Lẻ loi như Đóng tàu Sông Cấm

Lẻ loi như Đóng tàu Sông Cấm

Giữa “hạn hán, mất mùa” kéo dài nhiều năm, thành công của Nhà máy Đóng tàu biển Sông Cấm - Hải Phòng thực sự là một ốc đảo, gieo niềm tin về một ngày phục hồi không xa của ngành đóng tàu Việt Nam.  

Lẻ loi như Đóng tàu Sông Cấm ảnh 1

Nhịp búa vẫn rộn ràng tại Nhà máy Đóng tàu Sông Cấm

Niềm hy vọng  Sông Cấm

Hồi còi tầm thúc thợ vào ca vang lộng như chiếc chổi thần quét nhanh những tảng sương mù lảng bảng trên triền đà của Nhà máy Đóng tàu Sông Cấm đang chật ngất những modul tàu đồ sộ chờ lắp dựng. Chỉ mất vài phút cho công tác giao ca, tiếng gõ búa đã bắt đầu nhịp hối hả giữa những ánh lửa hàn lóe lên khắp các xưởng tàu của nhà máy.

Giữa cảnh hoang lạnh của nhiều nhà máy đóng tàu biển trên khắp nước, những nhịp búa gõ rộn ràng của Sông Cấm khiến nhiều người ví von đây như một “ốc đảo xanh tươi” của ngành đóng tàu Việt.

“700 cán bộ, công nhân của Nhà máy đang chạy đua để ngay đầu năm mới hoàn tất 11 sản phẩm bàn giao cho đối tác nước ngoài”, ông Phạm Mạnh Hà, Tổng giám đốc Nhà máy Đóng tàu sông Cấm - đơn vị thành viên của Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (SBIC) vui vẻ nói.

Giữa tràn ngập những thông tin về nợ, lỗ, thất nghiệp, thiếu đơn hàng, việc Sông Cấm không những sống khỏe, mà còn lo thêm gần 2.000 việc làm cho các đơn vị cung cấp sản phẩm phụ trợ thuộc SBIC thực sự là điều bất ngờ.

Tuy vậy, 11 sản phẩm sắp bàn giao chỉ là một phần nhỏ (chưa đến 1/3) trong tổng số hợp đồng mà Sông Cấm hiện có. Bốn cơ sở của Nhà máy đang nắm trong tay 36 đơn hàng. Điều này cũng có nghĩa là, đơn vị đã có hợp đồng “gối đầu” trong năm 2014, trong đó có những dây chuyền đủ việc để làm đến tận cuối năm, chưa kể hai hợp đồng đang chuẩn bị được ký kết từ Thái Lan chuyển về cho Nhà máy sau khi Nhà máy Đóng tàu Bến Kiền sáp nhập.

Cũng phải nói thêm rằng, các hợp đồng mà Sông Cấm đều đặn có được không phải là những hợp đồng đóng tàu container cỡ lớn, hay những gam tàu panamax trọng tải trên 50.000 DWR, mà là những hợp đồng “tầm trung”. Tuy nhiên, đây đều là những hợp đồng đóng tàu chuyên dụng, đặc chủng với hàm lượng công nghệ cao như tàu cao tốc, tàu cứu nạn hàng hải, hay tàu kéo có sức kéo lớn và rất hiện đại.

“Không chỉ giúp Nhà nước đỡ tốn ngoại tệ, sản phẩm của chúng tôi còn xuất khẩu đi khắp nơi trên thế giới”, ông Hà nói thêm.

Vị lãnh đạo Sông Cấm không nói ngoa, bởi ngoài hệ thống các tàu tìm kiếm cứu nạn - SAR rất nổi tiếng, cuối tháng 10/2013, tàu kéo ASD dài hơn 32 m, rộng 13 m, có sức kéo đến 81 tấn, đã được Nhà máy bàn giao cho chủ tàu. Cũng trong tháng 10, tàu kéo có sức kéo 57 tấn cũng được giao cho phía Australia.

Trong khi không ít đơn vị của ngành đóng tàu bị phạt, bị hủy hợp đồng, thua lỗ liên miên, Sông Cấm âm thầm tiến lên với doanh thu và lãi năm sau vượt năm trước, đặc biệt là từ khi chuyển sang mô hình cổ phần, liên doanh với Damen - đối tác Hà Lan.

Nhìn vào báo cáo tài chính bốn năm lại đây, cũng là khoảng thời gian công nghiệp đóng tàu suy thoái, Vinashin bên bờ phá sản, thì ít người dám tin đó lại là doanh thu của… một công ty con thuộc gia đình Vinashin. Cụ thể, năm 2010, giá trị sản lượng 814,5 tỷ đồng, năm 2011 tăng lên 1.004 tỷ đồng, tăng thêm 100 tỷ đồng một năm sau đó và dự kiến hết năm 2013 là 1.300 tỷ đồng.

 

Kiên trì với “đóng tàu là chủ đạo”

Ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT), người từng có thời gian giữ chức Chủ tịch Hội đồng Thành viên Vinashin, cho hay, trong số những “đứa con ruột” của Vinashin (tức ngoài những đơn vị liên kết, góp vốn bằng thương hiệu), thì Sông Cấm là đơn vị hầu như duy nhất có lãi suốt nhiều năm nay.

Khởi thủy từ việc hợp tác với Hãng Damen (Hà Lan) trong hơn 10 năm bằng việc đóng tàu chuyên dụng cho Cục Hàng hải Việt Nam theo hợp đồng và thiết kế của đối tác ngoại, Sông Cấm đã chinh phục được những nhà đầu tư của tập đoàn đóng tàu vào hàng lớn nhất thế giới bằng những sản phẩm chất lượng cao. Từ năm 2010, Sông Cấm chính thức liên doanh với đối tác hàng đầu Hà Lan và liên doanh sẽ bắt đầu sản xuất những sản phẩm đầu tiên trong quý I/2014.

Theo lãnh đạo Sông Cấm, liên doanh Việt Nam - Hà Lan trong lĩnh vực đóng tàu này có vốn điều lệ 28 triệu euro và số tiền đầu tư trong giai đoạn đầu là 60 triệu euro, trong đó Sông Cấm góp 30%. “Nhà máy liên doanh sẽ chỉ tập trung hoàn thiện tàu chuyên dụng. Chúng tôi đặt mục tiêu xuất xưởng 25 tàu trong năm 2014. Sau khi hoàn thiện, mỗi năm, Nhà máy đủ sức hoàn thiện 50 tàu, giải quyết việc làm cho 800 lao động”, lãnh đạo Sông Cấm quả quyết.

Đại diện Damen xác nhận, từ chỗ chỉ đóng thuê theo thiết kế của Damen, thì tới đây, văn phòng thiết kế tàu sẽ được đặt ngay bên bờ sông Cấm.

Ông Phạm Mạnh Hà cho biết, sau khi sáp nhập Bến Kiền vào Sông Cấm, Damen muốn mua 70% cổ phần và muốn xây dựng liên doanh Damen - Sông Cấm thành liên doanh lớn nhất trong số 35 liên doanh của Damen ở nước ngoài.

Cần phải nói thêm rằng, trong số các hãng đóng tàu chuyên dụng, Damen là thương hiệu số một thế giới về tàu hộ tống tàng hình lớp Sigma - loại tàu cực hiện đại đang đóng vai trò xương sống trong các hạm đội tàu quân sự của nhiều quốc gia phương Tây.

Đó là chuyện tương lai, còn trước mắt, Damen sẽ chuyển dần các hợp đồng đóng tàu ở nước ngoài tại Việt Nam, mà trước tiên là các sản phẩm từ Trung Quốc, châu Âu đưa về cho liên doanh. Tất cả đều bắt đầu từ những đơn hàng hoàn thành với chất lượng cao mà Nhà máy giao cho Damen trong suốt 5 năm qua.

“10 năm qua, chúng tôi làm ăn có lãi cũng là nhờ chỉ chuyên tâm vào việc đóng tàu với dòng sản phẩm tàu chuyên dụng có hàm lượng công nghệ, chất xám cao”, ông Hà cho biết.

Nói một cách dân dã thì Sông Cấm thành công là nhờ vận dụng đúng phương châm “nhất nghệ tinh”, thay vì ồ ạt chạy theo mốt đa ngành, đa sản phẩm mà nhiều đơn vị trong chính ngành đóng tàu Việt Nam đã phải trả giá rất đắt, thậm chí đang lay lắt trên bờ vực phá sản.

Được biết, tại buổi thăm và làm việc với Nhà máy mới đây, Thứ trưởng Bộ GTVT phụ trách hàng hải và đóng tàu Nguyễn Văn Công đã đánh giá rất cao mô hình và hướng đi của Sông Cấm

“Sông Cấm cũng cho thấy, việc tái cơ cấu Vinashin theo con đường tập trung đóng và sửa chữa tàu với những sản phẩm chuyên dụng, kể cả những sản phẩm tàu cá quy mô lớn là hướng đi đúng đắn và cần phải kiên trì”, ông Công khẳng định.

Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với chiến lược điều chỉnh ngành công nghiệp đóng tàu mà Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ mới đây.

“Mặc dù ngành đóng tàu thế giới đang trong giai đoạn rất khó khăn, nhưng SBIC vẫn sẽ trụ vững nhờ những lối mở, những mô hình thành công như trường hợp của Sông Cấm”, ông Nguyễn Ngọc Sự, Chủ tịch Hội đồng Thành viên SBIC đánh giá.

 

>>Vinashin - những sai lầm tỷ đô