Theo chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng Chính phủ, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là đường đôi khổ 1.435 mm để vận chuyển hành khách và hàng hóa
Rốt ráo hoàn thiện Đề án
Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vừa đón nhận “cú hích” quan trọng để đẩy nhanh tiến trình nghiên cứu chuẩn bị đầu tư “siêu” công trình đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, nếu chiểu theo nội dung chỉ đạo mới nhất của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Công văn số 5676/VPCP- CN vừa được phát đi vào giữa tuần trước.
Tại công văn này, người đứng đầu Chính phủ đã yêu cầu Bộ trưởng Bộ GTVT trước ngày 5/8/2023 phải hoàn thành việc đề xuất thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án Chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và các dự án đường sắt tốc độ cao khác kết nối liên vùng và quốc tế trong hệ thống đường sắt quốc gia theo đúng quy định.
Ban Chỉ đạo sẽ do Phó thủ tướng Trần Hồng Hà làm Trưởng ban; Bộ trưởng Bộ GTVT, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Tài chính làm Phó trưởng ban; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan liên quan, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đại diện lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội là thành viên Ban Chỉ đạo.
Cũng tại Công văn số 5676/VPCP-CN, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT thành lập Tổ tư vấn giúp việc cho Ban Chỉ đạo, làm việc chuyên trách (không kiêm nhiệm), bao gồm các chuyên gia đầu ngành, tâm huyết về GTVT đường sắt (kể cả chuyên gia đã nghỉ hưu); đồng thời xây dựng ngay quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo và tổ tư vấn giúp việc để có thể triển khai ngay (nghiên cứu, hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước…) trong quá trình xây dựng Đề án, lập dự án...
Về nội dung Đề án, Thủ tướng yêu cầu bám sát chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/2/2023 về định hướng phát triển GTVT đường sắt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các văn bản khác có liên quan đến định hướng phát triển GTVT đường sắt Việt Nam; trên cơ sở đó, nghiên cứu rất kỹ lưỡng, thấu đáo, toàn diện, đề xuất phương án đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, bảo đảm hiệu quả, khả thi và bền vững.
“Bộ GTVT căn cứ lịch công tác, chương trình làm việc 6 tháng cuối năm 2023 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư để kịp thời hoàn thiện Đề án, báo cáo Thường trực Chính phủ theo quy định, bảo đảm chất lượng và tiến độ yêu cầu”, Thủ tướng chỉ đạo.
Cần phải nói thêm, đúng 1 tuần trước đó, Bộ GTVT đã có Công văn số 7820/BGTVT-KHĐT gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó thủ tướng Trần Hồng Hà về công tác chuẩn bị Đề án Chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Bộ GTVT dự kiến hoàn thiện Đề án gửi lấy ý kiến Ban Chỉ đạo trước ngày 15/8/2023; trình Thường trực Chính phủ và tiếp thu hoàn thiện Đề án trước ngày 30/9/2023; trình Ban Cán sự Đảng Chính phủ và tiếp thu hoàn thiện Đề án trước ngày 20/10/2023; trình Bộ Chính trị trước ngày 15/11/2023.
Để đạt được các mốc tiến độ nói trên, Bộ GTVT kiến nghị lãnh đạo Chính phủ ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án Chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và các dự án đường sắt quốc gia; đồng thời chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương có ý kiến chậm nhất trong 5 ngày khi xin ý kiến về Đề án, nếu không coi như thống nhất nội dung.
Trước đó, cuối tháng 6/2023, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đã ký văn bản đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định thành lập Tổ công tác xây dựng Đề án Chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Nhiệm vụ của Tổ công tác là chỉ đạo xây dựng Đề án trình Chính phủ, Quốc hội, Bộ Chính trị.
“Để thực hiện thành công Dự án nói riêng, phát triển lĩnh vực đường sắt nói chung, cần phải thực hiện đồng bộ bằng nhiều giải pháp, nguồn lực huy động rất lớn, cần sự vào cuộc, phối hợp của các bộ, ngành và địa phương, nên cần thiết thành lập Tổ công tác giúp Thủ tướng Chính phủ để nghiên cứu xây dựng các cơ chế, chính sách, giải pháp lớn mang tính tổng thể, liên ngành và chỉ đạo, điều hòa, phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong quá trình xây dựng Đề án”, Bộ trưởng Bộ GTVT nêu lý do.
Nhiều tham số mới
Cần phải nói thêm, so với thời điểm Bộ GTVT hoàn thành Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam gửi Thủ tướng Chính phủ vào tháng 2/2019, đã xuất hiện khá nhiều tham số quan trọng có thể ảnh hưởng đến cách tiếp cận siêu công trình này.
Cụ thể, tháng 10/2022, Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã có Kết luận số 1209-KL/BCSĐCP, trong đó thống nhất trình Bộ Chính trị cho định hướng phát triển đường sắt theo hướng hiện đại, kịch bản đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đường đôi khổ 1.435 mm để vận chuyển hành khách và hàng hóa, tốc độ thiết kế khoảng 200 - 250 km/h, tốc độ khai thác khoảng 200 km/h.
Ông Lã Ngọc Khuê, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT cho rằng, chỉ đạo này của Ban Cán sự Đảng Chính phủ khác với phương án mà Bộ GTVT đang đề xuất Hội đồng Thẩm định nhà nước là “đi thẳng vào hiện đại, kich bản đường đôi khổ 1.435 mm để vận chuyển riêng hành khách, tốc độ thiết kế khoảng 350 km/h, tốc độ khai thác khoảng 320 km/h”.
Đến tháng 2/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/2/2023, trong đó yêu cầu nghiên cứu, phân tích, đánh giá kỹ lưỡng, chặt chẽ, toàn diện, kết hợp tham khảo kinh nghiệm quốc tế để lựa chọn phương án đầu tư xây dựng hiện đại, đồng bộ, có tầm nhìn dài hạn, phát huy được các lợi thế, tiềm năng của đất nước, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới.
Đến ngày 18/4/2023, Hội đồng Thẩm định nhà nước đã có Thông báo số 2956/TB-BKHĐT yêu cầu Bộ GTVT cập nhật, bổ sung hoàn thiện hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Được biết, trong số 9 nội dung được nêu tại Thông báo số 2956/TB-BKHĐT, đáng chú ý là việc Hội đồng Thẩm định nhà nước lưu ý Bộ GTVT cần bám sát các kết luận của Bộ Chính trị, Ban Cán sự Đảng Chính phủ để bổ sung, làm rõ sự cần thiết đầu tư Dự án với vai trò khắc phục sự mất cân đối của hệ thống GTVT trên trục Bắc - Nam; tạo một tuyến đường sắt mới tốc độ cao chạy trên trục Bắc - Nam mang tính xương sống giữ vai trò chủ đạo (chở khách kết hợp hàng hóa).
Về phương án đầu tư, Hội đồng Thẩm định nhà nước đề nghị Bộ GTVT tiếp thu chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng Chính phủ tại Thông báo số 1209-TB/BCSĐCP ngày 6/10/2022, hoàn thiện phương án “với kịch bản đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đường đôi khổ 1.435 mm để vận tải hành khách và hàng hóa, tốc độ thiết kế khoảng 200 - 250 km/h, tốc độ khai thác khoảng 200 km/h”. Bên cạnh đó, Bộ GTVT cần tiếp thu ý kiến của Tư vấn thẩm tra về cấp tốc độ thiết kế, phương án khai thác, hướng tuyến, vị trí nhà ga, khung tiêu chuẩn, công nghệ áp dụng để hoàn thiện phương án đầu tư đảm bảo khả thi, tiết kiệm, hiệu quả.
Theo lãnh đạo Bộ GTVT, Dự án Đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là công trình có tầm chiến lược, tạo động lực đột phá để phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của đất nước, có tiêu chuẩn kỹ thuật - công nghệ phức tạp, nguồn lực đầu tư đặc biệt lớn; là dự án chưa có tiền lệ, lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam nên cần được nghiên cứu thận trọng, kỹ lưỡng để lựa chọn phương thức và nguồn vốn đầu tư, yếu tố kỹ thuật (công nghệ, tốc độ khai thác, đối tượng phục vụ...), mô hình khai thác hợp lý trên cơ sở phù hợp với xu thế phát triển của quốc tế, điều kiện của Việt Nam, bảo đảm tầm nhìn chiến lược, dài hạn.
Như vậy, số liệu đầu vào của Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đã có thay đổi; quan điểm, định hướng về phát triển đường sắt tốc độ cao đã có điều chỉnh. Bên cạnh đó, để triển khai Luật Quy hoạch, cần cập nhật các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh được duyệt vào kết quả nghiên cứu dự án.
“Với hàng loạt thay đổi nêu trên, để hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, cần phải rà soát, cập nhật, bổ sung nhiều nội dung nghiên cứu nên cần nhiều thời gian và phải huy động tư vấn quốc tế có kinh nghiệm để nghiên cứu”, ông Nguyễn Danh Huy, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết.
Được biết, Bộ GTVT đang chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp thu ý kiến của Hội đồng Thẩm định nhà nước. Đồng thời, thực hiện Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/02/2023 của Bộ Chính trị, Bộ GTVT đã tổ chức đoàn công tác đi học hỏi kinh nghiệm tại một số quốc gia có hệ thống đường sắt tốc độ cao phát triển như châu Âu, Trung Quốc để cập nhật, bổ sung hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án.
“Để có đầy đủ cơ sở khoa học, khách quan, Bộ GTVT sẽ huy động tư vấn quốc tế có kinh nghiệm để nghiên cứu, hoàn thiện, làm cơ sở trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định chủ trương đầu tư trong năm 2025 theo đúng Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/02/2023 của Bộ Chính trị”, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết.