LGC đã có một loạt thay đổi nhân sự từ cuối năm 2011 đến nay.

LGC đã có một loạt thay đổi nhân sự từ cuối năm 2011 đến nay.

LGC - dấu hỏi hoãn ĐHCĐ và hủy niêm yết

(ĐTCK) Lý do cụ thể của việc hoãn tổ chức ĐHCĐ và Công ty có hủy niêm yết hay không đang là hai thắc mắc chính của cổ đông CTCP Cơ khí Điện Lữ Gia (LGC).

Hai dấu hỏi

Ngày 24/3, LGC sẽ tổ chức ĐHCĐ năm 2012. Đây là lịch họp ĐHCĐ thay cho kế hoạch ban đầu không thành do nhóm cổ đông nắm hơn 45% vốn ở LGC không thể tham dự, vì lý do bận công tác. Theo kế hoạch cũ, ngày 3/3 là thời điểm LGC tổ chức ĐHCĐ. Mọi công tác tổ chức đã sẵn sàng. Nhưng trước hôm diễn ra ĐHCĐ 2 ngày, LGC bỗng thông báo không thể tổ chức ĐHCĐ như dự định. Thông báo gửi đi cận kề nên 5 cổ đông, đại diện 2,12% vốn ở LGC vẫn đến dự, do không cập nhật kịp thông tin.

LGC đã giải thích lý do chưa tổ chức ĐHCĐ, nhưng giải thích đó vẫn khiến nhà đầu tư băn khoăn: Tại sao cổ đông lớn ở LGC lại bận công tác vào đúng ngày diễn ra ĐHCĐ? Tại sao nhóm cổ đông này không cử đại diện khác thay thế? Đặc biệt, nhìn vào cơ cấu cổ đông ở LGC, để đại diện cho hơn 45% vốn phải là ít nhất 2 cổ đông lớn. Thật khó hiểu khi các cổ đông lớn lại cùng lúc bận công tác vào ngày LGC tổ chức ĐHCĐ.

Giới đầu tư đã liên kết sự kiện Tổng công ty Cơ khí Giao thông vận tải Sài Gòn (Samco) quyết định thoái toàn bộ 20,24% vốn ở LGC để lý giải cho thắc mắc: “Ai đã không thể xuất hiện ở ĐHCĐ lần 1 của LGC?”. Theo cách nghĩ này, có thể Samco muốn bán hết vốn tại LGC nên thiếu động lực tham dự ĐHCĐ. Tuy nhiên, cổ đông còn lại sẽ là ai? Giả thiết nghiêng về cổ đông lớn nhất ở LGC là CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP. HCM (CII), đang nắm 24,98% cổ phần. Vì so với CII, CTCP Đầu tư và xây dựng cầu đường Bình Triệu, đang nắm 22,59% vốn ở LGC có lý do tham dự ĐHCĐ hơn.

Trước đó, giữa tháng 1/2012, Công ty Đầu tư xây dựng Cầu Đường Bình Triệu  đã gửi công văn tới LGC đề nghị đưa thêm nội dung hủy niêm yết cổ phiếu LGC vào chương trình họp ĐHCĐ năm 2012, với lý do thanh khoản cổ phiếu LGC quá thấp, niêm yết không mang lại lợi ích cho cổ đông. Đề nghị này sau đó đã được phía LGC chấp nhận.

Khi đi theo giả thiết này, nhà đầu tư  càng thắc mắc. Vì CII có đại diện nắm chức Chủ tịch ở LGC, sao lại không thể thu xếp tham dự ĐHCĐ do chính mình chủ trì vạch kế hoạch? Tuy nhiên, nếu nắm được biến động nhân sự tại LGC thì sẽ giải đáp được câu hỏi này. Bởi vào thời điểm LGC lên Nghị quyết về tổ chức ĐHCĐ năm 2012, Chủ tịch LGC là ông Cao Lương Ngọc, chứ không phải ông Lê Quốc Bình hiện tại (đồng thời là Giám đốc tài chính và Kế toán trưởng CII).

Không chỉ sắp xếp lại nhân sự ở cấp cao nhất, tháng 9 năm ngoái, LGC đã bổ nhiệm Tổng giám đốc mới.

Thay đổi nhân sự và những sự kiện sau đó, cộng với con số lợi nhuận sau thuế năm 2011 của LGC đạt 11,8 tỷ đồng, chỉ hoàn thành 38,3% kế hoạch năm và bằng 31,5% năm 2010 càng khiến giới đầu tư thêm dè dặt. Bất chấp hàng loạt cổ phiếu trên TTCK tăng giá đáng kể trong đợt phục hồi tháng 2/2012, giá cổ phiếu LGC vẫn giảm, với mức giảm tổng cộng 20%.

 

Hủy niêm yết không do cổ đông nhỏ quyết định

Khi ĐTCK liên hệ để tìm hiểu tình hình tại LGC, ông Lê Quốc Bình, Chủ tịch LGC xác nhận, do bận công tác đột xuất ở Đà Nẵng, ông đã không thể có mặt trong ĐHCĐ ngày 3/3. CII có thể cử đại diện khác để đảm bảo ĐHCĐ được tiến hành, nhưng một ĐHCĐ không thể vắng mặt Chủ tịch. Đây chính là nguyên nhân chủ yếu khiến LGC không thể tổ chức ĐHCĐ như dự định.

Về việc có hay không khả năng LGC hủy niêm yết, ông Bình cho biết, vấn đề này sẽ tùy ĐHCĐ quyết định. Thực tế, để nội dung hủy niêm yết được thông qua tại ĐHCĐ phải có ít nhất 65% cổ phiếu có quyền biểu quyết chấp thuận. Như vậy, ngoài đơn vị đề xuất là CTCP Đầu tư và xây dựng cầu đường Bình Triệu đang nắm 22,59% vốn LGC, để hủy niêm yết, LGC phải có sự ủng hộ của ít nhất một cổ đông lớn khác. Theo quan sát, Samco không có lý do để đồng ý, vì hủy niêm yết chỉ thêm cản trở quá trình thoái vốn của Samco. Cuối năm ngoái, Samco đăng ký bán toàn bộ cổ phần ở LGC, nhưng vẫn chưa bán được cổ phiếu nào. Hiện Samco đang đăng ký bán tiếp.

Rõ ràng, LGC có hủy niêm yết hay không tùy thuộc nhiều vào động thái của CII. Tuy nhiên, theo ông Bình, quan điểm của CII trong vấn đề này là trung lập. CII sẽ đi theo quyết định chung của cổ đông.

Hiện 3 cổ đông lớn ở LGC là CII, Samco, Đầu tư và xây dựng cầu đường Bình Triệu đang nắm tổng cộng 67,8% vốn ở LGC. Nếu tính thêm cổ phần do cổ đông nội bộ nắm giữ, tỷ lệ này còn cao hơn. Câu chuyện LGC hủy niêm yết hay không thực tế đã không do cổ đông nhỏ lẻ bên ngoài quyết định. Lời giải đành chờ kết quả từ ĐHCĐ sắp tới.