Lập lờ giữa vay và bán cổ phần
Trong câu chuyện “trà dư tửu hậu” với nhóm doanh nghiệp, chủ tịch hội đồng quản trị một ngân hàng lớn nhận xét: “Chấp nhận vay vốn bằng USD với lãi suất tới 13 - 15%/năm thì chẳng khác gì doanh nghiệp đang… khát bạc”. Nhận xét trên được vị chủ tịch đưa ra sau khi một doanh nghiệp niêm yết công bố thông tin có nhà đầu tư ngoại – vốn là một cái tên không còn xa lạ trên thị trường chứng khoán – trở thành cổ đông lớn.
Theo đó, nhà đầu tư ngoại chấp nhận mua cổ phiếu với giá cao, thậm chí rất cao, nhưng doanh nghiệp phải có những cam kết về tài sản và điều khoản chuyển thêm cổ phiếu, cùng cam kết về đảm bảo mức sinh lời tối thiểu 13%/năm bằng USD. Nếu vượt trên mức này, lợi nhuận được hai bên chia đôi.
Lãi suất “cắt cổ”, nhưng một số doanh nghiệp niêm yết vẫn chọn “phát hành” theo phương án này. Lý do thì có nhiều. Có trường hợp đơn giản là vì hạn mức vay vốn ngân hàng của doanh nghiệp đã cạn, trong khi doanh nghiệp lại đang đứng trước cơ hội đầu tư lớn, nhất là các thương vụ M&A hoặc phát triển các dự án mới với tiềm năng tăng trưởng tốt.
Lãnh đạo một ngân hàng cổ phần, người từng đứng ra thu xếp vốn cho một doanh nghiệp lớn nhận xét: “Nhờ có dòng vốn nóng này mà công ty đã bứt phá ngoạn mục, lấy được những dự án rất lớn và kiếm lợi khổng lồ trong mấy năm vừa qua, khi ngân hàng đã quay lưng hoặc không thể cấp tín dụng cho doanh nghiệp được nữa”.
Trong một số trường hợp, những thỏa thuận này đơn giản là tạo ra một mặt bằng giá mới cho cổ phiếu của doanh nghiệp. “Mọi người không ngạc nhiên là vì sao việc bán cổ phiếu với giá cao toàn trong những thương vụ mà doanh nghiệp phải phát hành cho một nhà đầu tư, rồi nhà đầu tư bán lại cho nhà đầu tư ngoại, mà tiền không về doanh nghiệp, trong khi số tiền thu được từ mỗi thương vụ đều rất lớn”, lãnh đạo một công ty chứng khoán nói và nhận xét rằng, việc đi vay dưới hình thức bán cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài hiện đã trở nên khá phổ biến ở thị trường Việt Nam.
Những hệ lụy kéo theo
Các thương vụ vay vốn bằng cổ phiếu giữa các nhà đầu tư Việt Nam với nhau không phải là hiếm, trong đó cổ phiếu cầm cố có thể được phong tỏa tại công ty chứng khoán, hoặc được chuyển tên sở hữu. Nhưng trong tình huống này, việc chuyển nhượng cổ phiếu tạm thời không tạo ra một hiệu ứng giống như trường hợp mà bên cho vay và nhận chuyển nhượng tạm thời cổ phiếu là nhà đầu tư nước ngoài.
Với việc đi vay vốn ngoại, thủ tục đi vay thường phức tạp hơn, do phải thông qua Ngân hàng Nhà nước. Nhưng nếu việc đi vay được cấu trúc dưới hình thức mua bán cổ phiếu thì yêu cầu về thủ tục sẽ đơn giản hơn rất nhiều.
Điểm thứ hai quan trọng hơn là việc các nhà đầu tư trong nước, nhất là nhà đầu tư cá nhân, thường nhìn vào giao dịch của nhà đầu tư ngoại để ra quyết định đầu tư. Một mức giá “trên trời” có thể được nhà đầu tư ngoại chấp nhận mua vào, vì đó là hợp đồng cho vay có đảm bảo, nhưng nhà đầu tư trong nước nếu nhìn vào giao dịch này để ra quyết định đầu tư, thì rủi ro của quyết định đầu tư này sẽ cao hơn. Và đây là điều mà nhiều chuyên gia tài chính đang e ngại.
Một kịch bản được nhà đầu tư suy đoán nhiều trong thời gian vừa qua, là các ông chủ sử dụng vị thế quy mô vốn điều lệ lớn và các giao dịch “vay trá hình” này để tạo nên mức vốn hóa đủ lớn, thu hút các quỹ đầu tư tham gia mua cổ phiếu.
“Đó là thời điểm họ thu tiền thực sự. Khi đó, chấp nhận mức lãi suất 15%/năm bằng USD cũng là khoản vay chấp nhận được, bởi nó vừa giải quyết bài toán vốn, vừa giải quyết bài toán bán cổ phiếu ra thị trường”, lãnh đạo một công ty chứng khoán nhận xét.