Lệnh cấm iPhone đánh vào tham vọng chinh phục thị trường Trung Quốc của Apple. Ảnh: QZ
Kitty Fok, Giám đốc điều hành IDC Trung Quốc, đánh giá iPhone đời cũ chạy iOS 11 trở xuống vẫn chiếm số lượng không nhỏ tại Trung Quốc và là những thiết bị giúp công ty Mỹ cạnh tranh với thương hiệu trong nước ở phân khúc tầm trung.
"Nếu phán quyết của tòa được thực thi, Apple có thể đánh mất thị phần vào tay các doanh nghiệp bản địa, chẳng hạn Huawei hay Xiaomi", bà Fok nhận định.
Theo SCMP, Trung Quốc là thị trường lớn thứ ba của Apple, chiếm 1/5 doanh thu mỗi năm. Số liệu từ Counterpoint Research cho thấy, thị phần của hãng tại đây giảm từ 15% trong quý IV/2017 xuống 9% trong quý III/2018.
Apple đã tụt xuống vị trí thứ sáu, sau Huawei, Oppo, Vivo, Xiaomi và Honor và nhiều khả năng còn bị giảm sút hơn nữa sau lệnh cấm.
Kiranjeet Kaur, Giám đốc nghiên cứu mảng thiết bị và khách hàng khu vực châu Á-Thái Bình Dương của IDC, dự đoán chuỗi cung ứng cho Apple sẽ bị tác động nếu phán quyết có hiệu lực.
Trong đó, các công ty chuyên cung cấp linh kiện và lắp ráp sản phẩm như Foxconn, AAC Technologies, BYD và BOE Technology sẽ giảm doanh thu.
Tuy nhiên, hãng phân tích Canalis nhận định, lệnh cấm khó có thể thi hành trong vài tháng tới, bởi còn nhiều bước tố tụng. Bên cạnh đó, người dùng Trung Quốc có xu hướng thích iPhone đời mới như XS, XS Max và XR nên Apple không bị ảnh hưởng đáng kể.
Theo Zheng Wei, luật sư của Anli Partners có trụ sở tại Bắc Kinh, Apple vẫn còn cơ hội bán iPhone đời cũ trong vài tháng, thậm chí vài năm nữa. Ngoài ra, công ty Mỹ có thể lách luật bằng cách yêu cầu smartphone đời cũ nâng cấp lên iOS 12.
Paul Haswell, đại diện hãng luật Pinsent Masons, nhận xét việc tòa án cấm bán sản phẩm là chuyện bình thường và nếu lệnh được ban hành, cần phải có đơn vị thực thi nó. "Apple sẽ không phải ngừng bán iPhone cho đến khi bị buộc phải làm như vậy", Haswell nói.