“Bèo bọt” ưu đãi thuế
“Quỹ HTTN, đúng như tên gọi của nó là được hình thành dựa trên sự tự nguyện tham gia của DN và người lao động. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, ưu đãi thuế là chính sách có ý nghĩa rất quan trọng nhằm tạo ra sự kích thích các bên tham gia quỹ.
Thế nhưng, dự thảo Nghị định về quỹ HTTN, cũng như các quy định về thuế đối với loại hình quỹ hưu trí, chưa đáp ứng được đòi hỏi này. Đây đang là quan ngại lớn nhất cho tính khả thi cho việc lần đầu tiên lập quỹ HTTN tại Việt Nam”, ông Trần Lê Minh, Phó tổng giám đốc CTCP Quản lý quỹ đầu tư Việt Nam (VFM) phát biểu tại hội thảo lấy ý kiến cho dự thảo Nghị định do Bộ Tài chính tổ chức cuối tuần qua.
Theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành, khoản tiền mà DN và người lao động đóng góp vào quỹ HTTN được miễn thuế là tối đa 1 triệu đồng/người/tháng, góp trên mức này sẽ phải đóng thuế. Với mức miễn thuế “bèo bọt” này, nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế cảnh báo, việc lập quỹ HTTN trở nên khó khả thi, nhất là trong bối cảnh mặt bằng thu nhập của người dân hiện còn thấp.
Ông Minh cho biết, mức miễn thuế hiện tại là chưa đủ hấp dẫn, sẽ khó thu hút người dân tham gia góp tiền vào quỹ. Điều này phần nào được thể hiện qua việc phát triển các sản phẩm bảo hiểm hưu trí nhân thọ (được hưởng ưu đãi thuế tương tự như quỹ HTTN).
Hết năm 2014, toàn thị trường có 4 DN bảo hiểm nhân thọ đã triển khai nghiệp vụ bảo hiểm hưu trí là Manulife, AIA, Dai-ichi và PVI Sun Life. Kết quả khai thác trong năm 2014 của 4 DN này đạt 12.040 hợp đồng, chỉ chiếm 1% tổng số hợp đồng khai thác mới, với tổng doanh thu phí khai thác mới hơn 188 tỷ đồng (chiếm 2,17% tổng doanh thu khai thác mới của các DN bảo hiểm nhân thọ).
“Thay vì chỉ được miễn thuế với mức đóng góp 1 triệu đồng vào quỹ HTTN, qua nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, cũng như thực tiễn Việt Nam, mức này cần được nâng lên tối thiểu 5 triệu đồng/người/tháng. Lý do là bởi đặc thù khi tham gia quỹ HTTN là thời gian kéo dài 30 - 40 năm, nên với khoản được miễn thuế 1 triệu đồng, thì sau mấy chục năm tham gia, người dân chỉ nhận được một khoản thu nhập thấp, do yếu tố lạm phát, trượt giá.
Mức miễn thuế quá thấp như quy định hiện hành sẽ không kích thích các bên nhận ủy thác đầu tư như công ty quản lý quỹ tham gia”, ông Minh nói và đề xuất, ngoài tăng ưu đãi thuế cho phần đóng góp vào quỹ HTTN, cần bổ sung quy định miễn thuế cho kết quả đầu tư của quỹ.
Đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo Nghị định, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng, Bộ Tài chính thừa nhận, ưu đãi thuế là động lực rất lớn để thúc đẩy phát triển quỹ HTTN. Do đó, để kích thích người dân tham gia quỹ, mức ưu đãi thuế hiện hành sẽ được cân nhắc điều chỉnh cho phù hợp hơn trong thời gian tới.
Nên giảm đầu tư vào trái phiếu chính phủ
Theo dự thảo Nghị định, tỷ trọng giá trị đầu tư vào trái phiếu chính phủ (TPCP) trong tổng giá trị quỹ HTTN tại mọi thời điểm tối thiểu bằng 50%, trong đó tỷ trọng tối thiểu đối với từng loại quỹ như sau: 50% đối với quỹ hưu trí có mục tiêu đầu tư tăng trưởng, 60% đối với quỹ hưu trí có mục tiêu đầu tư cân bằng, 70% đối với quỹ có mục tiêu đầu tư bảo toàn vốn.
“Quy định về phân bổ tài sản đầu tư như trên là chưa phù hợp, do mức phân bổ này không tạo ra được sự khác biệt về kết quả đầu tư giữa các quỹ. Để Quỹ HTTN có thể đạt được quy mô cần thiết nhằm đảm bảo duy trì hoạt động trong khoảng 3 năm sau khi thành lập, cần có sự tập trung, nên cần cân nhắc chỉ cho phép một lựa chọn đầu tư trong thời gian đầu là quỹ đầu tư có mục tiêu đầu tư cân bằng, với tỷ lệ đầu tư 60% vào TPCP”, ông Minh đề xuất và kiến nghị thêm, trong trường hợp Ban soạn thảo vẫn bảo lưu quan điểm nên có 3 quỹ, thì tỷ lệ đầu tư vào TPCP nên điều chỉnh theo hướng: 20% đối với quỹ có mục tiêu đầu tư tăng trưởng, 60% đối với quỹ có mục tiêu đầu tư cân bằng, 80% đối với quỹ có mục tiêu đầu tư bảo toàn vốn.
Tuy nhiên, ý kiến khác cho rằng, việc duy trì tỷ lệ đầu tư cao vào TPCP là cần thiết cho tính an toàn của các quỹ HTTN. Nếu để cho công ty quản lý quỹ đầu tư tới 30% vào cổ phiếu, chẳng may TTCK lao dốc, mất hết vốn thì ai chịu trách nhiệm?
“Ban soạn thảo sẽ rà soát lại tỷ lệ đầu tư vào TPCP của các quỹ để đưa ra tỷ lệ hợp lý hơn, nhưng nguyên tắc tối thượng mà Ban soạn thảo sẽ bảo lưu là bắt buộc các quỹ HTTN phải đầu tư vào TPCP với tỷ lệ khá cao để đảm bảo an toàn cho quỹ như thông lệ quốc tế”, bà Hiền nói và cho biết, việc thiết kế 3 quỹ như dự thảo để tạo sự linh hoạt cho người tham gia quỹ HTTN.
Kinh nghiệm các nước cho thấy, người trẻ tuổi ưa thích tham gia quỹ hưu trí có mục tiêu đầu tư tăng trưởng, trong khi người ở độ tuổi trung niên có nhu cầu tham gia quỹ có mục tiêu đầu tư cân bằng nhiều hơn, người cao tuổi muốn tham gia các quỹ có mục tiêu đầu tư bảo toàn vốn.
Không để công ty quản lý quỹ độc quyền
Theo dự thảo Nghị định, có 3 đối tượng gồm: ngân hàng, công ty quản lý quỹ và DN bảo hiểm nhân thọ được tham gia cung cấp dịch vụ quản lý quỹ HTTN. Điều này đồng nghĩa “miếng bánh” thị phần quản lý quỹ HTTN sẽ không to như mong muốn của các công ty quản lý quỹ. Bởi vậy, lấy lý do việc có quá nhiều các loại hình DN tham gia cung cấp dịch vụ quản lý quỹ HTTN sẽ khiến khó tăng quy mô của quỹ trong thời gian đầu hoạt động, một số công ty quản lý quỹ tìm cách “co kéo” quyền lợi khi đề xuất, trong thời gian đầu chỉ nên để họ độc quyền cung cấp dịch vụ quản lý quỹ HTTN.
Tuy nhiên, đề xuất trên không nhận được sự ủng hộ của Ban soạn thảo. Bà Hiền khẳng định, qua nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế cho thấy, cả 3 loại hình DN như dự thảo đều có thể tham gia cung cấp tốt dịch vụ quản lý quỹ HTTN. Bởi vậy, Ban soạn thảo bảo lưu nội dung này như dự thảo.
“Nên để một mình công ty quản lý quỹ quản lý Quỹ HTTN” Ông Nguyễn Khắc Hải, Phó Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ SSI Các công ty quản lý quỹ trông đợi dự thảo Nghị định này từ lâu, với hy vọng khi được ban hành và áp dụng sẽ tạo đột phá cho sự phát triển của ngành quản lý quỹ non trẻ ở Việt Nam. Tuy nhiên, quy định như dự thảo là các ngân hàng, công ty bảo hiểm và công ty quản lý quỹ đều được phép tham gia cung cấp dịch vụ quản lý quỹ HTTN, thì cơ hội cho các công ty quản lý quỹ không nhiều. Khi đó “miếng bánh” thị phần cung cấp dịch vụ này với công ty quản lý quỹ sẽ nhỏ. Bởi vậy, trong thời gian đầu, chỉ nên để một mình công ty quản lý quỹ được phép quản lý quỹ HTTN, nhằm tạo điều kiện nuôi dưỡng loại hình quỹ này, cũng như ngành quản lý quỹ. Về bản chất, hoạt động đầu tư của quỹ HTTN là theo mô hình ủy thác. Theo quy định của Luật Chứng khoán, chỉ các công ty quản lý quỹ mới được thực hiện nhận ủy thác đầu tư. Trong khi đó, theo quy định của pháp luật về ngân hàng, các ngân hàng không được nhận ủy thác đầu tư. Tỷ lệ tài sản của quỹ HTTN phải đầu tư vào TPCP như dự thảo là quá cao. Thêm vào đó, các quỹ còn phải đầu tư tiền gửi vào các tổ chức tín dụng. Điều này sẽ khiến cho quỹ HTTN trở nên nhàm chán, không hấp dẫn người dân tham gia. Kinh nghiệm ở nhiều thị trường trên thế giới cho thấy, các quỹ HTTN được phép đầu tư một tỷ trọng đáng kể tài sản vào thị trường cổ phiếu. |
“Không nên buộc quỹ HTTN đầu tư quá nhiều vào TPCP” Bà Yoko Ogimoto, Viện nghiên cứu Nomura Việc triển khai quỹ HTTN tại Nhật Bản diễn ra khá muộn. Đây là điều Việt Nam nên tránh. Kinh nghiệm ở Nhật Bản và trên thế giới cho thấy, Việt Nam dự kiến yêu cầu các quỹ hưu trí có mục tiêu đầu tư tăng trưởng phải đầu tư tới 50% tài sản vào TPCP là quá nhiều. Tương tự, với quỹ có mục tiêu bảo toàn vốn, dự thảo Nghị định đề xuất đầu tư tới 70% tài sản vào TPCP là quá cao khi xét đến sự cần thiết của tính thanh khoản. Ban soạn thảo nên cân nhắc giảm tỷ lệ này cho hợp lý hơn, nếu không sẽ ảnh hưởng đến tính khả thi của lập quỹ HTTN. Bên cạnh đó, cần tăng ưu đãi thuế cho người dân, để kích thích họ tham gia quỹ HTTN. Trong đó, nên miễn thuế thu nhập cá nhân đối với người thừa kế là vợ, chồng, con cái của người tham gia quỹ khi họ qua đời. |