1. Đó là một cô gái xinh đẹp, sống cùng chồng và con trai tại căn hộ dành cho tầng lớp trung lưu. Cô đã từng làm trong công ty truyền thông, sau đó tự mở cửa hàng bán đủ thứ đồ mà cô thấy có thể bán được.
Cô khá hóm hỉnh và cũng rất duyên. Khi nói chuyện, cô đưa tấm hình thời yêu đương mặn nồng với chồng, và nói: “Ngày mới yêu cả chàng và nàng đều chú tâm chăm sóc nhau lắm nha. Thời gian đầu được chàng mở cửa xe, được cài dây an toàn, thậm chí cả cột dây giày luôn.
Còn nàng thì theo chàng đi đánh tennis, ngồi cả buổi dưới nắng để vỗ tay động viên không hề thấy mệt. Cưới rồi, sinh con rồi, thì trời ơi, cứ như mặt trăng mặt trời.
Có hờn có giận thì cũng chẳng sao; 3 tháng quanh đi quẩn lại trong nhà không nhìn mặt nhau cũng chẳng sao; chụp hình mà níu tay và ôm hôn thì cả hai đều cảm thấy sượng sùng muốn chết!”.
Vì sao tình cảm lại thay đổi chóng mặt đến vậy, từ cả 2 phía? Đừng vội đổ lỗi cho đàn ông bớt ga-lăng, hay ra ngoài say nắng mà bớt tình với vợ. Ngay cả đàn bà, cưới về rồi, là quần áo không chỉn chu, trang điểm sơ sài, thậm chí chẳng thèm trang điểm. Thời yêu nhau, 1 lời cám ơn, 2 lời xin lỗi.
Mà sống chung rồi thì đến cả nụ cười cũng tiết kiệm với nhau. Sợ nhất hoạt cảnh cãi nhau rồi, là đưa con nhỏ ra để giải quyết chuyện người lớn. Cứ thế, những chi tiết nhỏ đến thế, khiến người ta bớt đi sự lãng mạn với nhau chăng?
Các chuyên gia tâm lý từng nói, nếu cuộc hôn nhân nào trải qua được 3 năm đầu, thì khả năng ly hôn sẽ giảm xuống đáng kể. Một hoạt chất được tiết ra trong thời gian yêu nhau, khiến tim đập nhanh, suy nghĩ luôn hướng về nhau, cũng dần bị phôi phai theo thời gian. Bởi vậy, cái nghĩa sẽ dần được xây dựng, bền vững hơn cái tình. Và đây chính là nền móng khiến căn nhà chắc chắn hơn, đủ sức vượt qua được những cơn bão lớn ào tới trong cuộc đời.
2. Khi nói về chuyện ở trọ, lứa tuổi thành đạt đều nhớ về quá vãng đã qua. Ngày đó đi kiếm nhà trọ đã khó, vợ con mà mâu thuẫn với bà chủ nhà trọ, thì xác định lại phải chuyển nhà.
Dần dà, vợ chồng gom góp tiền đi làm, vay chút của người thân, vay chút của ngân hàng, mua được căn chung cư nhỏ. Từ căn 1 phòng ngủ nâng cấp dần lên căn 3 phòng ngủ. Và thường ở lứa tuổi trung niên, thì đa phần đều ổn định nhà cửa với sự khang trang nhất định.
Nhưng cũng từ khi ổn định ấy, thì người ta lại thường “ở trọ” trong chính nhà mình. Đàn ông tối ngày ở ngoài đường, đàn bà cũng tối ngày ở ngoài đường. Họ, hoặc bận rộn làm việc trối chết, đặc biệt ở các công ty nước ngoài, hoặc cũng ít khi muốn về nhà.
Về căn nhà mà đã cố gắng gầy dựng nhiều năm, mang bao nhiêu tâm sức thời tuổi trẻ để có được căn nhà với các đồ nội thất như ý, sao giờ khó quá. Người ta thực sự không chán căn nhà của mình, cũng chưa hẳn chán đối tác, mà chán những điều đã trở thành thói quen nhiều năm.
Nói ra, người khác sẽ cho rằng lòng dạ thay đổi. Mà có khi đúng là như vậy, chỉ có điều, thấy là ghê gớm hay bình thường được quyết định bởi nhận thức cá nhân.
Con người là một động vật biết suy nghĩ rất phức tạp, nên đôi khi sự bình an phẳng lặng quá cũng khiến người trong cuộc cảm thấy không ổn.
Có anh bạn kể: “Vợ chồng sống cùng nhau đã lâu, cũng chẳng có chuyện gì để háo hức như ngày xưa. Nếu có rắc rối xảy tới, nói ra, thì bà xã phải suy nghĩ, cũng tội bả. Mà không nói ra, thì nghiễm nhiên mình phải chịu “găm” câu chuyện cũng như xử lý một mình. Riết rồi chẳng thể chia sẻ được cùng nhau ngoài vài câu chuyện của 2 đứa nhỏ. Mà nói miết thì cũng loanh quanh vậy thôi!”. Bởi vậy anh bạn nói, ảnh đang “ở trọ” trong căn nhà mình.
Hai cá thể xa lạ, tự nhiên vì cái duyên nào đó, vì sự gặp gỡ nào đó, mà gặp nhau, yêu thương nhau và nhất định phải làm đám cưới với nhau. Ấy vậy mà chỉ sau một thời gian chung sống, người ta lại vô tâm không ngờ. Xích lại bên nhau dưới 1 mái nhà với đủ cung bậc hỉ nộ ái ố trong đời, nói ra thì dễ, thực hành mới khó.
Nếu nghĩ rằng, sự sống của chúng ta trên đời này, cũng là ở trọ, thì sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều lần. Cứ thế mà ngày trôi đi…