Theo một số CTCK, với vai trò là thành viên lập quỹ (AP), họ sẽ gặp khó khi giao dịch Arbitrage, bởi hệ thống của Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) đang chỉ thanh toán chứng khoán thứ cấp tại T+3, trong khi muốn thực hiện giao dịch Arbitrage có hiệu quả, thì CTCK phải mua chứng khoán cơ cấu để hoán đổi chậm nhất vào ngày T-1, hoặc phải vay chứng khoán cơ cấu, trong khi Hệ thống vay và cho vay chứng khoán (SBL) vẫn chưa đưa vào vận hành. Là đơn vị đầu tiên lập quỹ ETF, VFM có đối mặt với những khó khăn này và đang khắc phục nó ra sao, thưa ông?
Không riêng tại Việt Nam, bất kỳ thị trường nào trên thế giới đều gặp phải những trở ngại bước đầu khi triển khai sản phẩm mới. Để vượt qua khó khăn này, điều quan trọng là các bên tham gia lập quỹ, cơ quan quản lý, tổ chức thị trường phải phối hợp chặt chẽ trong quá trình khắc phục các bất cập, vướng mắc khi triển khai thực tế.
Cụ thể, qua làm việc với VSD, VFM nhận thấy VSD đã và đang có nhiều nỗ lực để dần hoàn thiện các quy chế, quy trình để triển khai ngay khi quỹ ETF được niêm yết. Đó là nỗ lực đẩy nhanh thời gian thanh toán chứng chỉ quỹ ETF lên T+2 cho giao dịch hoán đổi sơ cấp, hướng tới áp dụng cho cả giao dịch thứ cấp khi điều kiện cho phép.
Đối với Quỹ ETF VFMVN30 vừa được VFM huy động thành công trong giai đoạn IPO sẽ thực hiện giao dịch hoán đổi 1 lần/tuần trong tháng đầu tiên, tăng tần suất giao dịch lên 2 lần/tuần trong tháng tiếp theo, sau đó tiến tới thực hiện giao dịch hàng ngày. Lộ trình này cho phép vừa đưa quỹ ETF vào vận hành chính thức đúng cam kết với nhà đầu tư, vừa có điều kiện dần khắc phục các bất cập phát sinh (nếu có) của hệ thống.
Có ý kiến cho rằng, CTCK sẽ không mạo hiểm triển khai mạnh nghiệp vụ tạo lập thị trường, do chưa có TTCK phái sinh nên không có công cụ để phòng ngừa rủi ro cho nghiệp vụ này? Ông nghĩ gì về quan ngại này?
Ngoài khó khăn trên, CTCK còn gặp phải một khó khăn khác là theo quy định, CTCK chỉ được sở hữu tối đa 20% vốn điều lệ của một quỹ niêm yết. Tuy nhiên, nếu một CTCK tham gia với tư cách là AP, có nghĩa là ngoài mua chứng chỉ quỹ ETF cho mình, họ còn mua cho khách hàng, nên việc khống chế trần sở hữu sẽ làm hạn chế hoạt động của các AP.
Hay liên quan đến công bố thông tin, vì AP được thực hiện giao dịch Arbitrage, nên họ sẽ mua vào, bán ra chứng chỉ quỹ ETF thường xuyên, nhất là trong trường hợp AP cũng đồng thời triển khai nghiệp vụ nhà tạo lập thị trường, nên cần có cơ chế riêng để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho CTCK khi thực hiện giao dịch mua/bán chứng chỉ quỹ ETF.
Tuy nhiên, điều quan trọng là cơ quan quản lý, các thành viên tham gia lập quỹ đã nhìn thấy những khó khăn đó và nỗ lực giải quyết để giúp cho quỹ ETF có thể nhanh chóng đi vào hoạt động hiệu quả. Khi đưa quỹ vào vận hành trong thực tế, chắc chắn, sẽ còn phải điều chỉnh dần dần cả về pháp lý, hệ thống, quy trình giao dịch…. Còn chưa làm mà đã đòi hỏi tháo gỡ hết các khó khăn thì không thực tế.
Trong đợt IPO vừa qua, nhà đầu tư nhỏ lẻ quan tâm đến Quỹ ETF VFMVN30 như thế nào? Theo ông, cần có giải pháp gì để khuyến khích nhà đầu tư nhỏ tham gia vào giao dịch này trong tương lai?
Trong giai đoạn IPO vừa qua, ETF VFMVN30 đã huy động được hơn 200 tỷ đồng từ AP, các CTCK, tổ chức tài chính và các nhà đầu tư cá nhân. Đây là một sự khởi đầu tốt.
Từ phía công ty quản lý quỹ, chúng tôi cho rằng, con số này không chỉ có ý nghĩa về mặt định lượng, mà còn thể hiện sự quan tâm, sự phản hồi tích cực từ nhà đầu tư dành cho sản phẩm mới này. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ mới tập trung huy động nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư cá nhân lớn chuyên nghiệp và am hiểu ETF tương đối rõ.
Do mức góp vốn tối thiểu ban đầu khá cao, nên sẽ chưa thể thu hút nhà đầu tư nhỏ. Với nhà đầu tư cá nhân trong nước, đầu tư dạng chỉ số, đặc biệt là kênh ETF còn quá mới, nên chúng tôi hiểu rằng, cần có thêm thời gian để nhà đầu tư cá nhân dần quen với sử dụng ETF như một kênh đầu tư.
Do đó, chúng tôi sẽ đẩy mạnh tiếp cận các nhà đầu tư cá nhân nhiều hơn sau giai đoạn niêm yết, thông qua các buổi giới thiệu về quỹ trực tiếp tại các CTCK. Lúc đó, việc giao dịch ETF sẽ dễ dàng hơn khi VFMVN30 được mua, bán như một cổ phiếu thông thường trên sàn.