Lê Việt Cường, nhà sáng lập Vụn ART: Ghép những mảnh vụn để viết giấc mơ của người khuyết tật

0:00 / 0:00
0:00
Từ những mảnh lụa vụn, Vụn Art đã đưa lên những sản phẩm thường dùng, như áo dài, áo phông... Sự khác biệt và sáng tạo đã giúp Vụn Art tồn tại và tạo việc làm cho người khuyết tật.
Doanh nhân Lê Việt Cường trong một buổi làm việc tại Vụn Art

Doanh nhân Lê Việt Cường trong một buổi làm việc tại Vụn Art

Tuổi lên 5 của Vụn Art

Trong căn “xưởng” nhỏ cách không xa cổng Trung tâm Bảo tồn lụa Vạn Phúc (phường Vạn Phúc, quận Hà Đông), Tuệ - cậu bé khuyết tật tự kỷ, tăng động đã có gần một năm học nghề tại Vụn Art - từng bước gấp dán bản giấy kraft nâu thành chiếc túi giấy nhỏ. Đây là một trong các công đoạn sản xuất đưa sản phẩm của Vụn Art đến tay người dùng. Ngoài giúp giảm chi phí mua ngoài, sử dụng bao bì thân thiện với môi trường, quan trọng hơn, khâu này đủ đơn giản để những lao động mới được đào tạo có thể thực hiện.

Vụn Art là một hợp tác xã đặc biệt, tạo việc làm cho nhiều người khuyết tật. Tôi có cuộc hẹn với anh Lê Việt Cường - một trong ba người sáng lập Vụn Art và cũng là một người khuyết tật vận động. Căn bệnh bại liệt năm 1 tuổi đã khiến anh trở thành một người khuyết tật.

Tốt nghiệp ngành toán - tin, sau một khoảng thời gian không tìm được việc làm, anh Lê Việt Cường được nhận vào làm việc tại Viện Châm cứu Việt Nam của GS. Nguyễn Tài Thu trong 14 năm, đến khi GS. Nguyễn Tài Thu nghỉ hưu. Sau đó, anh chuyển sang làm việc tại một doanh nghiệp tư nhân và hiện tiếp tục duy trì công việc, song song với các hoạt động tại hợp tác xã này.

Vụn Art đến nay đã hoạt động được 5 năm, nhưng trong đó, có đến 3 năm đầu dành thời gian để dạy nghề. Không nhiều cơ sở nhận người lao động khuyết tật chưa qua đào tạo như Vụn Art. Theo anh Cường, việc đào tạo cần nhiều hơn thời gian và sự kiên trì, chắc chắn không thể tính bằng tháng, mà cần tính bằng năm để các em có thể đảm nhận được các công đoạn. Đầu tư cho người khuyết tật còn là đầu tư rủi ro, vì tính cam kết ở lại của các bạn khá thấp.

Hiện tại, Hợp tác xã tạo việc làm cho gần 30 lao động, với nhiều dạng khuyết tật khác nhau. Nguồn thu từ hoạt động kinh doanh hiện nay cũng chủ yếu được quay vòng dành tiền cho việc đào tạo.

Cùng với việc dành nguồn lực để đào tạo, giai đoạn đầu của Vụn Art còn là khoảng thời gian đi tìm sản phẩm đầu ra vừa phù hợp với trình độ của người khuyết tật, vừa phù hợp nhu cầu thị trường. Cột mốc năm 2020 được anh Cường tự hào nhắc đến là giai đoạn Vụn Art đã phát triển được sản phẩm vừa thích hợp với người khuyết tật, vừa đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Tuy nhiên, bước sang năm 2021, đại dịch bùng lên tại Việt Nam đã khiến Hợp tác xã gần như không có doanh thu ở nhiều khoảng thời gian. Biến cố khó lường này đã ảnh hưởng đến hàng loạt doanh nghiệp và càng tác động nặng nề hơn đối với tổ chức không có sẵn dự phòng tài chính như Vụn Art.

Đầu ra của Vụn Art đi theo kênh phân phối cho khách hàng doanh nghiệp (B2B), kênh bán cho khách hàng cá nhân (B2C). Trong đại dịch, khi không còn phương án nào, trong đó kênh B2B đặc biệt trầm lắng, Vụn Art thử nghiệm bán trên sàn thương mại điện tử Amazon, Tiki, nền tảng mạng xã hội, cùng các chiến lược mới, như tập trung cá nhân hoá sản phẩm theo yêu cầu của khách hàng và tự vận chuyển hàng để không phụ thuộc bởi hoàn cảnh giãn cách.

Tuy nhiên, không phải thử nghiệm nào cũng thành công, bởi theo nhà sáng lập Vụn Art, việc thuê kho hàng tại Amazon không mang lại hiệu quả. Thất bại này cũng là bài học cho Vụn Art trong việc xác lập kênh phân phối, bởi thời gian thực hiện hành vi mua hàng cần đủ dài để người mua có thể hiểu sản phẩm cùng câu chuyện riêng của Vụn Art.

Ở tuổi lên 5, người đứng đầu Vụn Art cũng thừa nhận mình đang trong quá trình lần tìm con đường đi, làm sao để với sự hỗ trợ của cộng đồng, Hợp tác xã có thể tìm được sản phẩm và mô hình tối ưu. Hợp tác xã vẫn đang vừa làm, vừa điều chỉnh, mày mò, thử nghiệm. Có thất bại, nhưng Vụn Art không chùn bước.

Để những mảnh vụn không lẻ loi

Chia sẻ về cái tên Vụn Art, nhà sáng lập Lê Việt Cường cho biết, sở dĩ chọn tên Vụn là bởi mỗi người khuyết tật giống như một mảnh vải vụn nhỏ nhoi. Sự hỗ trợ của chính quyền và cộng đồng giống như chất keo kết dính để người khuyết tật ghép lại thành mảng lớn hơn. “Khi không còn là miếng vải vụn bé nhỏ nữa, chúng ta ghép thành miếng vải lớn, thì trên miếng vải đó sẽ vẽ được giấc mơ của mình”, Lê Việt Cường cho hay.

Còn về chữ Art (nghệ thuật) cũng chính là mong muốn đưa yếu tố sáng tạo vào các sản phẩm sử dụng được hàng ngày. Con đường mà Vụn Art đi là tìm sản phẩm phù hợp với người khuyết tật, không cần lao động quá nặng nhọc và mang tính nghệ thuật để tạo ra sự khác biệt.

Ban đầu, Vụn Art làm tranh lụa, từ việc tận dụng các nguyên liệu thừa cũng chính là các mảnh lụa vụn trong quá trình sản xuất ở ngay tại làng lụa Vạn Phúc. Chọn ghép tranh dân gian bằng lụa theo nguyên mẫu, nhưng những ngày đầu, tay nghề chưa hoàn thiện, đầu ra sản phẩm rất thấp. Đến nay, hợp tác xã này đã đưa lụa lên áo dài, áo phông, túi tote… Chất keo mà phải sau tới 3 lần thử/sai mới có thể tìm ra đã giúp sản phẩm có thể giặt được bình thường như sản phẩm in.

“Ngoài Vụn Art, chưa có đơn vị nào tại Việt Nam đưa vải vụn lên sản phẩm. Cái khác biệt lớn nhất của sản phẩm Vụn Art hiện này là sản phẩm sử dụng chất liệu lụa, nhưng có thể giặt được bình thường và không bị bong tróc, phai màu. Yếu tố khác biệt thứ hai là sự sáng tạo của người khuyết tật, mà đứng sau đó là sự cố vấn của các hoạ sĩ, người làm truyền thông, marketing hoạch định, tìm hướng phát triển sản phẩm. Sự khác biệt và sáng tạo đã giúp Vụn Art sống được”, anh Cường tự hào về sản phẩm của Vụn Art.

Nhà sáng lập Vụn Art cũng đầy tự hào khi nhận được nhiều sự giúp đỡ từ các tình nguyện viên là các chuyên gia hàng đầu dạy nghề miễn phí, tư vấn về phát triển sản phẩm, truyền thông giúp Hợp tác xã hoàn thiện bức tranh lớn của mình.

Tại Vụn Art, người lao động khuyết tật được phân công đảm nhận các công đoạn phù hợp từ “thô” đến “tinh”
Tại Vụn Art, người lao động khuyết tật được phân công đảm nhận các công đoạn phù hợp từ “thô” đến “tinh”

Không chỉ là tìm sản phẩm đầu ra phù hợp, điều Vụn Art cần làm còn là phân công, tổ chức bộ máy để từng lao động khuyết tật đảm nhận các công đoạn phù hợp với khả năng. Đặc biệt, trong những giai đoạn cần chạy gấp đơn hàng trong thời gian ngắn, cần phân ra cụ thể và chi tiết các công đoạn để giao việc cho từng người. Ngay việc làm các bao bì kraft cũng là công đoạn được Vụn Art tính toán, ưu tiên dành để dạy nghề cho người lao động. Tại hợp tác xã này, lao động khuyết tật không lẻ loi, mà được đặt vào đúng khâu, đúng công đoạn để đóng góp giá trị gia tăng vào sản phẩm chung trước khi đến tay người dùng.

Mong muốn thay đổi góc nhìn về người khuyết tật

Kể chuyện về các lần tìm kiếm đơn hàng cho Vụn Art, anh Lê Việt Cường cũng thừa nhận, ngay kênh B2B, phải tiếp cận đến 10 doanh nghiệp thì may ra mới có một đơn hàng. Có nhiều doanh nghiệp không tin sản phẩm do người khuyết tật làm. Cũng rất khó thuyết phục các tổ chức đặt mua nếu chỉ nhìn vào giá, mà không quan tâm đến câu chuyện hay việc chia sẻ trách nhiệm cộng đồng.

Theo anh Cường, một nguyên tắc mà Vụn Art đã luôn tuân thủ kể từ khi thành lập là không nhận tiền tài trợ, trừ tiền hỗ trợ đào tạo nghề, đồng thời, khuyến khích các đối tác mua sản phẩm, bởi việc nhận tiền tài trợ sẽ gây ra tình trạng ỷ lại từ chính người khuyết tật. Trong khi đó, thay vì ngồi chờ đợi, điều quan trọng hơn là khuyến khích người khuyết tật tạo ra giá trị.

Quan điểm của người đứng đầu Vụn Art trong kinh doanh là không có khía cạnh từ thiện và cũng không lấy việc là người khuyết tật để nhận tài trợ. Điều Vụn Art muốn làm là mang lại việc làm ổn định cho các bạn khuyết tật, đặt doanh số và cũng là việc làm cho người khuyết tật lên trước trước lợi nhuận.

Một quan điểm cũng được nhà sáng lập Vụn Art xác định từ đầu là sản phẩm không được phép khuyết tật. Người khuyết tật cần thay đổi cách nghĩ, cách làm ra sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của khách hàng để khách hàng có cách nhìn khác về sản phẩm do người khuyết tật làm ra.

Mong muốn lớn nhất của anh Cường là có thể chuyển đổi từ mô hình dựa trên sự hỗ trợ của cộng đồng, chính quyền thành mô hình có thể tự sống được, bởi sống bằng sự ủng hộ, giúp đỡ sẽ không bền vững, lâu dài được, kể cả sống được chục năm, thì cũng chỉ ở trạng thái lay lắt.

Cần thêm động lực để người khuyết tật tham gia thị trường lao động

Chính sách bảo hiểm người khuyết tật khi tham gia thị trường lao động là một trong những trăn trở của anh Lê Việt Cường nhiều năm nay. Trong trường hợp không tham gia thị trường lao động, người khuyết tật được hưởng bảo hiểm 90%. Nếu tham gia lao động, tỷ lệ hưởng bảo hiểm của người khuyết tật sẽ thấp hơn. Số tiền bảo hiểm sẽ do doanh nghiệp nhận lao động khuyết tật đóng toàn bộ.

Nhà sáng lập Vụn Art nhìn nhận, đây là một trong các bất cập trong chính sách, tạo ra rào cản kéo họ ở nhà, do không còn được hưởng chính sách bảo hiểm như khi không lao động. “Tôi mong có nhiều doanh nghiệp nhận lao động khuyết tật hơn và có thể nhìn ra, có tiếng nói đủ lớn để kiến nghị thay đổi chính sách này”, anh Cường cho hay.

Sự thay đổi về mặt chính sách trên sẽ tạo điều kiện và động lực cho các doanh nghiệp tiếp cận nhiều người khuyết tật hơn và kéo được nhiều người khuyết tật tham gia thị trường lao động.

Tin bài liên quan