Quyết định "đứng mũi chịu sào"
Tổng giám đốc CTCP Xuân Hòa Việt Nam, doanh nhân Lê Duy Anh là cái tên mới mẻ với làng nội thất Việt, nhưng một Lê Duy Anh trong marketing, bán hàng thì đã rất quen thuộc, gắn với nhiều tên tuổi đình đám cả trong và ngoài nước.
Không như nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học phải chật vật tìm kiếm một công việc tạm chấp nhận được, Lê Duy Anh đã đi làm cho các công ty nước ngoài và dần giữ những vị trí quan trọng.
Tôi tự hỏi, tại sao mình không đứng ra chèo lái một doanh nghiệp tiềm năng, để vận dụng những kinh nghiệm thu nhận được trong mười mấy năm rèn giũa ở môi trường chuyên nghiệp, giúp cho doanh nghiệp và người lao động Việt có cơ hội phát triển tương xứng với tiềm năng của mình.
- Ông Lê Duy Anh.
Anh đã đặt chân qua những vị trí như Giám đốc bán hàng miền Bắc bia San Miguel (Philippines), 7 năm ở vị trí Giám đốc bán hàng khu vực của Unilever, hay Giám đốc bán hàng miền Bắc cho nhãn hàng sữa Anlene… Thấm thoát, Lê Duy Anh đã bước qua 14 năm ở các doanh nghiệp nước ngoài tên tuổi, giữ những vị trí quan trọng trong bán hàng, phát triển thị trường.
“14 năm ‘làm thuê’ ấy, tôi học được rất nhiều điều. Từ kỹ năng bán hàng, cách triển khai hệ thống bán hàng chuyên nghiệp, vốn còn mới mẻ với doanh nghiệp Việt Nam ở thời điểm đó, cho đến kinh nghiệm quản lý… Đó là những bài học không đo đếm được giá học phí, không phải ai muốn và cứ bỏ tiền ra cũng có cơ hội được học”, Lê Duy Anh chia sẻ.
Cuộc sống khi làm việc cho Tây, lại ở những vị trí mơ ước như thế, như Lê Duy Anh nói, tưởng như không có gì khiến anh tính đến chuyện phải thay đổi. Ăn ở tiện nghi, đi khắp đây đó, hiệu quả công việc tốt… Vậy mà, Lê Duy Anh quyết định dừng bước phiêu lưu với các doanh nghiệp nước ngoài để đầu tư chất xám, kinh nghiệm làm việc cho các công ty trong nước.
Điều khiến Lê Duy Anh có quyết định bước ngoặt là trong thời gian làm việc cho các doanh nghiệp nước ngoài, anh vẫn dành thời gian tham gia các buổi nói chuyện, chia sẻ kinh nghiệm và đào tạo, nâng cao kỹ năng bán hàng cho lãnh đạo các doanh nghiệp Việt.
Anh nhận ra rằng, nhiều doanh nhân Việt rất tài năng, tiềm năng. Điều họ thiếu là một phương pháp làm việc khoa học, bài bản, khiến nhiều người lúng túng không biết chọn hướng đi nào.
Đã quyết định là xắn tay vào việc, Lê Duy Anh lại thử sức mình ở cương vị Giám đốc Kinh doanh toàn quốc ở Lioa, rồi sau đó là triển khai hệ thống phân phối và marketing ở Bánh kẹo Tràng An…
Những con số tăng trưởng ấn tượng gấp 3, 4 lần ở Lioa và Tràng An càng củng cố nhận định của Lê Duy Anh rằng, những doanh nghiệp nội có tiềm lực nếu được đầu tư đúng hướng, có cách làm khoa học sẽ phát triển tốt. Và anh đi đến một quyết định táo bạo, chọn một công việc đầy thử thách, vị trí “đứng mũi chịu sào” ở Xuân Hòa và dày công làm một “cuộc cách mạng” để Xuân Hòa thực sự “thay da đổi thịt”, có một diện mạo mới.
“Tôi tự hỏi, tại sao mình không đứng ra chèo lái một doanh nghiệp tiềm năng, để vận dụng những kinh nghiệm thu nhận được trong mười mấy năm rèn giũa ở môi trường chuyên nghiệp kia, giúp cho doanh nghiệp và người lao động Việt có cơ hội phát triển tương xứng với tiềm năng của mình”, Lê Duy Anh nhớ lại khi quyết định sắm vai “thuyền trưởng” của mình.
Truyền nhiệt huyết “doanh nghiệp ngàn tỷ”
Lê Duy Anh nhận ra Xuân Hòa có một nền tảng tốt mà không nhiều doanh nghiệp Việt có được. Ngoài truyền thống, thương hiệu, Công ty còn có đội ngũ cán bộ đều tay, có dàn máy móc nhập từ nước ngoài vẫn đang chạy tốt, sản phẩm có chỗ đứng nhất định trên thị trường.
Không chỉ có thế, từ năm 1996, Công ty đã trở thành đối tác sản xuất khung ghế ô tô cho Hãng Toyota (Nhật Bản), mạ ốc vít cho Honda, là đối tác được các tập đoàn nội thất hàng đầu thế giới tin tưởng hợp tác như IKEA (Thụy Điển), Habitat (Pháp)…
Ông Lê Duy Anh (trái) trao đổi với công nhân tại xưởng
Nhưng nhận ra hạn chế cũng như tiềm năng của Xuân Hòa không có nghĩa là vị tân tổng giám đốc dễ dàng xoay chuyển tình hình.
Trước cán bộ toàn Công ty, tân Tổng giám đốc Lê Duy Anh thừa nhận áp lực khi nhận trọng trách chèo lái con thuyền Xuân Hòa. Áp lực là ở chỗ, Công ty có 35 năm truyền thống, thương hiệu và uy tín đã đi vào tiềm thức của nhiều khách hàng, nhiều năm qua vẫn có sự tăng trưởng, dù chỉ đôi ba phần trăm. Sự ổn định kiểu “bình bình” ấy đã dần tích tụ, tạo nên một “gánh nặng tư duy” không dễ vượt qua.
Không nhiều người nhận thấy, nhiều năm qua con thuyền ấy đã và đang chững lại, trở nên cũ kỹ, lạc hậu trước biến động của làn sóng hội nhập. Không nhiều người thấy cần phải thay đổi để Công ty có vị trí xứng tầm với tiềm năng của nó. Chưa kể, Công ty mới chuyển sang mô hình cổ phần, vẫn còn mới mẻ.
Những dự liệu về khó khăn đã đến, ngay khi anh đảm nhận vị trí Tổng giám đốc. Đây đó là những ánh mắt chưa thân thiện, còn dò xét, hoài nghi. Chỉ 3 tháng đầu, đã có hơn 10 cán bộ thuộc diện có kinh nghiệm, trình độ ở Công ty xin nghỉ. Có những người làm việc với tâm lý “để xem sao”, khi thấy công việc đã tăng lên, kỷ luật chặt hơn mà lương thì… chưa tăng.
Nhưng từng bước, từng bước, Tổng giám đốc Lê Duy Anh đã cho thấy “thói quen” nói là làm của mình, khiến mọi người nhìn anh với cái nhìn khác.
Anh cùng đội ngũ lãnh đạo Công ty triển khai từ những kế hoạch dài hơi mang tính chiến lược như thay đổi tư duy phát triển cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt, xây dựng hệ thống bán hàng, cải tiến quy trình sản xuất, áp dụng công nghệ mới, đến những việc nhỏ nhất như xuống từng xưởng máy kiểm tra quy trình, đi xuống các điểm bán hàng để nắm thị trường… Lê Duy Anh đã chứng minh, mọi người có thể yên tâm khi đặt niềm tin vào vị thuyền trưởng mới.
Qua năm đầu tiên hoạt động với mô hình công ty cổ phần, doanh thu sản xuất, kinh doanh của Xuân Hòa tăng 10% so với năm 2015, lợi nhuận tăng 80%. Quỹ lương của Công ty cũng tăng thêm 10%, giúp nâng cao thu nhập cho người lao động.
Việc cải tiến quy trình sản xuất TPS (Toyota Production System) giúp nâng cao năng suất lao động 20%, giảm tồn kho 50%, giảm thời gian sản xuất đáp ứng đơn hàng 50%, giảm tỷ lệ sản phẩm lỗi 10%.
Công ty đã mở rộng đại lý phân phối lên hơn 1.600 điểm so với 300 điểm đại lý trước đó. Năm 2016, Xuân Hòa đã đầu tư trên 30 tỷ đồng cho máy móc công nghệ mới từ Nhật Bản và Italia, đồng thời, chính thức thay đổi bộ nhận diện thương hiệu với logo và slogan mới “Mãi gắn bó, mãi bền lâu”, thể hiện cam kết về chất lượng và uy tín với khách hàng.
Kỳ vọng lớn phía trước mà Tổng giám đốc Lê Duy Anh nhắc tới, chính là đưa Xuân Hòa trở thành doanh nghiệp quy mô ngàn tỷ. Để đạt được mục tiêu đó, Lê Duy Anh cho biết, Công ty sẽ tiếp tục tập trung vào 2 chiến lược lớn trong 5 năm tới, gồm tối ưu các khâu, các nguồn lực để giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh và đầu tư cho bán hàng, marketing chuyên nghiệp. Từ đó, Công ty củng cố và mở rộng thị trường trong nước, khai thác thế mạnh xuất khẩu, đưa sản phẩm Xuân Hòa ra thị trường quốc tế.
“Tôi tin vào đội ngũ cán bộ của Công ty. Họ sẽ làm được, đạt được mục tiêu đó như cách mà họ đã làm khi tin vào việc sẽ thay đổi được tư duy 35 năm qua để làm nên một Xuân Hòa tươi mới hơn, nhiều sức sống và hiệu quả hơn trong thời gian qua”, Tổng giám đốc Lê Duy Anh bày tỏ.
Đó không chỉ là niềm tin, mà còn là tình yêu của vị Tổng giám đốc Xuân Hòa với một thương hiệu Việt, với một đội ngũ cán bộ, kỹ sư người Việt đang nỗ lực từng ngày để khẳng định chất lượng, uy tín của sản phẩm Việt trong dòng chảy cạnh tranh, hội nhập.
Đó cũng là điều đầu tiên Lê Duy Anh chia sẻ với toàn thể cán bộ nhân viên của Xuân Hòa trong ngày ra mắt Ban lãnh đạo mới, rằng: “Tất cả phải có tình yêu Công ty. Yêu Công ty chính là yêu bản thân chúng ta và gia đình chúng ta. Bởi chỉ như thế chúng ta mới có thể làm những điều tốt đẹp cho cuộc sống, cho xã hội được”.