dữ liệu khách hàng của ngân hàng đối tác…, song về tổng thể, sự thay đổi này vẫn chưa thể giúp các liên doanh bảo hiểm có những cải thiện mang tính “bước ngoặt”.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, một chuyên gia trong ngành cho rằng, không chỉ trong lĩnh vực bảo hiểm, mà trong bất cứ ngành nào ở thị trường Việt Nam, hình thức liên doanh đều có những khó khăn nhất định, đặc biệt là trong việc đạt được những thỏa thuận chung về mục tiêu, cũng như chiến lược phát triển của liên doanh… Liên doanh trong ngành bảo hiểm nhân thọ lại càng khó thành công hơn, vì đây là lĩnh vực đòi hỏi người lãnh đạo công ty phải có kinh nghiệm, chuyên môn cao, trong khi số vốn đầu tư lớn, mà phải là đầu tư lâu dài.
“Đối với một công ty bảo hiểm nhân thọ mới tham gia thị trường, việc có thể hòa vốn sau 7-8 năm hoạt động là chuyện hết sức bình thường”, vị chuyên gia trên nhìn nhận.
Cùng với liên doanh góp vốn, việc mua lại một công ty bảo hiểm khác đang hoạt động (ví dụ thương vụ mua lại Great Eastern Việt Nam của Tập đoàn FWD) chính là 2 phương thức nhanh nhất mà các tập đoàn tài chính hiện đang áp dụng để có thể tham gia vào thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam. Bởi theo cách thông thường, các tập đoàn tài chính sẽ thành lập văn phòng đại diện trong một vài năm để khảo sát, đánh giá thị trường, sau đó mới nộp hồ sơ thành lập công ty bảo hiểm…
“Việc xét duyệt hồ sơ thành lập một công ty bảo hiểm mới cũng ngày càng khắt khe hơn, khi thị trường hiện đã có gần 20 công ty bảo hiểm nhân thọ”, một chuyên gia trong ngành cho biết.
Khó có thể dự đoán, liệu những liên doanh bảo hiểm khác có “theo chân” của PVI Sun Life hay không, bởi điều đó còn tùy thuộc vào chiến lược của mỗi bên, nhưng nếu không có những thay đổi mạnh mẽ hơn nữa thì các liên doanh bảo hiểm hiện tại sẽ rất khó cải thiện được thị phần, cũng như vị trí trong lòng khách hàng.