Lật tẩy mưu đồ thay đổi hiện trạng Biển Đông

Sự việc Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981,  đưa nhiều tàu hộ tống (gồm cả tàu quân sự) xâm phạm sâu vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam từ đầu tháng 5/2014 đã được Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế chỉ rõ là hành vi nguy hiểm, vi phạm luật pháp quốc tế, ảnh hưởng trực tiếp tới hòa bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải.
Lật tẩy mưu đồ thay đổi hiện trạng Biển Đông

Các tầng lớp quần chúng nhân dân, hiệp hội ngành nghề, các lãnh đạo, đại diện tham dự các cuộc giao thiệp chính thức, lãnh đạo Chính phủ Việt Nam tham gia các diễn đàn quốc tế và khu vực đã nhất loạt lên tiếng phản đối mạnh mẽ hành vi ngang ngược và mưu đồ đen tối này của Trung Quốc.

Trả lời phỏng vấn kênh CNN (Mỹ), Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh một lần nữa nêu rõ, Việt Nam cực lực phản đối sự chiếm đóng bất hợp pháp của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa; Việt Nam quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và lợi ích chính đáng ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.  

Dư luận Việt Nam và quốc tế còn lật tẩy mưu đồ nham hiểm của Trung Quốc. Đó là âm mưu dùng sức mạnh của tàu to, súng lớn, máy bay nhiều để đe dọa, uy hiếp lực lượng chấp pháp của Việt Nam, tung hoả mù nhằm thay đổi hiện trạng, từ đó biến vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam thành một vùng được Trung Quốc gọi là “có tranh chấp”.

Mưu đồ nham hiểm đó của Trung Quốc là không thể chấp nhận và đã bị lật tẩy. Vùng biển mà Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 là vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, là thềm lục địa của Việt Nam. Đó là thực tế không thể chối cãi, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.

Thực tế này không chỉ được khẳng định bởi hoạt động đánh bắt hải sản của ngư dân Việt Nam trên ngư trường truyền thống này hàng trăm năm qua, mà còn được thể hiện bởi các thông số về kinh độ, vĩ độ rất cụ thể theo quy định về vùng đặc quyền kinh tế, vùng thềm lục địa được quốc tế thừa nhận.

Thực tế này còn được khẳng định mạnh mẽ, bởi Việt Nam - với tư cách là người chủ thực sự của vùng thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế này theo quy định của luật pháp quốc tế - hàng chục năm qua đã hợp tác làm ăn với các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới trong thăm dò, khai thác dầu khí tại đây.

Nói như Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ, ông Nguyễn Quốc Cường khi trả lời phỏng vấn trực tiếp kênh CNN hôm 28/5, nếu đây là vùng biển tranh chấp, thì liệu các tập đoàn kinh tế trên thế giới, trong đó có các tập đoàn lớn của Hoa Kỳ, có chấp nhận hợp tác làm ăn với Việt Nam hay không?

Thực tế hợp tác, làm ăn yên ổn, hiệu quả trong hàng chục năm qua giữa Việt Nam và các đối tác trên thế giới trong vùng thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam mà Trung Quốc vừa ngang ngược hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981, chính là câu trả lời thuyết phục nhất. Ngược lại, năm 2012, khi Trung Quốc cố tình tạo tranh chấp, lên tiếng mời thầu quốc tế các lô dầu khí trên vùng thềm lục địa Việt Nam, thì không có công ty nước ngoài nào tham gia.

Điều đó cho thấy, dư luận quốc tế biết rõ vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, không dễ để Trung Quốc qua mặt, lôi kéo vào âm mưu tạo tranh chấp vô cớ với một quốc gia có chủ quyền như Việt Nam.

Phát biểu trung tâm tại Hội nghị Thượng đỉnh an ninh châu Á (Đối thoại Shangri-La) ở Singapore kết thúc hôm qua (1/6), Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã cam kết ủng hộ Việt Nam cùng Philippines trong các vụ việc bị Trung Quốc xâm phạm lãnh thổ bằng cách cố tình tạo nên những tranh chấp vô cớ, đồng thời khẳng định, việc sử dụng vũ lực và hăm dọa hòng thay đổi hiện trạng là hành động không thể biện hộ.

Vì những lẽ đó, phải khẳng định một lần nữa rằng, việc Trung Quốc trắng trợn đưa giàn khoan trái phép vào vùng đặc quyền kinh tế, vào thềm lục địa của Việt Nam, tạo xung đột với lực lượng chấp pháp của Việt Nam, hành động vô nhân đạo đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam là không thể chấp nhận.

Với Việt Nam, đúng như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định, chúng ta luôn tha thiết có hòa bình, hữu nghị để xây dựng và phát triển đất nước, nhưng đó phải là một nền hòa bình, hữu nghị trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển và “nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó”. Vì thế, Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo thiêng liêng và lợi ích chính đáng của mình, không bao giờ chấp nhận việc thay đổi hiện trạng biển Đông mà Trung Quốc đang dã tâm thực hiện.

Tin bài liên quan