Lên lộ trình 'nâng đời' các tuyến cao tốc phân kỳ 2 làn xe

0:00 / 0:00
0:00
Hai đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông quy mô 2 làn xe nằm trong nhóm ưu tiên 1 để khẩn trương hoàn tất các thủ tục đầu tư cho việc nâng cấp, mở rộng lên 4 làn xe tiêu chuẩn bằng nguồn vốn đầu tư công.
Cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn Cam Lộ - La Sơn

Cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn Cam Lộ - La Sơn

Thông đoạn “thắt cổ chai”

“Chúng tôi vừa hoàn tất việc giải trình, hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Mở rộng cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn La Sơn - Hòa Liên để báo cáo Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) xem xét, gửi cơ quan thường trực Hội đồng Thẩm định Nhà nước là Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định theo quy hoạch”, ông Nguyễn Vũ Quý, Giám đốc Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh nói.

Được biết, ngay sau khi nhận được Công văn số 1264/BKHĐT-PTHTĐT ngày 22/2/2024 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc giải trình Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Mở rộng cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn La Sơn - Hòa Liên, Bộ GTVT đã có văn bản hỏa tốc chỉ đạo Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh khẩn trương làm rõ các nội dung yêu cầu. “Gần một tuần qua, Ban Quản lý đã huy động tổng lực cán bộ chuyên môn trong đơn vị và tư vấn lập Dự án làm không kể ngày nghỉ để kịp giải trình theo đúng tiến độ do Bộ GTVT yêu cầu”, ông Quý cho biết.

Dự án Mở rộng cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn La Sơn - Hòa Liên là một trong hai phân đoạn duy nhất trên tuyến cao tốc xuyên Việt hiện chỉ có quy mô 2 làn xe. Cả hai đoạn tuyến này đều đi trùng với tuyến đường Hồ Chí Minh.

Trước đó, cuối tháng 12/2023, Bộ GTVT đã có Tờ trình số 14605/TTr-BGTVT đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Mở rộng cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn La Sơn - Hòa Liên, với tổng mức đầu tư khoảng 3.011 tỷ đồng. Theo đề xuất của Bộ GTVT, Dự án sẽ nâng cấp 66 km đường 2 làn xe hiện hữu lên quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh với bề rộng nền đường 22 m, bề rộng mặt đường 20,5 m.

Dự án dự kiến bố trí từ nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025, trong đó từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã được bố trí để thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư là 1,173 tỷ đồng và dự kiến cân đối từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 được thông báo tại Văn bản số 1303/TTg-KTTH ngày 6/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ là 3.009,827 tỷ đồng.

“Do tính chất quan trọng của Dự án, Bộ GTVT sẽ triển khai ngay các thủ tục theo quy định, để sớm khởi công công trình. Mục tiêu là hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư là từ năm 2023 đến 2024; triển khai thi công xây dựng công trình từ năm 2024 đến năm 2025”, lãnh đạo Bộ GTVT thông tin.

Một dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông được phân kỳ đầu tư theo quy mô 2 làn xe khác cũng vừa được Bộ GTVT giao Ban Quản lý dự án Hồ Chí Minh hoàn thiện lại phương án đầu tư, mở rộng lên quy mô 4 làn xe là đoạn Cam Lộ - La Sơn.

Theo tính toán sơ bộ, vốn đầu tư để nâng cấp, mở rộng 98 km cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn Cam Lộ - La Sơn từ quy mô 2 làn xe lên 4 làn xe tiêu chuẩn, có làn dừng khẩn cấp liên tục là khoảng 6.500 tỷ đồng. Phương án này từng được lập năm 2020, nhưng hiện vẫn cần cập nhật lại cho phù hợp với tình hình thực tế, trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Ngoài việc phần lớn đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn Cam Lộ - La Sơn - Hòa Liên đã thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng theo quy mô 4 làn xe, một điểm thuận lợi lớn để có thể rút ngắn “lên đời” đoạn cao tốc “thắt cổ chai”, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông này là nền đường toàn tuyến đã cơ bản hoàn thiện theo quy mô 4 làn xe với chiều rộng nền đường 22 m.

“Các đơn vị thi công chỉ cần tiến hành xử lý kỹ thuật để đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật của dự án, an toàn trong khai thác rồi tiến hành thảm bê tông nhựa”, ông Quý cho biết.

Phát pháo lệnh

Được biết, quá trình đánh giá và nghiên cứu đầu tư nâng cấp các tuyến đường bộ cao tốc đang khai thác theo quy mô phân kỳ đầu tư đã được Bộ GTVT khởi động từ hơn 1 năm trước trên cơ sở các ý kiến chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ. Đến tháng 12/2023, Bộ GTVT đã có báo cáo đầu tiên gửi Chính phủ về kết quả đánh giá và nghiên cứu đầu tư nâng cấp các tuyến đường bộ cao tốc đang khai thác theo quy mô phân kỳ đầu tư.

Bộ GTVT đang khẩn trương rà soát lại kết quả nghiên cứu trên cơ sở chỉ đạo mới nhất của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Công điện số 16/CĐ-TTg ngày 21/2/2024 về việc đẩy nhanh tốc độ nghiên cứu, triển khai đầu tư nâng cấp các tuyến đường bộ cao tốc đang khai thác, đang đầu tư theo quy mô phân kỳ.

Theo báo cáo mới nhất của Cục Đường cao tốc Việt Nam, sơ bộ tổng nhu cầu vốn nâng cấp các tuyến đường cao tốc 2 làn xe khoảng 82.911 tỷ đồng. Trên cơ sở tình hình giao thông và khả năng bố trí vốn, Cục Đường cao tốc Việt Nam dự kiến phương án đầu tư sắp xếp theo thứ tự ưu tiên gồm 3 nhóm.

Cụ thể, nhóm ưu tiên 1 sẽ tập trung mở rộng các đoạn trên cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Đây là các tuyến cao tốc đặc biệt quan trọng, thuộc dự án quan trọng quốc gia, gồm 98 km đoạn Cam Lộ - La Sơn và 66 km đoạn La Sơn - Hòa Liên. Sơ bộ nhu cầu vốn nhà nước đối với nhóm này khoảng 9.511 tỷ đồng; trong đó đã bố trí khoảng 3.011 tỷ đồng mở rộng đoạn La Sơn - Hòa Liên và cần bổ sung khoảng 6.500 tỷ đồng để mở rộng đoạn Cam Lộ - La Sơn.

Nhóm ưu tiên 2 sẽ dành nguồn lực mở rộng các tuyến đang xây dựng nhằm kịp thời điều chỉnh để tiết kiệm chi phí gồm 10.000 tỷ đồng mở rộng 93 km đoạn Đồng Đăng - Trà Lĩnh; 12.700 tỷ đồng mở rộng 84 km đoạn Chơn Thành - Đức Hòa; 10.100 tỷ đồng mở rộng 104 km đoạn Tuyên Quang - Hà Giang; 2.500 tỷ đồng mở rộng 9 km ven biển Hải Phòng.

Nhóm ưu tiên 3 sẽ tiến hành mở rộng một số tuyến đang khai thác và đang chuẩn bị đầu tư, gồm: 53 km cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu qua Hòa Bình (đoạn Km0 - Km19 và đoạn Km19 - Km53 đang chuẩn bị đầu tư); 32 km cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu qua Sơn La đang chuẩn bị đầu tư; cao tốc Nội Bài - Lào Cai đoạn Yên Bái - Lào Cai đang khai thác; cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình đang khai thác; cao tốc Thái Nguyên - Chợ Mới đang khai thác. Sơ bộ nhu cầu vốn cho nhóm ưu tiên 3 là khoảng 38.100 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải là phương án cuối cùng bởi Bộ GTVT đang chờ các đề xuất đầu tư, nâng cấp các tuyến đường bộ cao tốc đã và đang đầu tư theo quy mô phân kỳ từ các địa phương để tổng hợp, hoàn chỉnh báo cáo Thủ tướng.

“Việc đầu tư nâng cấp, mở rộng các tuyến cao tốc phân kỳ 2 làn, hay 4 làn xe hạn chế không phải trách nhiệm của riêng Bộ GTVT. Các địa phương và các bộ, ngành liên quan cần chung tay đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, xây dựng lộ trình đầu tư tối ưu, trong đó cần coi Công điện số 16/CĐ-TTg của Thủ tướng là phát pháo lệnh để khẩn trương nâng đời các tuyến cao tốc phân kỳ đáp ứng yêu cầu giao thông của đất nước”, ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình đường bộ nhận xét.

Các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến phân kỳ cao tốc

Quy hoạch đường cao tốc phải có tầm nhìn dài hạn, tổng thể (tiêu chuẩn hoàn thiện tối thiểu 4 làn xe ô tô, đủ làn dừng khẩn cấp, vận tốc thiết kế 80-100km/h; tuyến thẳng nhất có thể, hạn chế tối đa đi qua khu dân cư, quân sự; tinh thần là qua sông bắc cầu, qua núi, qua đồi thì làm hầm và qua đồng bằng thì đắp đất, đổ cát) và có kế hoạch đầu tư hoàn thiện đúng tiêu chuẩn cao tốc, không đầu tư cao tốc quy mô hạn chế 2 làn xe, gây lãng phí nguồn lực và thời gian nâng cấp, mở rộng. (Thông báo số 29/TB-VPCP ngày 15/2/2023).

Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát việc bố trí vốn cho các dự án cao tốc bảo đảm đầu tư tối thiểu 4 làn xe cao tốc, có điểm dừng xe, làn dừng xe khẩn cấp, dứt khoát không đầu tư đường cao tốc 2 làn xe hạn chế gây lãng phí vốn đầu tư, khai thác không hiệu quả và mất thêm thời gian, thủ tục để nâng cấp. (Thông báo số 63/TB-VPCP ngày 2/3/2023).

Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với ngay các địa phương liên quan khẩn trương nghiên cứu phương án đầu tư, nâng cấp các tuyến đường bộ cao tốc đã được đầu tư phân kỳ đạt quy mô cao tốc hoàn chỉnh, phù hợp với tiêu chuẩn thiết kế, nhu cầu vận tải theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các văn bản nêu trên; trong đó tập trung đầu tư sớm nhất đối với các tuyến đường bộ cao tốc quy mô 2 làn xe. Đồng thời, rà soát bổ sung đầy đủ, đồng bộ các công trình hạ tầng trên tuyến (như hệ thống giao thông thông minh, trạm dừng nghỉ...); báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3/2024. (Công điện số 16/CĐ-TTg ngày 21/2/2024).

Tin bài liên quan